Đền - chùa Mạc Động được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Di tích - Ngày đăng : 09:15, 29/04/2023
Lãnh đạo huyện Thanh Hà trao bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền - chùa Mạc Động cho lãnh đạo xã Liên Mạc. Ảnh: Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Thanh Hà
Di tích đền - chùa Mạc Động được xây dựng vào thế kỷ X. Tương truyền, đền Mạc Động thờ vị thần là con trai thứ 3 của Ngọc Hoàng và vua Lê Đại Hành. Vua Lê Đại Hành xa giá tiến quân đánh giặc Tống nhưng chưa phân thắng bại, cho quân lui về đóng doanh trại tại địa phận khu thượng trang hương Mạc, huyện Bình Hà, phủ Nam Sách, lộ Hải Dương (nay là thôn Mạc Động, xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà). Sau khi vua Lê Đại Hành mất, nhân dân thôn Mạc Động đã thờ tự ông và thần tại một ngôi miếu. Sau thời gian, nhân dân tôn tạo khang trang và gọi là đền. Năm 2014, ngôi đền xuống cấp nghiêm trọng, địa phương cho hạ giải, xây dựng công trình mới như hiện nay gồm 3 gian tiền tế, 2 gian hậu cung.
Lễ hội truyền thống đền Mạc Động diễn ra cùng ngày. Ảnh: Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Thanh Hà
Chùa Mạc Động từng là nơi phát chẩn cứu đói cho dân nghèo. Từ cuối năm 1945, chùa còn là địa điểm giam tù chính trị trong 100 ngày của Quân khu 3. Từ năm 1946-1954, đền và chùa là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ, hưởng ứng lời kêu gọi “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là nơi hoạt động cách mạng của dân quân, du kích địa phương. Trong hai năm 1948-1949, chùa còn là trụ sở làm việc của Ủy ban Kháng chiến huyện Thanh Hà, Ủy ban Kháng chiến xã Cẩm Chế. Năm 1951, đơn vị bộ đội Bắc Hà (Thanh Hà) và dân quân du kích địa phương đã trưng dụng một số đồ thờ tự của đền làm hầm bí mật dưới nền tòa hậu cung, thoát khỏi các trận càn quét vây bắt của địch. Năm 2000, chùa được nhân dân xây dựng trong khuôn viên của đền Mạc Động, có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện.
Hằng năm, Lễ hội đền Mạc Động được tổ chức từ ngày 8 đến 10.3 âm lịch, Lễ hội chùa tổ chức vào 27 tháng giêng.
PV