[Video] Mục sở thị nơi làm bánh dày lâu đời ở TP Hải Dương
Ẩm thực - Ngày đăng : 16:45, 29/04/2023
Gia đình chị Nguyễn Thị Thiệp ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) có 3 đời làm bánh dày
Gia đình chị Thiệp từng nhiều lần tham gia, đoạt giải cao trong các kỳ thi gói bánh chưng, giã bánh dày trong và ngoài tỉnh.
Ngót 100 năm làm nghề
Chị Thiệp là đời thứ 3 tiếp nối nghề làm bánh dày truyền thống của gia đình. Chị kể, hồi mới hơn 10 tuổi đã được mẹ dạy làm bánh. Vào ngày Giỗ Tổ, chị cùng mẹ phải thức dậy từ nửa đêm đãi gạo, đồ xôi, giã bánh để chừng 5 giờ sáng, những chiếc bánh dày dẻo thơm gói trong lá chuối non kịp đến tay người dân mua về dâng lễ tổ tiên. Riêng người dân phường Thanh Bình còn mua về làm lễ dâng cúng Đại vương Vũ Hựu nhân Lễ hội đền - đình Sượt (cũng vào mùng 10.3 âm lịch hằng năm).
Chị Thiệp cho biết, tính từ đời ông ngoại đến nay thì gia đình chị đã ngót 100 năm duy trì và phát triển nghề. Theo ông Nguyễn Du Lịch, nguyên công chức văn hóa của phường Thanh Bình, ở TP Hải Dương có nhiều gia đình làm nghề gói bánh chưng, giã bánh dày nhưng nhiều nhất vẫn ở phường Thanh Bình và làm nghề giã bánh dày lâu đời nhất phải kể đến gia đình chị Thiệp. Trải qua thời gian, nhiều gia đình ở phường Thanh Bình không duy trì được nghề thì quán làm bánh dày của gia đình chị Thiệp vẫn luôn "đỏ lửa".
Gia đình chị Thiệp phải thuê thêm 10 người nữa để làm bánh phục vụ người dân mua về dâng cúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương
Bà Nguyễn Thị Ngà, mẹ chị Thiệp năm nay hơn 70 tuổi. Bà Ngà biết làm bánh dày từ năm 28 tuổi. Lập gia đình, nhiều người khuyên bỏ nghề nhưng bà quyết không nghe. Bà Ngà cùng con gái bền bỉ duy trì nghề truyền thống của gia đình cho đến nay.
Gia đình chị Thiệp cũng nhiều lần tham dự Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày của tỉnh Hải Dương và tại Lễ hội đền Hùng. 13 năm làm nghề thì cũng hơn một nửa thời gian chị Thiệp tham gia Hội thi giã bánh dày tại Lễ hội đền Hùng và có 3 năm giành giải nhất.
Chị Thiệp cho biết: “Làm bánh dày vất vả sớm hôm, thức khuya, dậy sớm nhưng tôi luôn cố gắng duy trì nghề truyền thống của gia đình. Chừng nào còn sức khỏe tôi còn làm bánh dày”.
Bánh dày muốn dẻo thơm, khi nặn bánh phải dùng thêm chút mỡ lợn
Kỳ công
Chị Thiệp bảo, người làm bánh dày chẳng có bí quyết gì ngoài sự tảo tần, thật thà và cái tâm của người làm nghề. Nhưng mục sở thị từng công đoạn làm bánh của gia đình chị Thiệp thì cái gọi là "chẳng có bí quyết gì" như chị nói không đơn giản.
Để có những chiếc bánh dày trắng tròn, dẻo thơm phải trải qua gần 20 công đoạn khác nhau. Bánh dày là thứ kén gạo nên không thể chọn qua loa, đại khái. Gạo phải là nếp cái hoa vàng chính gốc Kinh Môn, mười hạt óng ả cả mười thì bánh mới dẻo thơm.
Chị Thiệp vừa cắt khuôn bánh đã có người đến chờ mua
Xôi sau khi đồ chín phải giã ngay lúc còn nóng, có như vậy bánh mới mềm, mịn và dẻo. Ðể bột khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon, người ta thường xoa một chút mỡ lợn mới phi trong lúc ra bánh. Thú vị nhất là khâu giã bánh. Ngày xưa những thanh niên trai tráng trong gia đình chị Thiệp đảm nhận việc này thì nay gia đình chị đã mua thêm máy giã để bớt nhân công và đỡ vất vả.
“Ngày xưa để làm một mẻ bánh dày phải mất ít nhất 4 người, 2 người giã và 2 người đảo. Còn bây giờ thì chỉ cần một người có thể làm được và thời gian làm bánh cũng nhanh hơn. Dù người hay máy giã thì cũng phải dùng chày gỗ thì bánh mới ngon và nhuyễn”, bà Ngà chia sẻ.
Gia đình chị Thiệp mua thêm máy để giã bánh, giúp giảm công lao động
Người giã bánh cũng phải biết khi nào đạt độ dẻo. Bánh ngon là phải mướt, trắng, không nổi cục li ti. Những ngày Giỗ Tổ và Lễ hội đền - đình Sượt, gia đình chị Thiệp phải huy động thêm gần 10 nhân công hỗ trợ vì lượng người đặt bánh khá nhiều.
Từ ngày 8-10.3 (âm lịch) hằng năm, mỗi ngày gia đình chị Thiệp phải đồ khoảng 5 tạ gạo nếp để làm ra hơn 1.000 chiếc bánh (loại từ 2-5 lạng). Bánh giã đến đâu, người dân đến chờ lấy hết đến đó.
Dịp này, người dân mua bánh dày nhà chị Thiệp làm về cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng lễ tại Lễ hội đền - đình Sượt
Chị Phạm Thị Hương, ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) nhiều năm mua bánh nhà chị Thiệp nhận xét: “Dù có rất nhiều nơi bán nhưng tôi vẫn thích bánh nhà chị Thiệp làm vì có độ dẻo rất vừa, không bết dính, ăn không ngán, đặc biệt dù để lâu bánh vẫn thoang thoảng mùi thơm của hương lúa nếp quyện với mùi lá chuối rất hấp dẫn”.
Cuộc sống có đổi thay, nhiều loại bánh mới ra đời nhưng những người làm bánh dày truyền thống như chị Thiệp vẫn giữ niềm đam mê, vui với nghề. Nhờ những người kiên trì giữ nghề như chị Thiệp mà mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hải Dương có những chiếc bánh dày tròn, trắng, thơm ngon, thơm thảo dâng lên tổ tiên.
HẢI MINH