Người phụ nữ gói bánh chưng nhanh nhất Hải Dương

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 15:44, 29/04/2023

Gần 60 tuổi nhưng đôi tay bà Nguyễn Thị Nguyệt ở TP Hải Dương vẫn rất khéo léo, gói bánh chưng nhanh thoăn thoắt. Gần như năm nào đi thi gói bánh chưng, đội của bà cũng đều giật giải gói nhanh nhất.


Khi gói một mình bà Nguyệt cũng chỉ cần chưa đầy 1 phút để gói xong 1 chiếc bánh chưng

Bà Nguyệt vì thế được nhiều người đặt cho biệt danh “Người phụ nữ gói bánh chưng nhanh nhất Hải Dương”.

Hơn 27 giây một chiếc

Tôi biết bà Nguyệt từ Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2017. Khi ấy, bà là một trong những thành viên đoàn nghệ nhân của TP Hải Dương tham dự Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tổ chức tại sân đá chùa Côn Sơn.

Tại hội thi năm ấy, đoàn nghệ nhân của bà Nguyệt giành giải gói bánh chưng nhanh nhất. Bà và tất cả các thành viên trong đoàn là anh chị em ruột. Bà Nguyệt là chủ công, chỉ huy của đội. 

Mấy năm vừa rồi vì dịch Covid-19 mà Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc không được tổ chức hoặc có tổ chức nhưng cắt hết phần hội, chỉ tổ chức một vài nghi lễ truyền thống theo quy mô nhỏ. Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy vì thế cũng không còn được duy trì. 

Cho đến đầu năm nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được khôi phục với đầy đủ nghi lễ truyền thống như trước. Tại Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, vẫn là bà Nguyệt cùng anh chị em của mình đại diện cho TP Hải Dương tham dự. Đã gần 60 tuổi nhưng bà Nguyệt vẫn giữ được phong độ và sự nhanh nhẹn vốn có. Theo quy định của Ban Tổ chức, trong phần thi gói bánh chưng, mỗi đội sẽ có tối đa 10 phút để gói 10 chiếc bánh chưng (5 bánh chay, 5 bánh mặn). Thế nhưng chỉ mất 4 phút 32, bà Nguyệt cùng các anh chị em của mình đã hoàn thành phần thi (tức là thời gian để gói xong mỗi chiếc bánh chỉ 27,2 giây), bỏ xa các đội xếp sau.

Chứng kiến bà Nguyệt và các thành viên trong đội thoăn thoắt gói bánh chưng, nhiều du khách không khỏi trầm trồ, thán phục. “Mắt tôi như bị hoa lên khi xem họ thể hiện phần thi. Đôi bàn tay của họ gói bánh mà ngỡ như đang múa. Tôi chưa từng thấy ai gói bánh chưng nhanh và điêu luyện như thế. Gói nhanh nhưng chiếc bánh vẫn đẹp, rất vuông vức”, ông Nguyễn Đắc Huy đến từ Hà Nội nhận xét.

Bà Nguyệt cho biết đã 11 lần cùng các anh chị em trong gia đình đi tham dự hội thi trên và năm nào cũng ẵm giải gói bánh chưng nhanh nhất. Đội của bà cũng 2 lần đi thi gói bánh chưng tại Đền Hùng (Phú Thọ) và cũng đều về đích sớm nhất song trong thể lệ không có nội dung này. 

Vừa qua, tôi có dịp đến thăm nhà bà Nguyệt ở phố Khúc Thừa Dụ (TP Hải Dương), đúng lúc vợ chồng bà đang chuẩn bị gói 15 chiếc bánh chưng cho khách. Một lần nữa, tôi lại được xem đôi bàn tay khéo léo của bà Nguyệt “nhảy múa”. Đợi chồng bày sẵn gạo, nhân, lá dong, lạt buộc, bà nhanh nhẹn ngồi vào ghế và bắt đầu công việc. Không giống như ở hội thi có các anh chị em phụ giúp, ở nhà bà Nguyệt thực hiện công việc gói bánh một mình. Tuy nhiên cũng chỉ mất từ 50-55 giây là bà đã gói xong một chiếc. Điều khiến tôi ấn tượng nữa là bà Nguyệt chỉ gói vo, không gói bằng khuôn mà chiếc nào chiếc nấy đều vuông thành sắc cạnh. “Lâu nhất thì cũng chỉ mất 1 phút là tôi sẽ gói xong một chiếc”, bà Nguyệt nói.


Hoàn thành trong thời gian rất nhanh song những chiếc bánh chưng do bà Nguyệt gói đều vuông thành sắc cạnh

Giữ nghề gia truyền

Bà Nguyệt khiêm tốn nói chẳng có bí kíp nào để gói bánh chưng nhanh như vậy, tất cả chỉ là “trăm hay không bằng tay quen”. Gia đình bà có nghề gói bánh chưng gia truyền, duy trì mấy đời nay. Từ khi còn bé, bà Nguyệt đã thấy ông bà nội gói bánh chưng để bán, sau đó là đến bố mẹ của bà. Bà được ông bà, bố mẹ bắt đầu truyền nghề khi mới lên 5-6 tuổi.

Bà Nguyệt là con thứ ba trong gia đình có 9 anh chị em, hầu hết đều theo nghề gói bánh chưng. Thuở sống cùng bố mẹ, hằng ngày, bà Nguyệt và các anh chị em mỗi người một việc từ đi mua nguyên liệu đến gói bánh, giao hàng. Bấy giờ, gia đình bà là cơ sở gói bánh chưng lớn và ngon có tiếng ở thị xã Hải Dương, mỗi ngày cung cấp ra thị trường hàng nghìn chiếc, chủ yếu là giao buôn cho các tiểu thương. Bánh chưng bà Lương (mẹ của bà Nguyệt) đã trở thành thương hiệu, nhiều người cao tuổi ở TP Hải Dương giờ vẫn còn nhớ.

Năm tháng qua đi, bà Nguyệt và các anh chị em lần lượt xây dựng gia đình. Bà và 6 anh chị em khác vẫn tiếp tục duy trì nghề truyền thống mà cha ông để lại. Giai đoạn 1990-1995, gia đình bà Nguyệt chủ yếu gói bánh chưng loại nhỏ, dần dà chuyển sang gói bánh to theo nhu cầu thị trường. Do gói bánh ngon nên nhà bà lúc nào cũng đông khách, nhất là vào dịp Tết. Mấy năm trước, Tết nào nhà bà cũng gói từ 6.000 - 8.000 chiếc bánh chưng, phải thuê người phụ giúp.

Vì tuổi ngày càng cao nên mấy năm nay bà chỉ gói bánh bán vào dịp ngày rằm, mùng 1 và dịp Tết, nể lắm mới gói cho khách quen vào ngày thường. “Tôi đã dành cả cuộc đời theo nghề nên sẽ gói bánh cho đến khi nào sức khoẻ không cho phép mới dừng lại. Với lại cũng phải gói để duy trì cảm giác, hằng năm còn đi tham dự hội thi cho vui nữa”, bà Nguyệt nói.

Bánh chưng - lễ vật của chàng Lang Liêu

Truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy” xuất hiện từ đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ Tổ, vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua nhất sẽ được nhà vua nhường ngôi. Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Riêng Lang Liêu là người con nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang, chàng không tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, mà đã dùng ngay những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho trời tròn và đất vuông (còn được gọi là bánh chưng và bánh giầy) để làm lễ vật dâng vua cha. Lễ vật của Lang Liêu hợp với ý vua Hùng nhất và nhà vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu… Từ đó bánh chưng, bánh giầy đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng, để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha, ông.

BÌNH MINH