[Audio] Làng Phù Tải giàu truyền thống lịch sử và văn hóa

Di tích - Ngày đăng : 07:18, 02/05/2023

Làng Phù Tải (còn có tên là Phù Đới, Phù Đái), xã Thanh Giang (Thanh Miện) là một làng quê khá đặc sắc, có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa.



Ngôi Đàn Thiện do các vị túc nho làng Phù Tải lập, lấy danh nghĩa khuyến thiện nhưng thực chất là theo xu hướng tụ nghĩa đánh giặc cứu nước. Ảnh: ĐỖ QUYẾT

Địa linh, nhân kiệt

Theo sử sách và nhiều chứng tích còn lưu giữ thì làng Phù Tải hình thành tới nay đã trên 1.000 năm. Năm 880 (thế kỷ thứ IX), Tăng Cô Tổn là Tiết độ sứ của nhà Đường (Trung Quốc) đóng ở thành Đại La có ý làm phản, đã bị vua Đường bắt giam rồi giết ở đảo Hải Nam. Lợi dụng thời cơ nghìn năm có một ấy, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng nổi tiếng khoan hòa và nhân nghĩa của đất Giao Châu, có bản doanh tại Cúc Bồ (xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang ngày nay) liền kéo quân tiến về Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ; rồi giành quyền tự chủ cho Đại Việt. Thế là họ Khúc không cần đến binh đao mà vẫn giành được chính quyền và từ đấy, nước ta chấm dứt cả một nghìn năm Bắc thuộc. Hương Phù Đới được Khúc Thừa Dụ lấy làm một trong những căn cứ và là phên giậu phía tây bản doanh Cúc Bồ của mình. Do vậy, Phù Tải trở nên mảnh đất linh. Và "đất linh" tất sinh "nhân kiệt".

Sang nửa sau thế kỷ thứ X, 12 sứ quân nổi lên xưng hùng tranh bá trên đất Đại Việt. Một tráng niên của Phù Tải đã ra phù giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn, thống nhất đất nước, lập ra triều Đinh. Nhưng vua Đinh sớm băng hà, người dũng tướng của Phù Tải ấy lại hết lòng phò tá Lê Hoàn mau chóng ổn định đất nước, đánh đuổi giặc Tống (Trung Quốc) lập nên triều tiền Lê. Mến tài mến đức người trai Phù Tải, vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) đã nhận ông làm con nuôi và phong cho ông tước Phù Đới Vương vào năm 995.

Tới đầu thế kỷ thứ XII, Phạm Hiên, quê gốc ở Vĩnh Phúc đỗ Trạng nguyên năm Đại Định thứ 12 (1152) dưới triều vua Lý Anh Tông. Ông nổi tiếng tài cao, đức trọng, thanh liêm, chính trực, làm quan tới chức Thượng thư, đứng đầu một trong sáu bộ của triều đình. Ông đi nhiều nơi ngắm đất và đã chọn Phù Tải để định cư, xây Sùng Văn Quán, mở trường dạy học, khai mở mạnh mẽ nền nho học cho dân làng.

Vào thế kỷ thứ XIV, Trương Đỗ là người con đầu tiên của Phù Tải đỗ Tiến sĩ đời Thiệu Khánh triều Trần. Ông giỏi cả văn lẫn võ, nổi tiếng khẳng khái, cương trực, giữ nhiều chức vị quan trọng, làm quan tới Ngự sử. Uy vọng của ông được vua vì nể, đại thần tôn trọng. Ông được trao quyền can ngăn vua làm những việc sai trái, phê phán bất kỳ quan lại nào nếu lỗi đạo. Năm 1372, nhà Trần đã bước vào giai đoạn suy vi. Nhưng nghe theo bọn tham quan ô lại, vua Trần Duệ Tông cất quân đi đánh chiếm Chiêm Thành. Thấy cuộc chiến này là phi nghĩa, Trương Đỗ ba lần dâng sớ can ngăn. Vua Trần Duệ Tông vẫn không nghe, Trương Đỗ liền cởi bỏ mũ áo, về thẳng quê nhà dạy học ở nơi mà trước đây Phạm Hiên đã dựng trường. Phẩm hạnh của Trương Đỗ được nhà bác học Lê Quý Đôn đánh giá rất cao. Trong "Kiến văn tiểu lục", Lê Quý Đôn xếp Trương Đỗ chỉ đứng sau một bậc so với Chu Văn An, người dâng "Thất trảm sớ" đòi chém đầu 7 tên gian thần ở thời Trần.

