Đừng để lịch sử thành môn học sợ hãi
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:00, 01/05/2023
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra một bản dự thảo để lấy ý kiến xã hội, trong đó có phương án kể từ năm 2025, lịch sử sẽ là một trong bốn môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với thông tin này thì môn lịch sử sẽ có một vị thế khác trong những năm học tới.
Nếu như phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thành hiện thực hẳn sẽ có không ít học sinh và phụ huynh lo lắng bởi lâu nay, môn lịch sử vốn không được nhiều em thích học. Và ngay từ bây giờ, những học sinh lớp 10 phải bắt đầu dùi mài kinh sử. Các em phải yêu môn lịch sử hơn để 2 năm sau mới có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng với 3 môn bắt buộc khác là toán, văn và ngoại ngữ.
Học sinh Trường THCS Gia Khánh (Gia Lộc) thăm các di tích của địa phương để học lịch sử hiệu quả
Thực tế, đã có nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT chứng kiến những con số đáng buồn về môn lịch sử. Cách đây 2 năm, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, hơn 15.000 thí sinh của Hải Dương đăng ký dự thi bài tổ hợp xã hội (gồm các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) thì có 49% số bài thi lịch sử dưới 5 điểm, thậm chí có thí sinh chỉ đạt 0,75 điểm. Trước đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, toàn tỉnh có 117 bài thi bị điểm liệt thì lịch sử đứng thứ nhì với 22 bài.
Nếu ngay từ bây giờ các trường không đổi mới cách dạy và học môn này thì nỗi buồn về điểm số trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với môn sử dễ lặp lại. Thời gian gần đây, chưa nhiều trường học của Hải Dương chú ý tới việc đổi mới phương pháp dạy môn lịch sử.
Môn lịch sử chỉ thực sự thú vị khi học sinh thấy được mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Làm sao để những sự kiện, con số khô khan sẽ không còn là nỗi ám ảnh đối với các em? Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga từng nói lịch sử không phải cái "đông cứng, vô hồn" và mục đích giáo dục không phải "thuộc làu làu như con vẹt rồi trả bài" mà cần thay đổi cách đánh giá, tư duy tiếp cận khuyến khích học sinh có sự nhìn nhận, đánh giá. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các em bị chi phối bởi quá nhiều thông tin đa chiều về lịch sử thì người dạy môn học này càng phải uyên thâm và bao quát, không để các em hiểu sai lệch về kiến thức lịch sử.
Đổi mới sách giáo khoa, tài liệu dạy và học lịch sử cần thiết nhưng không quan trọng bằng phương pháp dạy. Tại sao cùng một kiến thức, cùng một cuốn sách giáo khoa nhưng có nơi học sinh hào hứng với lịch sử, có nơi lại coi đó là môn học “sợ hãi” và tìm cách học đối phó. Các thầy cô đừng dạy lịch sử theo kiểu "nhồi sọ", chỉ cung cấp lại kiến thức trong sách giáo khoa, mà cần thay đổi, chuyển sang dạy học môn lịch sử bằng phương pháp truyền cảm hứng và sử dụng các biện pháp phụ trợ.
Thời đại 4.0, học lịch sử đừng khô cứng trên những trang sách giấy mà cần qua những bộ phim tư liệu, tài liệu, những chuyến dã ngoại gắn với những địa điểm, địa danh, di tích lịch sử. Thậm chí các trường có thể tổ chức các trò chơi có thưởng về môn lịch sử, khuyến khích các em dựng phim về một sự kiện lịch sử mà các em được học và yêu thích… Nhiều cách làm sáng tạo và đổi mới sẽ khiến môn lịch sử không nhàm chán. Và khi đó, lịch sử có trở thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc hay không không còn đáng ngại nữa khi đã là môn học yêu thích của học sinh.
BẢO ANH
>>> Chính phủ sẽ nghiên cứu ý kiến đưa Lịch sử là môn học bắt buộc
>>> Dạy và học lịch sử thời 4.0