Áp lực của các bà vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng
Gia đình - Ngày đăng : 08:09, 05/05/2023
Năm 2020, Lauren Schneider (State College, bang Pennsylvania) trở thành người duy nhất trong nhà có thu nhập, sau khi người chồng Tom bị cho nghỉ việc khi đại dịch bùng phát.
Ba năm sau, khi họ có một ngôi nhà mới và đón thêm thành viên là một bé gái, nữ chuyên viên ngành PR vẫn là trụ cột của gia đình.
Ngay cả khi Tom cảm thấy sẵn sàng quay trở lại lực lượng lao động sau khi thay đổi nghề nghiệp vào năm ngoái, chi phí chăm sóc trẻ em tăng cao đồng nghĩa với việc người chồng đang cần ưu tiên việc ở nhà trông nom cô con gái một tuổi Ellie cho vợ đi làm, hơn là chấp nhận đổi lấy một công việc có mức lương cơ bản.
Trong gần một nửa số cuộc hôn nhân khác giới ở Mỹ, người vợ hiện kiếm được ít nhất bằng hoặc hơn chồng của họ, theo Bloomberg.
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hôm 13/4, gần một phần ba các bà vợ kiếm được số tiền tương đương với bạn đời của họ, trong khi người phụ nữ là trụ cột chính hoặc duy nhất trong gia đình chiếm 16%.
Kiếm tiền giỏi hơn chồng
“Chúng tôi đã nói chuyện về việc liệu anh ấy có muốn quay lại làm việc hay không. Có phần ích kỷ, tôi muốn chồng ở nhà nhưng tôi để anh ấy tự quyết định. Chồng tôi thực sự thích công việc của một ông bố nội trợ", Lauren chia sẻ.
Sự suy giảm các hộ gia đình do người nam đứng đầu không chỉ diễn ra khi đông phụ nữ tham gia lực lượng lao động, mà còn do họ tốt nghiệp đại học với tỷ lệ cao hơn nam giới. Điều này thường dẫn đến các vị trí công việc được trả lương cao hơn.
Marianne Bertrand, nhà kinh tế học tại Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago, cho biết: “Khi các cô gái có trình độ học vấn cao hơn đàn ông, số lượng nữ giới thành công trên diện rộng tăng lên, dẫn đến thị trường lao động thay đổi đáng kể".
Trong các cuộc hôn nhân dị tính mà cả hai vợ chồng kiếm được số tiền gần như nhau, mức lương trung bình rơi vào khoảng 60.000 USD . Sinh viên tốt nghiệp đại học và phụ nữ trẻ có nhiều khả năng có quan hệ đối tác bình đẳng hơn.
Phụ nữ da màu cũng có nhiều khả năng kiếm được nhiều tiền hơn chồng của họ, cũng như nhóm nữ giới có bằng đại học, nhóm nữ từ 55 đến 64 tuổi và những người không có con.
Gánh nặng việc nhà
Tuy nhiên, khoảng cách về giới tính tiếp tục ảnh hưởng đến thu nhập ngay cả trong những gia đình mà phụ nữ là trụ cột.
Khi người vợ là người kiếm tiền nhiều nhất trong nhà, thu nhập gia đình có xu hướng chỉ gần bằng một nửa so với khi người chồng là nguồn thu nhập duy nhất. Các gia đình có thu nhập kép với người vợ là trụ cột cũng kiếm được ít hơn một phần so với những nhà có chủ hộ là nam giới.
Lý do là nữ giới đã kết hôn kiếm được ít hơn khoảng 15.000 USD /năm so với đàn ông đã có bạn đời, dựa trên ước tính của Bộ Lao động Mỹ.
Dịch bệnh xảy đến trong 3 năm cũng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với nhiều phụ nữ, vì một số người buộc phải nghỉ việc để trông con trong bối cảnh trường học đóng cửa, thiếu người chăm sóc trẻ em và các vấn đề gia đình khác.
Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe, gần một nửa số nữ giới Mỹ không tham gia lực lượng lao động - một xu hướng vẫn chưa được đảo ngược hoàn toàn.
Ngoài ra, những người vợ đi làm vẫn phải gánh trách nhiệm chu toàn cho những phần việc nhà không tên.
Trong các cuộc hôn nhân bình đẳng, người vợ dành gần 12 giờ mỗi tuần để chăm sóc và làm việc nhà, so với khoảng 7 giờ đối với các đối tác nam của họ. Họ cũng có xu hướng dành ít thời gian rảnh rỗi hơn nam giới.
Misty Heggeness, nhà kinh tế tại Đại học Kansas, cho biết: “Đây là con dao hai lưỡi. Phụ nữ đang tiếp tục tham gia vào thị trường lao động chính thức và đóng góp theo cách đó, đồng thời vẫn đang gánh tất cả gánh nặng và trách nhiệm đè lên vai họ một cách không tương xứng".
Theo Gia đình