92 người tố cáo tới công an vì bị "sập bẫy" trái phiếu bán tại SCB với gần 160 tỷ đồng
Tin tức - Ngày đăng : 19:03, 28/04/2023
Chị Bình cho biết đã mang tiền bán nhà để gửi ở Ngân hàng SCB, sau đó bị tư vấn mập mờ chuyển sang trái phiếu nhưng vẫn nghĩ rằng mình đang tham gia hình thức tiết kiệm rút vốn linh hoạt - Ảnh: BÔNG MAI
Vào trưa nay 28.4, văn phòng Cơ quan cảnh sát cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh chính thức nhận đơn tập thể của 92 cá nhân, kèm các tài liệu liên quan, tố cáo Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã có hành vi chiếm đoạt số tiền tổng cộng gần 160 tỷ đồng.
Đau đớn vì "sập" trái phiếu An Đông, Quang Thuận... bán tại SCB
Theo đơn tố cáo, người dân cho biết đã bị nhân viên ở Ngân hàng SCB tư vấn mập mờ khiến họ hiểu nhầm rằng đang tham gia hình thức gửi tiết kiệm mới, được linh hoạt rút tiền và nhận lãi suất cao hơn gửi thông thường, nhưng thực chất là mua trái phiếu.
Người dân không được cung cấp thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không được lựa chọn mã trái phiếu mà do phía ngân hàng mặc định. Đến nay họ không rút được tiền lãi và gốc như được cam kết.
Đứng trước cơ quan công an, bà Phạm Thị Bình (56 tuổi, bán nước mía, huyện Củ Chi) vừa khóc nức nở vừa uất ức cho biết do con trai làm ăn thất bại, nên vào đầu năm 2022 bà đã bán nhà để chuẩn bị tiền trả nợ cho con. Trong lúc chờ con trở về nhà để trả nợ, bà mang gần 1,3 tỷ đồng tới gửi ở Ngân hàng SCB.
Tuy nhiên bà đã bị nhân viên ngân hàng tư vấn tham gia vào hình thức gửi tiết kiệm mới, khi cần tiền có thể rút linh hoạt mà không bị mất lãi như gửi tiết kiệm có kỳ hạn thông thường, chứ không nói đang mua trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận, có thể bị rủi ro.
"Tôi ít học, đâu có rành chữ nghĩa, viết chữ phải viết từ từ, đọc thì cũng phải ráp từ từ mới hiểu. Nên chỉ chỗ ký chỗ nào thì tôi ký chỗ đó, tôi tới ngân hàng nên tôi tin. Giờ không có tiền, con bị nợ nần không thể trả, bản thân tôi cũng bị bướu trong người, cần tiền chữa bệnh. Đau lắm, tối ngủ không được", bà Bình chia sẻ, khóc đỏ mắt.
Người dân viết đơn tố cáo gửi đến công an - Ảnh: MINH HÒA
Cũng không giữ được bình tĩnh, bà T.T.T. (61 tuổi, từng làm phó hiệu trưởng của một trường mầm non tại TP Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu) khóc, cho biết không chỉ mình mà cả con trai cũng bị dính vào trái phiếu bán tại Ngân hàng SCB với số tiền gần 1 tỷ đồng.
Cầm đơn tố cáo trên tay, bà T. chia sẻ: "Tôi làm 36 năm trong ngành giáo dục, số tiền đó là cả gia tài tôi dành dụm, tằn tiện. Rất đau xót. Mình cũng có hiểu biết chứ không phải không biết gì, nhưng vì quá tin tưởng người tư vấn nên mới bị lèo lái. Cứ nghĩ đang gửi tiết kiệm hình thức mới, có ai ngờ đang mua trái phiếu. Giờ cả hai mẹ con đều dính. Vô cùng tuyệt vọng".
Hỏi về việc vì sao mua trái phiếu và gửi tiết kiệm là hai hình thức khác nhau nhưng lại có sự nhầm lẫn, đồng thời không nghi ngờ lời của người tư vấn, bà Của (55 tuổi) nói: "Nhân viên này ở ngân hàng nên không lo gì cả, có vấn đề gì thì tôi cứ tới ngân hàng giải quyết thôi." Như vậy bà đã chuyển tổng cộng 3 tỷ đồng, số tiền đã phải tích cóp cả đời mới có được.
Theo Tuổi trẻ