Hoại tử tay vì đắp thuốc nam chữa rắn cắn
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:48, 12/05/2023
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thăm khám cho bệnh nhân bị rắn cắn - Ảnh: D.LIỄU
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện trong tình trạng sốt, cổ tay bị rắn cắn thâm đen và bắt đầu hoại tử.
Bệnh nhân cho biết gia đình làm nghề nuôi rắn, hiện đang là thời điểm để rắn giao hợp đẻ trứng. "Khi bắt rắn đực ra khỏi lồng rắn nuôi chung, không may tôi bị rắn cắn. Đáng ra tôi phải mặc bảo hộ, nhưng do chủ quan nên đã bị rắn tấn công. Sau đó tôi đến thầy lang để đắp thuốc "thải độc" nọc rắn, nhưng tình trạng không cải thiện", ông L. cho hay.
Sau khi thấy tình trạng không cải thiện, ông L. mới tới bệnh viện điều trị, khi đó vết cắn đã hoại tử. Bác sĩ cho biết sau khi xử lý vết thương, ông sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ phần da hoại tử, thời gian điều trị kéo dài.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, hiện nước ta đã ghi nhận khoảng 70 loài rắn độc. Thông thường từ tháng 5 đến tháng 10, trung tâm tiếp nhân bệnh nhân bị rắn cắn nhiều hơn do đây là thời gian sinh sôi của rắn.
"Người dân còn có thói quen khi phát hiện rắn sẽ bắt rắn với mục đích làm đồ ăn, ngâm rượu... dẫn đến bị rắn cắn. Vì vậy, để phòng tránh thì điều đầu tiên là không được bắt rắn, thay vào đó có thể dùng các biện pháp khác để xua đuổi rắn.
Ngoài ra, một số sai lầm trong sơ cứu khi bị rắn độc cắn là đắp thuốc nam, chích rạch vết rắn cắn, chích điện... Theo tôi, người dân tuyệt đối không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc. Cũng không đắp thuốc bằng lá cây vì có thể gây nhiễm trùng vết thương và làm chậm trễ việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Khi bị rắn cắn, cần nhanh chóng đưa nạn nhân lên cáng/băng ca, không để bệnh nhân tự di chuyển, đi bộ để tránh làm độc lây lan. Cơ sở y tế sẽ xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Theo Tuổi trẻ