Hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 11:25, 30/04/2023

Trong những ngày tháng tư lịch sử này, những người lính xứ Đông năm xưa lại bồi hồi nhớ lại thời tuổi trẻ hào hùng, cùng cả dân tộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Ông Phạm Hồng Vi kể lại thời khắc tiến vào dinh Độc Lập trên chiếc xe tăng B548

Không tắm, không ngủ

Năm 1968, tròn 18 tuổi, ông Phạm Hồng Vi ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) nhập ngũ tại Trung đoàn 2, Tỉnh đội Hải Hưng. 2 năm sau, ông được cử đi học lớp xe tăng, sau đó tiếp tục về Quân khu 3. Cuối năm 1974, ông cùng đội xe tăng của quân khu được lệnh chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 21.4.1975, sau khi cùng đơn vị giải phóng thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh cũ (nay gồm huyện Xuân Lộc và TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), ông được bổ sung sang Tiểu đoàn 22 miền Đông Nam Bộ, là Trung đội trưởng.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Vi là người trực tiếp chỉ huy trên chiếc xe tăng B548 tiến vào Sài Gòn, đồng thời chỉ huy 4 chiếc xe tăng khác của trung đội. “Rạng sáng 30.4.1975, đơn vị tôi đến khu vực cầu Ghềnh thì bị địch đánh trả. Xe tăng của ta không thể qua cầu. Chúng tôi phải dừng lại để điều chỉnh đội hình. Trước tình thế hết sức khẩn trương, chúng tôi nhận được lệnh không đi theo đường 1 vào Sài Gòn nữa mà ra xa lộ để tiến thẳng đến dinh Độc Lập. Quá trình tiến công, tàn quân của địch tại các cứ điểm ngoan cố đánh trả nên đơn vị phải chuyển hướng. Đến 12 giờ trưa 30.4.1975, chúng tôi mới đến được dinh Độc Lập. Khi ấy lực lượng ta ở các mũi đã tiến vào dinh", ông Vi kể.

Hơn 1 tháng hành quân ròng rã, đánh địch, ông Vi cùng đồng đội hầu như không được ngủ và tắm rửa. Cả ngày ngồi trên xe tăng, quần áo, đầu tóc đầy bụi đỏ. “Chứng kiến giây phút đại quân ta tiến vào Sài Gòn, chúng tôi rất sung sướng. Nhiều anh em ở các đơn vị bộ đội khác cũng nhảy lên xe tăng cùng chúng tôi tiến vào dinh Độc Lập. Hôm đó, Sài Gòn đông vui lắm, hai bên đường người dân đứng chật kín, ai cũng hân hoan, vui sướng”, ông Vi nói thêm.

Tiếp quản Sài Gòn

74 năm tuổi đời, 49 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Đức Nhuận ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) từng có hơn 12 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, Campuchia.


Cựu chiến binh Nguyễn Đức Nhuận luôn nâng niu những kỷ vật từ chiến trường

Đầu năm 1975, ông được bổ nhiệm làm Trung đội phó Trung đội Bảo vệ Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh).

Khoảng 9 giờ 30 sáng 30.4.1975, Trung đội ông Nhuận nhận được lệnh chuẩn bị di chuyển vào tiếp quản Sài Gòn. “Không khí lúc đó vô cùng náo nhiệt. Chúng tôi ai nấy đều phấn chấn, vui mừng. Hơn 11 giờ trưa, toàn đơn vị nhận lệnh thu dọn đồ đạc, lĩnh quân trang mới, sẵn sàng lên đường hành quân. Đúng 2 giờ chiều 30.4, một đoàn dài xe ô tô xếp hàng chờ sẵn. Chúng tôi lên xe di chuyển vào trung tâm Sài Gòn. Quân ta đi đến đâu, cờ giải phóng lập tức được treo lên ở đó. Hàng ngàn lá cờ giải phóng dường như đã được người dân chuẩn bị từ trước đó tung bay trên phố phường trong niềm vui sướng của đồng bào, chiến sĩ. Chứng kiến hình ảnh Sài Gòn giải phóng, nhân dân vẫy chào, cả đơn vị đều vui sướng, xúc động, không cầm nổi nước mắt”, ông Nhuận nhớ lại.

Đúng 20 giờ cùng ngày, trung đội của ông Nhuận tiến đến cổng sư đoàn nhảy dù của địch. Ông cùng đồng đội nhận lệnh tiếp quản, bảo vệ mục tiêu và duy trì an ninh trật tự tại khu vực xung quanh trong gần 1 tháng sau ngày giải phóng. 

Sau khi tiếp quản Sài Gòn, đầu năm 1976, ông Nhuận ra Bắc, chuyển ngành về công tác tại Công ty Xây lắp Hải Dương. Tháng 6.1979, ông tiếp tục tái ngũ, tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam...

Đánh tan "cánh cửa thép Xuân Lộc"

Ông Nguyễn Viết Tuyên ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) từng tham gia trận đánh mở tung “cánh cửa thép Xuân Lộc” (thị xã Xuân Lộc) ở cửa ngõ bảo vệ Sài Gòn. Ông Tuyên cho biết tháng 6.1974, ông nhập ngũ, đóng quân tại Chí Linh. Tháng 12.1974, ông vào chiến trường Quảng Trị. Cuối tháng 3.1975, đơn vị ông là Trung đoàn 12, Sư đoàn phòng không 673 được lệnh hành quân từ Đà Nẵng vào tỉnh Long Khánh để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.


Giấy chứng nhận tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh của ông Nguyễn Viết Tuyên

Ngày 9.4, tất cả các đơn vị nhận được lệnh giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh. Lúc này cùng với nhân dân, các đơn vị bộ đội đánh đến đâu giải phóng đến đó, khí thế tiến công hừng hực. Suốt 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt gây tổn thất lớn cả cho ta và địch. Đơn vị pháo của ông Tuyên liên tục bị địch bắn trả. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, nhiều đồng đội của ông bị thương. Ngày 12.4, quân ta được tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện. Ngày 20.4, địch thua, bị quân ta truy kích. Các khẩu đội pháo của ta dồn dập bắn phá mục tiêu. Đến ngày 21.4, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng. Sau khi tỉnh Long Khánh được giải phóng, đơn vị của ông Tuyên nhận nhiệm vụ tiếp quản, bảo vệ và duy trì an ninh trật tự tại sân bay Biên Hòa. “Dù không trực tiếp chứng kiến ngày Sài Gòn giải phóng nhưng khi được tin này, cả đơn vị đều vui sướng, xúc động không cầm nổi nước mắt. Ai cũng muốn được báo tin về gia đình để người thân biết là mình còn sống”, ông Tuyên kể.

Trở về cuộc sống đời thường, những người lính quả cảm ấy mang theo ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Những ngày tháng ấy là quãng thời gian trai trẻ tươi đẹp, sẵn sàng hy sinh, cống hiến hết mình để thống nhất đất nước.

TRƯƠNG HÀ