Không thể khuất phục: Bài 2- Vượt ngục
Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 10:03, 01/05/2023
Ông Đồ xem lại những tài liệu, kỷ vật về những năm tháng gian lao trong ngục tù
Đánh quân cảnh điểm danh đêm
Mỗi khi thời tiết thay đổi, vết thương ở chân lại khiến ông Nguyễn Văn Đồ (77 tuổi) đau đớn. Những cơn đau ấy là minh chứng cho sự tàn bạo của bọn đế quốc, tay sai. Những ngày tháng tư lịch sử này, ông Đồ khắc khoải nhớ về đồng đội, nhớ những ngày tháng tù đày khổ ải.
Năm 1966, vừa tròn 20 tuổi xuân, chàng trai gầy gò Nguyễn Văn Đồ không chút do dự viết đơn tự nguyện đi bộ đội. Sau thời gian huấn luyện 3 tháng tại Thanh Hóa, ông được điều động đến làm trinh sát tại Đại đội 60, chiến trường Liên khu V. Tháng 3.1969, trong một lần trinh sát ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi cùng 3 du kích địa phương, ông Đồ bị địch bắt. “Bấy giờ bị chỉ điểm nên 4 người chúng tôi xuống hầm ẩn nấp, địch ném bom khói khiến chúng tôi ngất lịm đi. Chúng khui hầm lôi cả 4 lên. Tỉnh dậy, tôi đã ở trong bệnh viện, xung quanh toàn là người Tây. Lúc này, tôi đã nhận thức được mình bị bắt rồi”, ông Đồ nói.
Sau đó ông được đưa về trại giam Non Nước (Đà Nẵng), bị ép cung, tra khảo. Để lấy thông tin, cứ vài tiếng địch lại lôi ông ra đánh đập. Chúng không từ một thủ đoạn nào. Tuy nhiên dù tàn độc đến đâu, chúng chỉ nhận được câu trả lời quả quyết: "Không biết!". Bất lực trước người lính cộng sản kiên định, đến tháng 12.1969, chúng đày ông ra nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang).
Thời điểm đó, nhà tù Phú Quốc có chiều dài hơn 5 km với tổng diện tích hơn 400 ha. Trại giam có 12 khu được đánh số từ 1-12. Mỗi khu lại có 4 phân khu đánh số thứ tự A, B, C, D. Mỗi phòng nhốt 50 - 60 người, có phòng hơn 100 người, thậm chí 150 người. Ông Đồ bị cầm tù ở phân khu D5. Bọn cai ngục muốn hủy diệt thể xác và tinh thần tù binh, tra tấn họ đến tàn phế, vu khống, xuyên tạc, cưỡng ép… để họ có sống sót trở về cũng trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Mặc dù địch dùng mọi hình thức tra tấn dã man nhưng ông cùng các đồng đội đã chiến đấu kiên trì, bền bỉ, bảo vệ sinh mạng và phẩm chất chính trị của mình. Những lần điểm danh ban đêm, bọn quân cảnh thường đánh đập tù binh bằng thước gỗ, dùi cui rất tàn nhẫn. Khi đến điểm danh, chúng đứng đầu phòng gõ vào vách tôn. Nhiều đêm chúng đến điểm danh 3 lần thì từng đó lần tù binh bị đánh.
Tái hiện cảnh đào hầm vượt ngục của bộ đội tại nhà tù Phú Quốc
“Đảng ủy phân khu có chủ trương phải trừng trị chúng để bảo vệ anh em. Đến tối bọn quân cảnh vào điểm danh và đánh đập tù binh như mọi đêm. Đến phòng 2, chúng bắt đầu đánh thì bị chúng tôi đánh trả lại nên hoảng hốt chạy ra ngoài, bỏ lại mấy chiếc mũ quân cảnh, dùi cui và gọi bọn quân cảnh bên ngoài nổ súng vào làm 2 tù binh bị thương. Sáng hôm sau, chúng tôi đòi chấm dứt việc quân cảnh đánh đập khi điểm danh ban đêm. Địch chấp nhận, từ đó về sau chúng không còn đánh đập anh em vào ban đêm nữa”, ông Đồ nhớ lại.
Thoát khỏi thùng container
Theo ông Đồ, phân khu D5 là phân khu chiến sĩ quê miền Bắc, anh em thường xuyên tổ chức đấu tranh. Địch cài 6 tên mật báo, trong đó có Doãn Văn Biên và Vũ Thanh Thủy. Khoảng tháng 3.1971, phân khu D5 tổ chức đào 3 đường hầm để chuẩn bị vượt ngục, trong đó có 1 đường chỉ 1 tuần nữa là khui hầm, 1 hầm còn 1 tháng nữa là hoàn thành. Việc này rất cảnh giác, nguỵ trang kỹ càng nhưng bị tên Doãn Văn Biên phát hiện, viết giấy ném vào giữa các hàng rào dây kẽm gai cho bọn quân cảnh. Sau khi bị lộ, Đảng ủy phân khu họp, quyết định trừ khử 2 tên mật báo Biên và Thủy, bảo vệ tập thể tù binh và công trình đường hầm đồng thời cảnh cáo các tên còn lại.
Ông Đồ tiếp tục kể: Sau vụ giết 2 tên mật báo ở phân khu D5, địch đưa tôi với tên trong tù là Đào cùng 3 anh Nguyễn Văn Thanh (tức Nguyễn Văn Kế), Nguyễn Văn Pha (tức Vũ Hồng Thăng), Trương Văn Long (tức Đàm Thế Sinh) ra Tòa án quân sự vùng 4 chiến thuật ở Cần Thơ. Sáng 20.12.1971, chúng quy kết chúng tôi là thủ phạm chính trị, phạm tội “cố sát”, tuyên án anh Thanh và anh Pha 20 năm tù khổ sai ở nơi xa. Tôi và anh Long nhận án chung thân.
Cuối tháng 3.2023, ông Đồ (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội thăm lại nhà tù Phú Quốc
Sau đó, chúng đưa 4 người về trại giam ở Cần Thơ, giam vào thùng container. Ông Đồ cùng đồng đội phát hiện trong container (hay còn gọi là chuồng cọp) có 1 chỗ nhỏ bị hở vì bị hoen rỉ. 4 người cùng lập kế hoạch bỏ trốn, rồi dùng tay không bẻ từng chút sắt hoen rỉ. Ai nấy đều đau nhưng cắn răng chịu đựng. Khi bẻ được lỗ vừa người chui, 4 người cùng bỏ trốn theo đường rạch nhưng bị địch phát hiện đuổi theo. 4 người chia nhau theo các hướng để tránh bị bắt tập trung trở lại. Tối hôm đó, 3 anh trốn thoát về với cách mạng, riêng ông Đồ ra đến bờ sông Bình Thủy thì bị địch bắt lại. Đến tháng 1.1972, ông Đồ bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. 1 năm sau, ông Đồ được trao đổi tù binh rồi trở về đơn vị cũ…
THÀNH ĐẠT
>>> Không thể khuất phục: Bài 1 - Sinh hoạt Đảng trong tù
Kỳ cuối: Nghị lực phi thường