[Audio] Bao giờ hết cảnh cột điện giữa đường?

Công nghiệp - Ngày đăng : 15:01, 02/05/2023

Trên một số tuyến đường giao thông nông thôn, không khó để bắt gặp hình ảnh cột điện “đứng” ngay dưới lòng đường.



Người dân xóm Cửa Sông, thôn My Động xã Hồng Phong (Thanh Miện) vừa hiến đất làm đường, vừa hiến đất để trồng cột điện mới

Vì đâu nên nỗi?

Từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hàng trăm nghìn mét đường đã được mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và các hoạt động giao thương. Thậm chí có nhiều tuyến đường nông thôn mở rộng thành 7-10m và được trải nhựa… Tuy nhiên, việc mở rộng đường ở nhiều địa phương vô tình phát sinh tình trạng nhiều cột điện từ lề đường thành  “đứng” dưới lòng đường, thậm chí có cột điện nằm chình ình ở giữa đường.

Tuyến đường thuộc xóm 7, thôn Phương Duệ, xã Kim Xuyên (Kim Thành) chỉ dài khoảng 300 m nhưng có tới 3 cột điện cũ ngay trên lối đi gây cản trở giao thông. Đoạn đường này nối với đường sang xã Tuấn Việt (cùng huyện Kim Thành) nên hằng ngày có nhiều phương tiện giao thông qua lại. Việc những chiếc cột điện này “hiên ngang” nằm giữa đường như thách thức người đi đường. Theo tìm hiểu, trước đây tuyến đường xóm này nhỏ hẹp, chỉ rộng khoảng 2,5-3m. Nhưng khi chính quyền địa phương vận động được bà con cùng đóng góp mở đường rộng thì hàng cột điện trước đây nằm ở mép đường lại vô tình trở thành "dải phân cách" cứng giữa đường. Hàng cột điện này thuộc quyền quản lý của Công ty CP Điện Kim Xuyên đầu tư. Do vậy trách nhiệm di chuyển hàng cột điện này thuộc về chính quyền xã Kim Xuyên và Công ty CP Điện Kim Xuyên.

Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương khảo sát để lên phương án chuyển cột điện có nguy cơ nằm giữa đường khi chính quyền địa phương mở rộng đường

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, năm 2008, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương tiếp nhận hệ thống lưới điện nông thôn từ nhiều hợp tác xã dịch vụ điện địa phương. Theo thống kê, từ sau khi tiếp nhận, Điện lực Hải Dương đã dành trên 3.500 tỷ đồng đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn như lắp đặt thêm trạm biến áp, thay thế cột điện cũ hỏng. Đến năm 2011, toàn tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiệm vụ trọng tâm là mở đường giao thông nông thôn. Như vậy, tính theo thời gian thì cột điện đã được đầu tư xây dựng từ trước khi các địa phương thực hiện chủ trương mở rộng đường. Do vậy trách nhiệm đầu tư xây dựng lại các cột điện nằm dưới lòng đường này không thuộc về ngành điện. Được biết, khi thực hiện mở rộng đường, chính quyền các địa phương cũng không làm việc với các công ty điện để bàn bạc việc di chuyển cột điện nên đã dẫn tới tình trạng trên…

Theo thống kê của Điện lực Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 580 cột điện cần di chuyển do nằm trong hành lang an toàn giao thông của các tuyến đường. Theo kế hoạch, năm 2023, Điện lực Hải Dương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chính quyền địa phương sử dụng nguồn xã hội hóa để di chuyển khoảng 119 cột điện.

Cột điện nằm giữa đường qua xóm 7, thôn Phương Duệ, xã Kim Xuyên (Kim Thành), gây cản trở giao thông

Cách làm hay ở Thanh Miện

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi về xóm Cửa Sông, thôn My Động, xã Hồng Phong (Thanh Miện) khi cả xóm đang tất bật hoàn thiện tuyến đường xóm. Dù tuyến đường chỉ dài khoảng 10m, rộng 2,5m nhưng có 2 cột điện. Khi đường được mở rộng thành 5m thì hai cột điện này sẽ nằm giữa đường. Vì vậy, ngay từ khi thực hiện chủ trương mở rộng đường, UBND xã Hồng Phong đã làm việc trực tiếp với Điện lực Thanh Miện đề nghị hỗ trợ di chuyển cột điện. Để bảo đảm an toàn, người dân trong thôn ngoài hiến đất làm đường, một số hộ còn hiến đất thổ cư để làm vị trí trồng cột điện mới. Toàn bộ kinh phí làm cột đều do nhân dân đóng góp, Điện lực Thanh Miện hỗ trợ phương án di chuyển, nhân công lắp đặt, báo cáo cắt điện để thi công…

“Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của cấp trên về làm đường giao thông nông thôn, UBND xã đã làm việc với Điện lực Thanh Miện rà soát tất cả các tuyến đường có cột điện nằm sát mép đường để lên phương án di chuyển, đăng ký thời gian cắt điện để di chuyển. Kinh phí di chuyển mỗi cột điện từ 3-4 triệu đồng đều do nhân dân đóng góp, hiến đất để bố trí vị trí cột mới. Điện lực Thanh Miện hỗ trợ chúng tôi về nhân công, thiết bị máy móc để di chuyển cột”, ông Trần Văn Khỏe, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong chia sẻ.

Theo thống kê của Điện lực Thanh Miện, toàn huyện còn 156 cột điện cần di chuyển để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân. Theo kế hoạch, trong năm 2023, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương di chuyển khoảng 20 cột điện nguy hiểm. Nhận định rõ, việc di chuyển cột điện này tốn nhiều kinh phí nên Điện lực Thanh Miện đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương có cột điện cần di chuyển. Về phía mình, Điện lực Thanh Miện hỗ trợ tối đa nhân công để hạn chế thấp nhất mức chi phí di chuyển cột điện. “Chính việc tham mưu và hỗ trợ kịp thời về nhân công nên việc di chuyển cột điện ở Thanh Miện không gây bức xúc trong dư luận mà nhận được sự đồng thuận lớn từ chính quyền đến người dân”, ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Điện lực Thanh Miện cho biết.

Việc mở rộng đường giao thông nông thôn là việc làm cần thiết, tuy nhiên chính quyền địa phương cần nhìn nhận hết các điểm phát sinh khi thi công để phối hợp với các ngành chức năng xử lý ngay từ khi thực hiện. Tránh để tình trạng tuyến đường đưa vào hoạt động phát sinh những điểm gây mất an toàn giao thông, việc khắc phục cũng gặp khó khăn hơn nếu không được triển khai ngay từ đầu.

THANH HOA