[Audio] TP Hải Dương tạo vành đai xanh đô thị
Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 11/05/2023
TP Hải Dương đặt mục tiêu tăng diện tích trồng hoa gắn với du lịch (ảnh tư liệu)
Đề án thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch và phát triển thị trường nông sản sạch (gọi tắt là đề án nông nghiệp) là một trong số những đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hải Dương lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025. Đề án đã tạo động lực để TP Hải Dương xây dựng vành đai xanh cho đô thị loại I, vừa là đòn bẩy phát triển nông nghiệp, góp phần giảm áp lực của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.
Thiết thực
Nhiều năm nay, gia đình bà Lê Thị Phận ở phường Hải Tân gắn bó nghề trồng đào. Khi nhiều khu dân cư, đô thị mọc lên phá vỡ quy hoạch thủy lợi, người dân Hải Tân nhận thấy cấy lúa không còn phù hợp nên chuyển sang trồng hoa, cây cảnh. Theo bà Phận, trồng đào không lo chuột phá hoại hay sợ thiếu nước tưới mà còn tạo cảnh quan. Từ vài hộ tiên phong, đến nay đào, hoa đã trở thành cây trồng chủ lực vùng ven đô. “So với cấy lúa, trồng đào cho thu nhập cao gấp từ 4-5 lần. Vì tạo được vùng trồng lớn nên tới vụ, khách từ khắp nơi về mua. Từ đó cây đào ven đô thành phố cũng tạo dựng được thương hiệu, uy tín”, bà Phận cho hay.
Xuất phát từ thực tế khi trên địa bàn đã manh nha những mô hình nông nghiệp đô thị, nhất là vào năm 2019 TP Hải Dương sáp nhập thêm 5 xã Tiền Tiến, Quyết Thắng, Ngọc Sơn, Gia Xuyên, Liên Hồng thì việc định hướng phát triển nông nghiệp càng cấp bách và thiết thực. Đề án nông nghiệp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII ra đời đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tạo nền tảng để thành phố khai thác hiệu quả lợi thế nông nghiệp ven đô. Thực hiện đề án, TP Hải Dương đặt mục tiêu xây dựng các vùng rau an toàn, xúc tiến các hoạt động thương mại tiêu thụ nông sản, tăng diện tích trồng hoa gắn với du lịch và mở rộng, nâng cấp chợ đầu mối Hải Dương (ở xã Gia Xuyên) để làm nơi quảng bá, giới thiệu nông sản. Thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân tham gia các mô hình.
Đề án là "liều thuốc" trợ lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của TP Hải Dương phát triển theo hướng công nghệ cao khi quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng hạn hẹp. Đến nay, thành phố đã xây dựng thành công 6 vùng sản xuất rau an toàn với diện tích gần 70 ha ở các xã Tiền Tiến, Quyết Thắng, Liên Hồng, Gia Xuyên, đạt 70% mục tiêu đề án. Giá trị kinh tế tại vùng sản xuất này đạt từ 280-350 triệu đồng/ha, cao hơn từ 100 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường. Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết đề án đã dẫn dắt, định hướng chính quyền cơ sở và người dân hình thành các vùng chuyên canh VietGAP, tạo nguồn thực phẩm sạch tại chỗ cho khu vực nội thành. Triển khai đề án, xã xây dựng được vùng trồng hành, dưa chuột theo quy trình VietGAP và quy vùng sản xuất nếp cái hoa vàng.
Xã Quyết Thắng là một trong những địa phương ven đô của TP Hải Dương đi đầu triển khai sản xuất nông nghiệp an toàn
Điều chỉnh phù hợp
Đề án nông nghiệp đã tạo ra chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng diện mạo xanh cho đô thị, song trong quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên mục tiêu xây dựng 150 ha hoa gắn với phát triển du lịch ở các xã Liên Hồng, Gia Xuyên, Thạch Khôi bị chồng lấn trong điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Trước thực trạng này, để tiếp tục thực hiện đề án, UBND TP Hải Dương đã rà soát, quy hoạch 70 ha đất cây xanh, trồng hoa kết hợp du lịch tại thôn Đồng Bào (xã Gia Xuyên) và thôn Ngọc Lặc (xã Ngọc Sơn). Sau khi hoàn thiện đường vành đai I, thành phố sẽ mời gọi nhà đầu tư thực hiện.
Với việc mở rộng chợ đầu mối Hải Dương làm nơi quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, tổ chức các gian hàng thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, đến thời điểm hiện tại dự án chưa xin được chủ trương đầu tư do chưa có quy hoạch phân khu của xã Gia Xuyên. Từ thực tế này, UBND TP Hải Dương đề nghị giãn tiến độ thực hiện dự án, đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu. TP Hải Dương cũng tích cực kết nối giao thương với các thành phố kết nghĩa là Tuy Hòa (Phú Yên), Điện Biên Phủ (Điện Biên) để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác khi chợ đầu mối tại địa phương chưa được nâng cấp, mở rộng.
Để hoàn thành và vượt mục tiêu đề án nông nghiệp đề ra, thời gian tới TP Hải Dương xác định 4 giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền; quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; đào tạo nguồn nhân lực. Đây là những giải pháp căn cơ sẽ giúp ngành chức năng, chính quyền cơ sở của thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể theo nhiệm vụ được giao, quyết tâm thực hiện thành công đề án.
Đề án nông nghiệp thể hiện quyết tâm của TP Hải Dương trong việc cân bằng phát triển kinh tế, ưu tiên công nghiệp, thương mại nhưng không bỏ qua nông nghiệp. Tuy nhiên, để đề án đi vào thực tế, tạo ra giá trị thiết thực cần phải linh hoạt trong việc thực hiện, không áp đặt theo mục tiêu mà phải dựa vào xu thế phát triển chung.
PV