Quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ
Tin tức - Ngày đăng : 15:19, 12/05/2023
Báo cáo nhận định việc chuyển sang sử dụng đồng NDT để thanh toán phần lớn giao dịch hàng hóa, trị giá khoảng 88 tỷ USD, đã góp phần đẩy nhanh nỗ lực quốc tế hóa đồng nội tệ của Trung Quốc, bất chấp trong năm vừa qua nền kinh tế lớn nhất châu Á đã sử dụng nhiều biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, làm hạn chế vai trò toàn cầu của nước này trong nền kinh tế thế giới trong ngắn hạn.
Vào tháng 3.2023, đồng NDT, lần đầu tiên đã vượt đồng USD, đã trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất cho các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc. Mặc dù, tỷ trọng của đồng NDT với tư cách là đồng tiền thanh toán quốc tế vẫn còn nhỏ, chỉ chiếm 2,5%, so với 39,4% của đồng USD và 35,8% của đồng euro, theo báo cáo từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Nhà chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Công ty quản lý quỹ Paribas Asset Management ở Hong Kong (Trung Quốc), Chi Lo, dự báo sẽ xuất hiện “hiệu ứng quả cầu tuyết” trong dài hạn, khi ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào “khối NDT”, để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD.
Ông Lo lý giải quá trình NDT hóa sẽ diễn ra trong một thời gian dài, từ một đến ba thập kỷ nữa. Hiện tại và trong vài năm tới, các giao dịch quốc tế sử dụng đồng NDT chủ yếu sẽ chỉ xuất hiện trong ngành năng lượng.
Dù cho Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT từ hơn một thập kỷ trước, đồng tiền này chỉ được sử dụng một cách rời rạc trong các giao dịch mua hàng hóa lớn của Trung Quốc, do hầu hết các giao dịch dầu mỏ, khí đốt, đồng và than trên toàn cầu đều được định giá bằng đồng USD.
Tuy nhiên, sự thay đổi đã xuất hiện vào năm ngoái, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ và các quốc gia phương Tây liên tục áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt ngày càng tăng đối với Nga, bao gồm cả việc "vũ khí hóa" đồng USD. Bằng cách chuyển sang sử dụng đồng NDT trong các giao dịch với Nga, năm 2022, Trung Quốc đã trở thành khách mua chính các mặt hàng năng lượng của Nga, thúc đẩy khối lượng nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia châu Âu này tăng 52% về giá trị.
Điều đó giúp Trung Quốc tiết kiệm hàng tỷ USD, khi nền kinh tế nội địa đang “quay cuồng” với các tác động từ lệnh hạn chế nghiêm ngặt do dịch COVID-19, đồng thời giúp Trung Quốc có sẵn một lượng hàng dự trữ dồi dào chuẩn bị cho tiến trình phục hồi sau đại dịch.
Dữ liệu của Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho thấy, trong năm 2022, tổng số tiền thanh toán trên Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), giải pháp thay thế cho SWIFT của Trung Quốc, đã tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 96,7 nghìn tỷ NDT (14,02 nghìn tỷ USD).
Trên toàn cầu, việc sử dụng đồng NDT cũng thành công đạt được đà tăng trưởng. Tháng trước, Argentina cho biết sẽ bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng NDT, để giảm bớt áp lực lên nguồn dự trữ USD của quốc gia. Trong khi, vào tháng 3.2023, tập đoàn TotalEnergies của Pháp lần đầu tiên đã bán cho Trung Quốc lô hàng dầu khí hóa lỏng (LNG) thanh toán bằng đồng NDT.
Theo TTXVN