[Audio] Vựa sắn dây Kinh Môn thắng lớn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:00, 10/05/2023
Hiện nay, giá bột sắn dây cao kỷ lục và dự đoán có thể tiếp tục tăng do nhu cầu thị trường
Xã Thượng Quận được coi là vựa sắn dây của thị xã Kinh Môn khi có diện tích trồng sắn dây lớn nhất cùng với nhiều cơ sở chế biến tinh bột. Năm nay, giá bột sắn dây cao kỷ lục đã mang lại niềm vui cho nhiều người dân trong xã.
Giá cao kỷ lục, tiêu thụ thuận lợi
Sắn dây là loại cây với nhiều ưu điểm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, hợp với nhiều loại đất, khả năng chịu hạn tốt. Cây sắn dây đã bén rễ trên đất Thượng Quận hơn 30 năm nay. Vụ sắn dây vừa qua, xã có khoảng 80 ha trồng sắn dây, nhiều hộ dân trong xã còn tận dụng thuê, mượn đất ở các địa phương khác với tổng diện tích gần 20 ha. Hợp với thổ nhưỡng lại được trồng, chăm sóc bởi những người có nhiều kinh nghiệm nên sắn dây Thượng Quận cho nhiều củ, nhiều bột, chất lượng thơm ngon đặc trưng. Theo Hội Nông dân xã Thượng Quận, vụ sắn dây năm nay là một vụ mùa bội thu với bà con nông dân khi năng suất sắn dây đạt trung bình từ 1-1,2 tấn/sào, cao hơn 1 tạ/sào so với năm trước. Giá bán sắn dây tươi cũng cao gấp đôi năm ngoái, có thời điểm lên mức 21.000 đồng/kg, tính trung bình cả vụ khoảng 18.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân thu lãi từ 17-18 triệu đồng/sào. Nếu bà con chế biến thành bột sắn dây thì cho giá trị gấp 4 - 5 lần so với bán củ tươi.
Thời điểm này, việc tiêu thụ hàng hóa của các cơ sở chế biến tinh bột sắn dây ở xã Thượng Quận rất thuận lợi, có cơ sở đã bán gần hết lượng hàng sản xuất do nhu cầu của thị trường lớn. Để biến sản phẩm truyền thống thành hàng hóa có thương hiệu, HTX Nông sản sạch Thành Nhàn đầu tư quy trình sản xuất, chế biến đồng bộ, khép kín bằng hệ thống máy móc hiện đại. Sản phẩm bột sắn dây của HTX được đóng hộp hoặc đựng trong túi hút chân không vừa đẹp mắt, vừa tiện lợi cho người tiêu dùng, có thể bảo quản trong thời gian dài. Năm nay, HTX Nông sản sạch Thành Nhàn thu mua khoảng 200 tấn củ sắn dây tươi. Qua quá trình chế biến, thu được hơn 30 tấn tinh bột. Đến nay, HTX đã tiêu thụ hơn 20 tấn, 10 tấn còn lại cũng đã có nhiều đơn đặt hàng. Ông Bùi Văn Thành, Giám đốc HTX Nông sản sạch Thành Nhàn cho biết: “Hiện nay, giá bột sắn dây từ 150.000-200.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tháng 5.2023, HTX đã đầu tư thêm hệ thống máy sấy đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể sấy khô lên tới 90-95%".
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Quận, nguyên nhân khiến giá sắn dây tăng đột biến là do nhu cầu thị trường. Những năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sắn dây tiêu thụ chậm do giao thương gặp nhiều khó khăn, từ đó có những hộ dân ở nhiều địa phương giảm diện tích loại cây trồng này. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu thị trường lớn trong khi nguồn cung không đủ cầu, vì vậy nhiều cơ sở chế biến sản xuất tinh bột đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bột sắn dây có thể chế biến thành nhiều món ăn, thức uống bổ dưỡng nâng cao sức khỏe, cùng với giới thiệu, quảng bá được đẩy mạnh, sản phẩm sắn dây Thượng Quận đã tiếp cận được nhiều thị trường mới. Giá bột sắn dây có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao.
Năm nay, năng suất sắn dây ở Thượng Quận đạt trung bình từ 1-1,2 tạ/sào (ảnh do cơ sở cung cấp)
Nâng cao giá trị kinh tế
Nhận thấy việc sơ chế thành tinh bột sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn từ 4-5 lần so với bán củ tươi nên hơn chục năm về trước, anh Đỗ Văn Cương ở thôn Bãi Mạc đã mở xưởng chế biến, đầu tư trang thiết bị, máy móc. Để chuẩn bị nguyên liệu cho vụ sản xuất năm nay, cùng với sản lượng từ gần 1ha trồng sắn của gia đình, anh Cương đã thu mua thêm gần 70tấn củ tươi. Sau chế biến, thu về hơn 10 tấn tinh bột. Sản lượng này đã tiêu thụ gần hết, đến nay chỉ còn vài tạ để phục vụ khách hàng. Theo tính toán của anh Cương, năm nay, cơ sở của anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Quận Nguyễn Đức Minh ước tính mỗi năm xã Thượng Quận có khoảng 400 hộ dân trồng sắn dây, khoảng 40-50 thương lái là người địa phương đã giúp kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đưa sắn dây đến nhiều địa phương lân cận như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... Trên địa bàn xã có hơn 40 cơ sở chế biến tinh bột, tạo việc làm cho nhiều lao động. Nhưng chỉ có khoảng 10 cơ sở có quy mô sản xuất tương đối lớn từ 10 tấn tinh bột/vụ trở lên, còn lại chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, manh mún. Lượng sắn tươi các cơ sở này thu mua để chế biến hiện chỉ chiếm khoảng 10-15% sản lượng sắn dây toàn xã. Người dân mong muốn có một khu chế biến tập trung để có thể tận dụng, khai thác hết nguyên liệu thô, từ đó nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế từ cây sắn dây.
Còn điều khiến ông Bùi Văn Thành băn khoăn là dù sản phẩm bột sắn dây Kinh Môn đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và đạt danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, bột sắn dây của HTX Nông sản sạch Thành Nhàn đã được tiêu thụ rộng rãi nhưng việc tiếp cận để mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn là chặng đường còn xa. Thời gian gần đây, sắn dây Kinh Môn còn bị giả mạo, rao bán với mức giá siêu rẻ so với giá tại các cơ sở chế biến. Theo lời rao bán trên mạng xã hội, sắn dây được bán 85.000 đồng/kg, trong khi giá thực tế giao tại các xưởng chế biến đã là 150.000 đồng/kg. Một số người sau khi mua về cho biết sản phẩm không phải là bột sắn dây mà là bột của củ sắn hay còn gọi là khoai mì. Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng trước những lời quảng cáo, chào bán sản phẩm bột sắn dây với mức giá rẻ bất ngờ.
Để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế từ sắn dây đòi hỏi chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kỹ thuật chế biến và tìm đường xuất khẩu cho sắn dây ở Thượng Quận nói riêng và thị xã Kinh Môn nói chung.
HUYỀN TRANG