ASEAN đánh giá cao đóng góp quan trọng, chủ động, tích cực của Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 08:58, 08/05/2023
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Ảnh: Hữu Chiến/PV TTXVN tại Indonesia
Tổng Thư ký ASEAN cho biết bản thân ông đã đọc khá nhiều thông tin về sự “chuyển mình” nhanh chóng và nhiều thành tựu phát triển vượt bậc của Việt Nam trong những năm vừa qua. Với khoảng 100 triệu người, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN về quy mô dân số (sau Indonesia và Philippines), Việt Nam có tiềm lực kinh tế khá mạnh, thu hút nhiều đầu tư và xã hội phát triển rất nhanh. Đất nước hình chữ S đã và đang là một trong những nước ASEAN thu hút rất nhiều sự quan tâm trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch và trao đổi thương mại.
Đề cập đến Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11.5 tại khu nghỉ dưỡng Labuan Bajo của Indonesia với sự tham dự của 11 nước, trong đó có Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn cho biết sự kiện này sẽ tập trung thảo luận các vấn đề nội khối. Cụ thể, hội nghị sẽ thảo luận về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, hội nhập khu vực và các ưu tiên của Chủ tịch ASEAN năm 2023. Các nhà lãnh đạo sẽ gặp Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV) và cho ý kiến hướng dẫn nhằm xây dựng tầm nhìn chiến lược đến năm 2045.
Ngoài chương trình nghị sự về kinh tế, phát triển kinh tế kỹ thuật số, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hội nghị cũng sẽ thảo luận về việc thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) với 4 lĩnh vực chính là hợp tác hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khác.
Liên quan đến chủ đề “Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng” của nhiệm kỳ Chủ tịch Indonesia trong năm 2023, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn khẳng định ASEAN vẫn là một bên tham gia thực sự quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu. Đây là lý do ASEAN tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm từ các đối tác bên ngoài, trong đó một số nước mong muốn nâng cấp quan hệ và tham gia vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Cựu Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia nhấn mạnh rằng những gì mà ASEAN đang làm và thảo luận, cũng như tất cả các kế hoạch hành động đã và đang được triển khai đều cho thấy tầm quan trọng của ASEAN và thu hút sự tin tưởng của các nước.
Theo nhà ngoại giao kỳ cựu này, trước những bất ổn kinh tế và rủi ro toàn cầu như hiện nay, điều quan trọng đối với ASEAN là phải tiếp tục hợp tác để đảm bảo vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư bên ngoài và các đối tác đối thoại. Ngoài ra, ASEAN cần đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực để giữ chân các nhà đầu tư, cũng như thu hút du khách từ bên ngoài đến với các nước thành viên.
Trả lời câu hỏi về việc Timor Leste lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN, cũng như việc ASEAN dự kiến thông qua Lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên đầy đủ tại hội nghị lần này, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn nhắc lại rằng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 hồi tháng 11 năm ngoái, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về mặt nguyên tắc kết nạp Timor Leste làm thành viên thứ 11 của ASEAN, bắt đầu với tư cách quan sát viên. Ông cho biết thêm rằng Timor Leste không chỉ đã và đang tham gia các cuộc họp nội bộ của ASEAN, mà còn cả các cuộc họp của ASEAN với các đối tác bên ngoài, đồng thời khẳng định Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới sẽ là sự kiện lịch sử với sự tham dự lần đầu tiên của lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á còn lại này.
Tổng Thư ký Kao Kim Hourn cũng cho rằng, tuy chưa được kết nạp chính thức, song việc Timor Leste được phép hoặc được mời tham dự các cuộc họp của ASEAN ở các cấp khác nhau bao gồm cả hội nghị cấp cao thực sự là cam kết và quyết định chính trị của các nhà lãnh đạo ASEAN, đồng thời khẳng định rằng ASEAN sẽ hỗ trợ Dili xây dựng năng lực để có sự chuẩn bị tốt nhằm khai thác lợi thế từ việc trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN “trong tương lai rất gần”.
Đề cập đến yêu cầu về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn nhắc lại rằng Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào đầu tháng 2.2023 đã nhất trí cùng thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán COC. Về phần mình, Indonesia - với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023 - mong muốn đẩy nhanh quá trình đàm phán sau 21 năm thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Được biết, đây cũng là một trong 5 vấn đề ưu tiên trong trụ cột “ASEAN quan trọng” được Indonesia công bố hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Để có một COC hiệu quả, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn cho rằng trước tiên cần dựa vào các quốc gia trực tiếp tham gia đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo ông, để có hiệu quả, COC phải có ý nghĩa, thực chất và được các bên tham gia đàm phán nhất trí. Đó là lý do các cuộc đàm phán rất quan trọng, không chỉ ở kết quả, mà còn ở quá trình thảo luận nhằm đảm bảo rằng lợi ích và nhu cầu của các nước khác nhau và của các quốc gia tham gia ký kết COC được đáp ứng.
Cuối cùng, Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là phải dựa vào DOC và những nội dung mà các bên liên quan nhất trí đưa vào COC để đảm bảo rằng thỏa thuận này có thể giải quyết các vấn đề nổi cộm ở Biển Đông, đồng thời góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, an ninh và an toàn trong khu vực, vì lợi ích của tất cả các nước liên quan.
Theo TTXVN