Không thể khuất phục: Bài 1 - Sinh hoạt Đảng trong tù
Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 09:00, 30/04/2023
Ông Nguyễn Ngọc Giao lật giở cuốn sổ kỷ niệm ghi chép những ngày bị địch bắt tù đày
Trong trại giam của nhà tù Phú Quốc, cái chết luôn cận kề nhưng những đảng viên đã xây dựng được một tổ chức đảng rộng khắp để lãnh đạo phong trào đấu tranh chống lại kẻ địch.
Bí mật, chớp nhoáng
Ông Nguyễn Văn Duyên ở phố Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) nhập ngũ năm 1964, đóng quân tại Sư đoàn 325 (Quảng Bình). Ngày 25.11.1967, khi ông cùng đơn vị tham gia trận đánh ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định) thì bị địch bắt. Thời điểm đó, ông Duyên vừa tròn một năm tuổi Đảng và là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325.
Chúng đưa ông về Quy Nhơn giam và tra tấn 10 ngày. Ngày 5.12.1967, chúng đưa ông ra nhà tù Phú Quốc và giam ông tại khu biệt giam B2. Tại đây, chúng nghi ông là lãnh đạo, đảng viên nên tra tấn dã man. Trải qua nhiều trận đòn roi nhưng người đảng viên trẻ không chịu khuất phục.
Sau hơn 4 tháng, chúng chuyển ông sang khu trại giam B5. Tại đây, ông nghĩ ngay đến việc móc nối với tổ chức đảng trong khu trại giam. Khi kết nối được với Chi bộ Phòng 4 (phòng giam của ông), ông được cấp ủy ở đây theo dõi, nắm bắt, sau đó được cử làm Chi ủy viên Chi bộ 4 và được giao phụ trách nắm bắt tư tưởng của đảng viên, chiến sĩ trong tù. Chi bộ 4 của ông có 12 đảng viên, được chia làm 4 tổ Đảng.
Trong trại giam hà khắc của kẻ thù, sự sống, cái chết mong manh nhưng những đảng viên ở đây vẫn tập hợp nhau lại, bí mật tổ chức sinh hoạt, triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng bộ, chi bộ. Việc sinh hoạt Đảng trong trại giam được chấp hành nghiêm túc. Tổ Đảng nửa tháng họp một lần. Chi bộ mỗi tháng họp một lần. Giữa các tổ đảng còn thường xuyên hội ý với nhau về tình hình của từng tổ để có chủ trương đấu tranh kịp thời. "Việc sinh hoạt Đảng của các chi bộ hay hội ý đều thực hiện theo nguyên tắc 3 người, tất cả đều phải bí mật tuyệt đối. Đó là tranh thủ lúc đi vệ sinh, đánh cờ, tập thể dục để trao đổi, hội ý chớp nhoáng. Vì là sinh hoạt bí mật nên thông điệp đưa ra trao đổi cũng hết sức ngắn gọn. Khi thì lấy que củi viết xuống đất rồi xóa đi, khi thì dùng tiếng lóng, tiếng địa phương... Thời gian chỉ diễn ra trong vài phút”, ông Duyên kể.
Ông Nguyễn Văn Duyên nhớ lại những ngày bí mật sinh hoạt Đảng trong nhà tù Phú Quốc
Nêu cao trách nhiệm đảng viên
Những năm tháng bị giam ở nhà tù Phú Quốc, các chiến sĩ cách mạng phải đối diện với cảnh tra tấn tàn khốc của kẻ địch. Chúng bắt những người chiến sĩ cộng sản ở "chuồng cọp", dùng đủ thứ nhục hình tàn ác như đánh vào đầu, bộ phận sinh dục, kẹp chân tay, bắt phơi nắng cả ngày... hòng moi thông tin về cách mạng.
Ông Nguyễn Ngọc Giao ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) hiện là Trưởng Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh. Ông bị địch bắt tù đày vào ngày 12.3.1969 sau khi bị thương tại Đồng Nai. Nhớ lại những ngày ấy, ông bảo trong tù dù bị đòn roi, tra tấn, hành hạ nhưng những đảng viên cách mạng luôn nêu cao tinh thần, ý chí không đầu hàng kẻ địch. Sau hơn một tuần bị bắt giam, ông Giao ngầm biết có tổ Đảng bí mật đang hoạt động trong nhà tù. Qua theo dõi, quan sát, ông biết được thêm một vài đảng viên do đã biết nhau khi còn ở bên ngoài. Sau đó, ông cùng những đảng viên này kết nối với tổ đảng và tham gia sinh hoạt.
Vốn là học sinh chuyên toán, học xong THPT, ông Giao lên đường nhập ngũ. Đảng đã cử ông dạy học văn hóa cho đảng viên, chiến sĩ trong tù. Được tổ chức giao nhiệm vụ, ông đứng lên tập hợp, tổ chức lớp học. Khi địch phát hiện, ngăn cản, chúng dùng roi điện đánh ông, đỉnh điểm nhất là chúng bẻ mất một răng cửa của ông. Nhưng với khí tiết của người đảng viên, ông đã tập hợp anh em, đoàn kết đấu tranh đòi quyền được học văn hóa, dần dần buộc chúng phải chấp nhận.
Ông Giao chia sẻ: "Là đảng viên dù ở ngoài hay trong tù đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, càng khó, càng gian khổ, người đảng viên mới trưởng thành. Lớp học trong tù phần lớn là quần chúng nên vừa tranh thủ dạy văn hóa, tôi vừa làm công tác dân vận, tuyên truyền, vận động anh em giữ vững lòng yêu nước, yêu lý tưởng, nêu cao tinh thần đấu tranh, đòi cải thiện cuộc sống, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Ông Nguyễn Văn Đức ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) từng bị địch bắt, đưa ra nhà tù Phú Quốc từ cuối năm 1969 và được chứng nhận là đảng viên khi còn bị giam. Lúc đó vì lý do bí mật, ông chưa được tổ chức lễ kết nạp Đảng nhưng chàng chai 19 tuổi khi ấy luôn nêu cao ý thức của người đảng viên. Khi bị bắt vào tù, ông đã chủ động tìm đến tập thể, tổ chức đảng trong nhà tù để được rèn luyện và đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong nhà tù, ông luôn hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với bọn cai ngục; cùng các đồng chí, đồng đội tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh, tổ chức đào hầm, vượt ngục, diệt ác trừ gian, chống hoạt động chiêu hồi, chống địch kìm kẹp, o ép, giết hại tù binh… Ngày 17.3.1973, ông được trao trả tự do, ngay sau đó ông chính thức được kết nạp Đảng.
Sống, sinh hoạt giữa hàng rào dây thép gai, nhất cử, nhất động của mỗi chiến sĩ cộng sản đều bị địch quan sát, theo dõi. Vậy nhưng tổ chức đảng trong nhà tù vẫn được thành lập, sinh hoạt, đảng viên mới vẫn được phát triển. Điều đó một lần nữa khẳng định dù ở bất cứ nơi nào chỉ cần có Đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh cách mạng nhất định sẽ thành công.
HÀ VY
Kỳ sau - Nghị lực phi thường