Thiếu kinh phí, nhân lực triển khai thực hiện pháp luật về tài nguyên nước

Tin tức - Ngày đăng : 16:53, 11/05/2023

Sau hơn 10 năm có hiện lực thi hành, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.


 Sáng 10.5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khảo sát trực tiếp về chất lượng nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải ở khu vực cầu Cống Tranh (Bình Giang)

Ngày 11.5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khảo sát tại huyện Bình Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012.


Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu kết luận buổi làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường

Tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, sở đã phản ánh nhiều bất cập trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 và những khó khăn trong thực tiễn khi triển khai thi hành luật này. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện được công tác thống kê, kiểm kê khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước do đây là khối lượng công việc rất lớn, chưa được bố trí kinh phí để triển khai. Lực lượng thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước còn mỏng, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác còn thiếu dẫn đến việc phát hiện và xử lý vi phạm gặp khó. Bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị huyện Bình Giang bổ sung các số liệu chi tiết vào báo cáo để làm rõ thực trạng tài nguyên nước hiện nay

Tại buổi làm việc với huyện Bình Giang, UBND huyện cho biết từ năm 2014 đến nay, chất lượng nước ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn huyện ngày càng suy giảm. Nước từ phía thượng nguồn (TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên) chảy về thường xuyên có màu đen, mùi hôi, khoảng 3-4 đợt/năm (mỗi đợt từ 5-7 ngày).

Theo kết quả quan trắc và phân tích môi trường tại 5 vị trí trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải theo mạng lưới các điểm quan trắc môi trường trên địa bàn huyện Bình Giang các năm 2020, 2021, 2022 do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy chất lượng nước sông hầu hết tại các vị trí lấy mẫu có nhiều thông số vượt hàng chục lần so với quy chuẩn môi trường cho phép. Căn cứ kết quả quan trắc, phân tích mẫu cho thấy nước đã bị ô nhiễm từ nhiều năm qua, thông số ô nhiễm chủ yếu là các chỉ tiêu hóa sinh. Hàm lượng chất ô nhiễm gia tăng, nhất là vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 12) do hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đóng để trữ nước phục vụ cho công tác thủy nông là chính nên tình trạng nước bị ứ đọng, không có dòng chảy. 


Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần sự vào cuộc của các tỉnh và có giải pháp quyết liệt từ Chính phủ

Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga ghi nhận những khó khăn, tiếp thu các kiến nghị của 2 đơn vị và cho rằng sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế trong thực tế. Đồng chí cũng đồng tình việc bảo vệ, khai thác và thực hiện chính sách pháp luật về tài nguyên nước chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu kinh phí, nhân lực và phương tiện thực hiện.

PHONG TUYẾT