“Giám đốc của nông dân”
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:23, 07/01/2010
Anh Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Trường Thúy, Gia Lộc đã tiêu thụ khối lượng lớn rau, củ, quả các loại cho nông dân, được người dân gọi bằng cái tên trìu mến “Giám đốc của nông dân”.
Anh Trường kiểm tra sâu bệnh trên cây su-lơ |
Năm 1992, sau khi rời quân ngũ, anh Trường trở về quê xây dựng gia đình và bắt tay vào phát triển kinh tế. Ngoài sản xuất nông nghiệp, anh còn làm thêm nhiều việc khác như: lái tàu thủy thuê, buôn bán điện tử... nhưng kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 1999, trong một lần vào miền Nam thăm bạn bè, anh nhận thấy, giá rau quả trong đó bán cao gấp 1,5-2 lần so với ngoài Bắc, anh bèn nảy ra ý định buôn rau, củ, quả từ Bắc vào bán cho thị trường miền Nam. Trở về, anh đi thu mua su hào, bắp cải, cà-rốt, su-lơ của bà con trong vùng, đóng gói, thuê xe chở vào miền Nam bán. Thời gian đầu, do chưa biết cách đóng gói, bảo quản, giao thông chưa thuận tiện, mỗi chuyến hàng từ Bắc vào Nam phải mất ít nhất 2-3 ngày nên khi vào được đến nơi, rau của anh thường bị héo, úa. Do không nắm vững thị trường, giá cả, không có mối hàng quen nên anh bán chuyến được, chuyến lỗ. Không nản chí, anh chịu khó vào TP Hồ Chí Minh tìm bạn hàng, tạo mối làm ăn, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, giữ rau tươi được lâu, bảo đảm chất lượng từ những cơ sở làm ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Có kiến thức cộng với kinh nghiệm thực tế của bản thân, rau quả của anh ngày càng được bảo quản tốt hơn, giữ được tươi lâu hơn, bảo đảm chất lượng... Do vậy, việc buôn bán của anh ngày càng phát triển. Anh tăng dần lượng xe vận chuyển rau vào Nam, từ 3 ngày/chuyến 2-3 tấn lên 1- 2 ngày/chuyến 20-22 tấn. Hết mùa rau, đến mùa vải, nhãn, anh lại chuyển sang buôn bán vải, nhãn vào Nam. Năm 2005, anh sang tham quan mô hình trồng, chăm sóc, bảo quản su-lơ của Trung Quốc. Vụ đông năm 2006, anh thuê 14 mẫu đất của 96 hộ nông dân ở 2 xã Gia Xuyên và Gia Tân, cung cấp cây su-lơ giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và nhận bao tiêu sản phẩm cho họ. Anh Trường còn ấp ủ ý tưởng thuê một vùng đất rộng để làm mô hình sản xuất với qui trình khép kín, từ sản xuất cây giống đến khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, chế biến, bảo quản, làm sao để có chi phí đầu vào thấp, môi trường thân thiện, sản phẩm sạch, tiêu thụ thuận lợi, cho giá trị kinh tế cao. Từ ý tưởng đó, năm 2007, anh thuê 14 mẫu đất của các hộ nông dân xã Tân Hưng (TP Hải Dương) để trồng cây su-lơ. Do được trồng, chăm sóc, bảo quản đúng cách nên chất lượng sản phẩm của anh được nâng lên, bán được giá hơn. Do đó, anh mở rộng dần diện tích đất thuê lên. Vụ đông năm 2009, anh thuê đất của 290 hộ ở các xã Gia Tân, Gia Xuyên, Tân Hưng với tổng diện tích 10,53 ha. Ngoài sản phẩm do gia đình sản xuất được, anh còn thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong huyện và một số xã có thế mạnh về cây vụ đông của các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang. Hiện nay, ngoài TP Hồ Chí Minh, anh đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh miền Tây và xuất khẩu sang Cam-pu-chia. Ngoài ra, anh còn cung cấp toàn bộ rau quả cho các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng). Bình quân mỗi ngày, anh tiêu thụ 60-70 tấn rau quả các loại. Để có tư cách pháp nhân, giao dịch với các nhà quản lý và các cơ sở kinh doanh khác, tháng 11-2009, anh thành lập Công ty TNHH Trường Thúy do anh làm Giám đốc. Hiện, công ty của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,1 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, vào thời vụ cao điểm, công ty cũng giải quyết việc làm cho khoảng 80 lao động thời vụ, với thu nhập từ 60.000-70.000 đồng/người/ngày. Vụ đông năm 2009, anh tiêu thụ cho bà con nông dân trên 6.000 tấn rau quả các loại, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi gần 1 tỷ đồng. Nhiều năm liền, anh đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương. Anh cũng được bà con nông dân trong vùng gọi bằng cái tên trìu mến “Giám đốc của nông dân”.
HẠNH DUYÊN