Phù Đới Vương, Phạm Hiên, Trương Đỗ được nhân dân Phù Tải tôn làm Thành hoàng làng. Các triều vua Lê, Nguyễn đã ban cho các ngài nhiều đạo sắc phong; thần tích, thần sắc còn được lưu giữ tới ngày nay.

Sang triều hậu Lê, rồi triều Nguyễn, làng Phù Tải tiếp tục có nhiều người đỗ đạt cao như Vũ Duy Kính, Trương Hòa Cầm, Trương Như Khuê, Nguyễn Dị… làm tri phủ, tri huyện, đốc học ở nhiều tỉnh, nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng (bên trái) trò chuyện với phóng viên Báo Hải Dương. Ảnh: Thanh Xuân

Tiếp nối truyền thống

Từ nửa sau thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp đánh chiếm nước ta. Các vị túc nho làng Phù Tải đã hăng hái hưởng ứng phong trào Cần vương, lập nên ngôi Đàn Thiện lấy danh nghĩa khuyến thiện nhưng thực chất là theo xu hướng tụ nghĩa đánh giặc cứu nước. Từ khi Đảng ta ra đời, nhất là khi mặt trận Việt Minh công khai, Phù Tải sớm trở thành cơ sở và là nơi tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đầu tiên của cả vùng phía tây huyện Ninh Giang, phía nam huyện Thanh Miện. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19.12.1946, Hải Dương lập khu căn cứ du kích ở phía tây nam tỉnh, Phù Tải trở thành trung tâm và ngày 27.3.1947, Tỉnh đội Hải Dương được thành lập tại đình Giải của làng, do ông Đặng Tính, Bí thư Tỉnh ủy kiêm chức Tỉnh đội trưởng. Trong kháng chiến chống Pháp, quân dân Phù Tải cùng cả xã Thanh Giang đã dũng cảm chiến đấu nhiều trận, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, rồi được tuyên dương là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trải qua trên 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chống Pôn Pốt xâm lược biên giới Tây Nam, bọn bành trướng Trung Quốc lấn chiếm biên giới phía Bắc, làng Phù Tải đã cử hàng trăm người ra trận, đóng góp tới 149 liệt sĩ và hàng chục thương binh; 14 bà mẹ được Nhà nước vinh danh là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Tiếp bước ông cha, lớp lớp con em Phù Tải đã kiên cường chiến đấu, lao động sản xuất, học tập, rèn luyện, có những đóng góp xứng đáng tô thắm truyền thống vẻ vang của quê hương. Tiêu biểu là ông Bùi Hữu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh Vĩnh Phú và Vĩnh Phúc nhiều năm; 8 người là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang; 3 người là đại biểu Quốc hội; 69 người được phong quân hàm cấp tướng, đại tá, thượng tá quân đội và công an. Hàng trăm con em Phù Tải học hành đỗ đạt cao. Phù Tải cũng đã sản sinh ra hàng chục doanh nhân khởi nghiệp nổi danh ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Nguyên… Trong đó, nổi bật là doanh nhân trẻ Vũ Đình Kiên đang đứng ở hàng đầu trong phát triển kinh tế tuần hoàn, chế biến nguồn phế thải khổng lồ tại vùng than Quảng Ninh thành nguyên liệu mới phục vụ kiến thiết hạ tầng cho giao thông, xây dựng.

Thực hiện công cuộc đổi mới, những năm qua, sát cánh cùng hai làng Đan Giáp và Tiêu Sơn, Phù Tải đã đầu tư nhiều trí tuệ, công sức xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển mạnh mẽ kinh tế, văn hóa - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, đưa Thanh Giang sớm cán đích xã nông thôn mới và phấn đấu mau chóng trở thành xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Làng có 16 tiến sĩ, 3 phó giáo sư. Nổi bật là Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, sinh năm 1989, sau hơn 5 năm tu nghiệp tại Mỹ, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Anh, với hơn 40 công trình nghiên cứu và bài báo khoa học về dược được công bố trên nhiều tạp chí có uy tín trên thế giới, nhiều cơ sở ở các nước mời làm việc với mức lương rất cao, nhưng anh vẫn khước từ để về Việt Nam giảng dạy và nghiên cứu tại Hà Nội. Năm 2022, anh được chọn là 1 trong 28 nhà khoa học trẻ của thế giới, nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô và là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc.

 THANH GIANG