Nhiều khách quốc tế không đến Việt Nam vì vé máy bay đắt

Du lịch - Ngày đăng : 06:09, 26/04/2023

Một doanh nghiệp du lịch cho rằng giá vé máy bay đến Việt Nam cao sau dịch khiến nhiều khách quốc tế chuyển sang các nước khác.

Ngày 25.4, trong hội thảo Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế tại TP Nha Trang, bà Phạm Thiên Trang, Giám đốc chi nhánh Lux Group, chia sẻ đầu năm 2023, một công ty thành viên có đoàn khách Italy 30 người đăng ký sang Việt Nam trong 16 ngày. Tuy nhiên, vì giá vé máy bay quá cao và không có đường bay thẳng, khách hàng quyết định thay đổi lịch trình. Một đoàn khách khác từ nước Anh cũng đã chuyển sang Thái Lan với lý do "nước này có đường bay thuận tiện và giá vé tốt hơn".

Bà Trang cho biết giá vé máy bay đến Việt Nam từ các nước Anh và Đức đã cao gấp đôi so với thời điểm trước năm 2019.

"Tôi nghĩ Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch đến Việt Nam dễ hơn và giá cả hợp lý hơn", bà Trang nói và cho rằng giá vé máy bay cao sẽ làm cho khách ít sự lựa chọn và là yếu tố tác động tới quyết định không đến hoặc không trở lại Việt Nam.

Du khách Mỹ đến Hội An năm 2022 sau khi mở cửa. Ảnh: Đắc Thành

Du khách Mỹ đến Hội An năm 2022 sau khi mở cửa. Ảnh: Đắc Thành

Năm 2022 khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,5 triệu lượt, khoảng 70% so với kế hoạch và bằng 19% so với kết quả năm 2019. Quý I.2023, khách quốc tế đến Việt Nam bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hà Văn Siêu, cho rằng ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa về được mức như năm 2019, du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại.

Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn. Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành.

Ông Trương Trần Ngọc Hùng, Phó ban tiếp thị sản phẩm Vietnam Airlines, cho biết thời gian qua, đơn vị phải tìm cách bù lỗ sau 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, cân đối chi phí xoay lại khoản nợ tương ứng để duy trì hoạt động, nên dẫn đến chuyện tăng giá. "Ngoài ra, mức giá vé máy bay khác nhau còn tuỳ vào loại máy bay, hành trình bay, giờ bay", ông Hùng nói.

Còn ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) thì cho rằng đối với thị trường quốc tế, việc so sánh giá vé cao hay thấp tùy thuộc vào nhu cầu của người dùng theo từng thời điểm.

"Hiện có 69 hãng hàng không khai thác đường bay đi và đến Việt Nam. Sự cạnh tranh giữa các thị trường quốc tế quyết định về mặt giá cả của hàng không", ông Đăng nói.

Theo ông Siêu, để đạt mục tiêu ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng trong năm 2023, thì "vai trò của hàng không là rất lớn".

Nhằm thúc đẩy thu hút khách quốc tế, tăng cường hợp tác hàng không và du lịch trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch đề xuất một số giải pháp như rà soát lại các hiệp định về hàng không đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ để tạo thuận lợi cho các hãng mở đường bay đến Việt Nam và các địa bàn là trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, các giải pháp khác gồm nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không (quan trọng nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất), phát triển "thuê chuyến" phục vụ du lịch, tăng cường hút khách quốc tế thông qua các tuyến đường khác như đường biển, đường bộ. Việc mở đường bay mới từ các tỉnh, thành phố trung tâm đến các tỉnh, thành địa phương đang có sân bay nội địa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các địa phương.

Theo VnExpress