Những người lính Hải Dương trên xe tăng 390 làm gì dịp kỷ niệm ngày thống nhất non sông?
Chính trị - Ngày đăng : 14:35, 01/05/2023
Dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, ông Vũ Đăng Toàn có hành trình 10 ngày về lại chiến trường xưa, thăm lại đồng đội cũ
Về thăm chiến trường xưa
48 năm trước, ông Vũ Đăng Toàn (sinh năm 1947 ở thôn Thượng Bì 1, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc) tiến vào dinh Độc Lập với vai trò chiến sỹ chiến đấu trên chiến trường. Năm nay, ông Toàn về lại nơi đây, sống 10 ngày trong dinh Độc Lập như một vị khách mời và là người chiến thắng. Ông Toàn được Phi đội Quyết thắng (Quân chủng Phòng không - Không quân) mời vào TP Hồ Chí Minh từ ngày 25.4 đến 5.5. Ông có 10 ngày sống trong chiến trường xưa nhưng với một hoàn cảnh khác hoàn toàn.
"Lần này về lại dinh Độc Lập, tôi thấy dinh khác nhiều lắm, được tu bổ khang trang hơn, nhiều cây cảnh, trang trí đẹp đẽ như mới. Nhà khách trong dinh thì sạch sẽ, tiện nghi không kém gì khách sạn cao cấp mà các cháu ở đây cũng chăm sóc chu đáo, tận tình", ông Toàn chia sẻ về trải nghiệm tại dinh Độc Lập.
Ông Toàn chụp ảnh bên chiếc xe tăng 390 năm xưa tại dinh Độc Lập
Tuy dinh Độc Lập đã khác nhưng những kỷ niệm vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Về đây, những ký ức của buổi sáng ngày 30.4.1975 lại sống dậy trong tâm trí ông Toàn. Đi bộ đội từ ngày 10.4.1965, hôm chỉ huy xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập, ông Toàn 28 tuổi. Chiến thắng 30.4.1975 là trận thắng lớn nhất, không thể nào quên cuộc đời binh nghiệp của ông.
Trong chuyến trở lại chiến trường xưa, ông Toàn tham gia nhiều hoạt động giao lưu tuyên truyền như quay chương trình truyền hình, dự các buổi gặp mặt tại TP Hồ Chí Minh... Sáng 30.4, ông Toàn là một trong những người được đón đoàn đua xe đạp tranh cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là hoạt động khiến ông ấn tượng nhất trong chuyến đi vì ông thấy tự hào trong giây phút được giới thiệu, gọi tên trước hàng trăm người và ai nấy đều vỗ tay giòn giã, xin được chụp ảnh kỷ niệm cùng ông. Ông thấy vui vì trong đó có nhiều người trẻ yêu mến, trân trọng và cũng rất quan tâm tới lịch sử.
Người cựu chiến binh 76 tuổi thấy phấn chấn, sảng khoái với chuyến đi xa 10 ngày vì được về lại chiến trường xưa, gặp đồng đội cũ.
Trong chuyến đi này, ông Toàn tham gia nhiều hoạt động giao lưu, tuyên truyền và ghi hình chương trình truyền hình
Tham quan cùng đồng đội
Không được tham gia một chuyến đi dài như ông Toàn, ông Nguyễn Văn Tập ở thôn Đại Lương, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) có chuyến đi ngắn 3 ngày từ 29.4 đến 1.5 ở Cao Bằng. Chuyến đi cho ông gặp lại nhiều đồng đội cũ. Từ hôm 27.4 ông Tập đã bận rộn chuẩn bị đồ đạc, sắp xếp công việc để đi chuyến này.
Gần 21 giờ tối 30.4, phóng viên Báo Hải Dương liên lạc qua điện thoại thấy ông Tập vẫn đang say sưa trong buổi giao lưu cùng bạn bè, đồng đội ở Cao Bằng. Giọng ông khỏe khoắn, vui vẻ tràn đầy sức sống hơn ngày thường vì niềm vui được gặp lại đồng đội gắn bó máu thịt năm xưa. Ở tuổi 72, có lẽ chỉ ít lần trong năm ông Tập giao lưu, ăn uống đến muộn như vậy. Với ông Tập, ông Toàn, dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất luôn có ý nghĩa lớn lao hơn cả.
Ông Nguyễn Văn Tập, lái xe tăng 390 có chuyến thăm nhiều di tích lịch sử tại Cao Bằng
Quãng đường hơn 200 km từ Hải Dương lên Cao Bằng với ông Tập có phần mệt mỏi, xa xôi nhưng niềm vui ngày giải phóng cho ông nhiều động lực. Trong chuyến đi, ông một lần nữa được đồng hành cùng người đồng đội cũ trên xe tăng 390 là ông Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1). Năm xưa, xe tăng 390 do ông lái vượt lên dẫn đầu đội hình gấp rút tiến về chiếm dinh Độc Lập. Khi đến gần dinh thì xe ông đi chậm lại, xe 843 vượt lên. Đến cổng trái, xe 843 lại dừng lại, tắt máy. Thấy vậy, ông Tập hỏi chỉ huy là ông Toàn có nên vào hay dừng lại thì ông Toàn không do dự mà nói: “Cứ tông vào đi”. Ngay lập tức, ông Tập nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập và lao thẳng vào trong sân. Đến nay, 3 người lính trên xe tăng 390 năm ấy còn sống vẫn nhớ như in giây phút thiêng liêng, hào hùng ấy.
Lần này lên Cao Bằng, ông Tập đi thăm hang Pác Bó, suối Lênin cùng đoàn 13 người khác là bạn bè, đồng đội cũ và cả những người xa lạ. Lúc đầu ông còn e dè, ngại ngùng với những người lạ trên xe nhưng về sau đều tình cảm, thân thiết như đồng chí, đồng đội. "Đây là lần đầu tiên tôi được đi Cao Bằng, cũng là lần đầu được đến thăm những di tích nơi Bác Hồ từng sống và làm việc thời chiến nên tôi thấy vui và ý nghĩa lắm", ông Tập tâm sự qua điện thoại.
Kết thúc chuyến đi, ông Tập về nhà và có những ngày nghỉ bên con cháu. Đi chơi mấy ngày lễ, ông Tập cũng không lo lắng nhiều khi để người vợ già ở nhà một mình. "Mình chỉ đi vài ngày dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất rồi lại về thôi mà. Ngày xưa còn đi chiến đấu biết bao nhiêu năm đằng đẵng, biệt tăm biệt tích không có điện thoại, mạng internet mà vợ vẫn ở nhà chờ đợi mãi đấy thôi", ông Tập nói đùa mà cũng đúng thật.
PHONG TUYẾT