Hành trình về nguồn

Các em viết - Ngày đăng : 07:10, 29/04/2023

Dù có "máu" say xe nhưng tôi rất háo hức được tham gia chuyến đi mang tên “Hành trình về cội” lần này.



Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, trường tôi tổ chức chuyến đi trải nghiệm cho những học sinh làm cán bộ lớp, cán bộ Đoàn và những bạn trong các đội tuyển học sinh giỏi. Dù có "máu" say xe nhưng tôi rất háo hức được tham gia chuyến đi mang tên “Hành trình về cội” lần này.

Trước ngày lên đường, tôi cố gắng ngủ sớm hơn mọi hôm để cho đầu óc sảng khoái. Mẹ còn cẩn thận mua cho tôi thuốc chống say xe nên tôi rất tự tin rằng bản thân mình có thể ngồi ô tô chừng 150 km từ Hải Dương đến Đền Hùng xa xôi. Quả thực, 3 tiếng đồng hồ ngồi trên ô tô bỗng trôi nhanh lạ thường vì trên xe, chúng tôi được anh hướng dẫn viên du lịch tổ chức những trò chơi rất thú vị. Đầu tiên là những câu đố để thử khả năng hiểu biết của các bạn học sinh về lịch sử dân tộc, những truyền thuyết liên quan đến các đời vua Hùng, về vùng đất Phú Thọ địa linh nhân kiệt. Nếu câu hỏi nào không có ai xung phong trả lời thì anh hướng dẫn viên du lịch tên Trấn Lợi sẽ chọn một số thứ tự bất kỳ trong danh sách để chỉ định người trả lời. Ai không trả lời đúng phải hát một bài. Chúng tôi hào hứng tham gia với những tràng pháo tay giòn giã chốc chốc lại vang lên và kết quả là vốn hiểu biết được mở mang. Đó là cơ hội để mỗi học sinh được ôn lại các truyền thuyết, huyền thoại như: Con Rồng, cháu Tiên; Sự tích bánh chưng, bánh giầy, Sơn Tinh, Thủy Tinh… Sau mỗi câu hỏi, anh Trấn Lợi lại giảng giải rất kỹ cho chúng tôi hiểu về núi Nghĩa Lĩnh, về Đền Thượng, Đền Giếng… Anh còn khiến chúng tôi tò mò và háo hức về Bảo tàng Hùng Vương - cuốn sử bằng hiện vật trong lòng kinh đô của nước Văn Lang xưa.

Bước xuống xe ô tô, tôi không hề có cảm giác mệt mỏi. Lần này, tôi thấy sảng khoái và đầy hứng khởi cho hành trình leo núi. Chúng tôi chụp một bức ảnh kỷ niệm cả đoàn hơn trăm người ở ngay cổng vào rồi bắt đầu làm lễ dâng hương thành kính. Trong khoảnh khắc trang nghiêm ấy, lòng ai cũng bồi hồi tưởng nhớ công đức của các vua Hùng và tự nhủ mình sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với lời dạy bất hủ của Bác Hồ kính yêu trong cuộc nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong khi Người về thăm Đền Hùng năm 1954: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tất cả chúng tôi như lắng lòng mình trước anh linh các vua Hùng, những vị vua đã có công “khai thiên phá thạch”, tạo dựng giang sơn gấm vóc đời đời bền vững và thấm thía, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ.

Bước chân lên núi Nghĩa Lĩnh cao sừng sững, một khung cảnh tuyệt đẹp giữa trời mây non nước hiện ra trước mắt tôi. Trong trí tưởng tượng của mình, tôi hình dung bốn phía là 99 ngọn núi giống như 99 con voi đang chầu về đất Tổ, gợi nhắc đến tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực tự cường của nhân dân ta trong hành trình dựng xây đất nước, như lời thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương”.

Tôi đặc biệt ấn tượng với những tấm bia trên hành trình leo lên đỉnh Nghĩa Lĩnh uy nghi. Mỗi lần gặp một tấm bia khắc những câu ca đầy ý nghĩa, tôi đều dừng lại, đọc và suy ngẫm rồi đứng cạnh để chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm. Cô giáo dạy văn của tôi thường dặn học trò cần biết quan sát những nơi mình đến, những chỗ mình đi qua. Bài học ấy giúp tôi ghi nhớ những tấm bia ở nơi Đất Tổ thiêng liêng: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Tấm bia ấy nhắc nhở chúng tôi luôn khắc ghi nguồn cội, đó là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta.

Từ những câu ca, những truyền thuyết về cội nguồn, tổ tiên, giống nòi, mỗi người đều cảm nhận được những triết lý nhân sinh từ ngàn đời của cha ông. Đi một quãng nữa, tôi lại bắt gặp tấm bia khắc dòng chữ: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Tôi hiểu rằng câu ca ấy nhắc nhở thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau phải luôn luôn coi trọng và xây dựng tinh thần đoàn kết. Đó là sức mạnh tinh thần to lớn giúp dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, để phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp.

Rời miền đất Tổ để trở về xứ Đông, trong lòng tôi vẫn thấp thoáng tán cọ xòe linh thiêng. Hành trình về cội đã giúp tôi được đến, được nghe, được tận mắt chiêm ngưỡng và khám phá những câu chuyện từ xa xưa chẳng khác nào những huyền thoại. Chuyến đi thực sự đã giúp tôi có những bài học bổ ích bên ngoài sách vở, giúp thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay luôn biết nhớ và tự hào về nguồn cội. 

 VƯƠNG TUẤN KHANH
(Lớp 11A, Trường THPT Nam Sách)