Ông Thậm bắn rơi 19 máy bay Mỹ

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 10:36, 01/05/2023

Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm thời chiến, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm, sinh năm 1945, ở phường An Phụ (Kinh Môn) vẫn rất xúc động.


Cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm (bên phải) thường xuyên chia sẻ câu chuyện trong cuốn "Nhật ký lính chiến” với các cựu chiến binh trong xã

“Dũng sĩ diệt máy bay”

Trải qua 2 tháng huấn luyện, tháng 4.1968, ông Thậm được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ một chiến sĩ, trải qua nhiều trận đánh sinh tử với kẻ thù, người lính Phạm Hữu Thậm trở thành Phó Tiểu đoàn trưởng phụ trách về quân sự, mang quân hàm Trung úy.

Trong Chiến dịch K700 Thượng Đức - Quảng Đà tháng 3.1970, đơn vị của ông Thậm được giao nhiệm vụ bắn máy bay Mỹ để bảo vệ đội hình chiến đấu của Trung đoàn. Ông Thậm nhớ lại lúc 10 giờ ngày 23.3.1970, 20 chiếc trực thăng CH-47 chở quân Mỹ đổ xuống các cao điểm 500, 600, 700 và các dãy núi lớn. Đơn vị của ông là Trung đội 1 súng 12 ly 7 có nhiệm vụ cùng một số đơn vị khác chiếm lĩnh cao điểm 700. Trận địa 12 ly 7 cách cao điểm 700 khoảng 500 m. Khi đó, một tốp 9 chiếc trực thăng của địch bay vào tầm ngắm. 

 “Tôi nhắm vào chiếc máy bay đi đầu sắp hạ cánh xuống cao điểm 700 để bắn 2 loạt đạn. Chiếc máy bay trúng đạn rơi xuống khe. Sau đó, chiếc thứ hai đến chiếc thứ tư liên tiếp đều bị tôi bắn hạ. Có chiếc rơi trên đỉnh cao điểm, chiếc thì bốc cháy, lao vào sườn đồi. 5 chiếc sau liền quay đầu bỏ chạy. Cũng trong lúc ấy, tốp máy bay 6 chiếc đổ quân xuống đồi 500. Ở khẩu đội 1 của Trung đội 2, xạ thủ 12 ly 7 là Trần Trung bắn rơi 2 chiếc, 4 chiếc còn lại quay đầu bỏ chạy. Còn tại cao điểm 600, Trung đội 3 súng 12 ly 7 bắn rơi 3 chiếc máy bay, 2 chiếc còn lại bỏ chạy", ông Thậm nhớ lại.

Với chiến công liên tiếp hạ 4 chiếc máy bay Mỹ, ông Thậm được đơn vị phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay”.


Ông Phạm Hữu Thậm đã 19 lần bắn rơi máy bay Mỹ

Trong Chiến dịch giữ chốt Hòn Chiêng vào tháng 5.1972, ông Thậm cùng đồng đội vừa bắn máy bay Mỹ, vừa chiến đấu chống lại bộ binh của địch. Đây là trận đánh vô cùng ác liệt. Địch liên tục dùng máy bay và phi pháo oanh tạc vào trận địa, hòng tiêu diệt lực lượng phòng không của ta. Ông Thậm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi 1 chiếc máy bay Mỹ, tiêu diệt nhiều quân địch.

Giữa lúc cha đang chiến đấu ở chiến trường thì 2 người con trai của ông ở quê nhà dù mới chỉ 15, 16 tuổi cũng xung phong nhập ngũ. Đặc biệt, người con trai thứ hai của ông lại được biên chế vào cùng đơn vị chiến đấu với ông.

Trong bản đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có ghi ông có 14 năm chiến đấu với 127 trận đánh, tiêu diệt 253 tên địch, bắn rơi 19 chiếc máy bay Mỹ (gồm 4 chiếc phản lực và 15 trực thăng); tặng 7 Huân chương Chiến công các loại, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” cùng nhiều danh hiệu “Chiến sĩ quyết thắng”, “Chiến sĩ thi đua”…

Tác giả cuốn "Nhật ký lính chiến” quý giá

Cuốn sách "Nhật ký lính chiến” của cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm là một phát hiện mới trong năm 2022 của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, do nhà văn, đại tá Đặng Vương Hưng (Chủ tịch Câu lạc bộ Trái tim người lính Việt Nam) sưu tầm, biên soạn và giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 78 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944-22.12.2022).

Trong lời tựa giới thiệu sách, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: "Trước khi nhập ngũ và lên đường vào Nam chiến đấu, Trung uý, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm chỉ có trình độ văn hoá lớp 4. Vậy ông đã thể hiện bản thảo cuốn nhật ký này như thế nào? Thật may mắn là những ngày ở chiến trường, Phạm Hữu Thậm có thói quen ghi chép vắn tắt hoạt động của mình và anh em trong đơn vị vào một cuốn sổ tay. Khi có thời gian rảnh rỗi, ông viết bổ sung thêm nhiều chi tiết cụ thể cho những sự vật và hiện tượng mình đã chứng kiến. Đó là tư liệu vô cùng quý giá, cộng với trí nhớ “trời cho” để ông có thể hoàn thành bản thảo tác phẩm Nhật ký lính chiến sau này".

Cuốn nhật ký đã ghi lại thông tin trung thực về những người lính đã sống và chiến đấu tại chiến trường khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là những mẩu chuyện về hành trình gian khổ vượt Trường Sơn, những trận đánh Mỹ ác liệt hay việc kết nạp Đảng trong chiến trường… Ông Thậm đều ghi lại chi tiết, tỉ mỉ đến từng ngày, giờ, tháng, năm. Đó là tư liệu quý giá để ông có thể hoàn thành bản thảo tác phẩm "Nhật ký lính chiến” sau này.

Cuốn nhật ký ghi chép bằng tay dài 300 trang hiện vẫn được gia đình ông Thậm lưu giữ... 

NGUYỄN THẢO