Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Danh nhân - Ngày đăng : 15:45, 14/01/2010
Nguyễn Bỉnh Khiêm quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, đạo Hải Dương (nay là thôn Trung Am, Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ông là nhà triết gia, nhà quân sự và cũng là nhà sư phạm mẫu mực của thế kỷ XVI.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Lớn lên gặp phải lúc triều Lê suy đồi, các tập đoàn phong kiến tranh giành, xâu xé quyền lực, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm không chịu đi thi đỗ đạt để ra làm quan mà chỉ ở nhà dạy học và sáng tác thơ ca. Mãi năm ông 44 tuổi thấy triều Mạc có nhiều chính sách chính trị xã hội ổn định, ông quyết đi thi. Nguyễn Bỉnh Khiêm dự kỳ thi Hương khoa Giáp Ngọ (1534) và đỗ giải nguyên, khoa thi Hội, thi Đình năm ất Mùi (1535) ông liên tiếp đỗ đầu tức Sĩ cập đệ đệ nhất danh tức Trạng Nguyên.
Dưới chế độ phong kiến, ông là một trong số hiếm người đỗ đầu liền 3 khoa thi liên tiếp và giành được học vị cao.
Sau khi đỗ, ông được bổ giữ chức Tả Thị Lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Ở triều được 8 năm, gặp phải lúc vua Thái Tông Mạc Đăng Doanh mất, chúa nhỏ nối ngôi bọn quyền thần chuyên quyền, dối vua, hại dân hại nước. Con rể ông là Phạm Dao cũng cậy thế làm càn, khuyên nhủ không được, Nguyễn Bỉnh Khiêm rất buồn bực, ông dâng sớ vạch tội 18 tên quyền thần và xin chém cả. Vua Mạc Phúc Hải không nghe, ông xin về trí sĩ (năm Nhâm Dần 1542) làm nhà ở làng gọi là Bạch Vân Am, do đó có hiệu là Bạch Vân cư sĩ.
Ông mở trường dạy học bên cạnh sông Hàn chảy qua làng. Sông Hàn (Hàn Giang) còn có tên là Tuyết Giang, vì thế học trò tôn xưng ông là Tuyết Giang Phụ Tử. Học trò của ông rất đông và nhiều người thành đạt. Ông sáng tác nhiều tác phẩm văn thơ và đàm đạo với nhiều danh sĩ trong triều, ngoài nội.
Tương truyền Lương Đắc Bằng là người giỏi lý học, đã đem sách Thái ất thần kinh ra dạy cho học trò, nhưng có những điều trong sách ấy Lương Đắc Bằng cũng không hiểu được mà chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này mới tinh thông.
Dù ông đã về hưu, vua Mạc Phúc Hải vẫn tỏ lòng kính trọng ông, phong ông chức Trình Tuyến Hầu (Giáp Thìn 1544), ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn lý học như anh em Trình Di và Trình Hao (Trình Y Xuyên và Trình Minh Đạo) ở Trung Quốc, rồi không lâu lại thăng ông là Thượng thư bộ lại tước Trình Quốc Công do đó đời gọi ông là Trạng Trình.
Để chấn hưng đạo đức và cảnh tỉnh lòng người đừng quá quay cuồng trong vật dục, ông cùng người làng dựng nên ngôi nhà gọi là "Trung Tân quán", cứu giúp người nghèo khổ, khuyên nhủ kẻ giầu sang phải biết điều nhân nghĩa, nêu cao tình người.
Là nhà thơ, nhà văn đầy tâm huyết, đau xót thời loạn lạc thơ văn ông đầy đạo nghĩa, nhất là bài văn bia ghi quán Trung Tân thật đặc sắc.
Ông mất năm ất Dậu 1585, thọ 94 tuổi. Thơ văn còn truyền tụng rất nhiều trong bộ "Bạch Vân thi tập". Ngoài ra còn một số sấm ký được xem là của Trạng Trình. Tương truyền trong tập sách đó, ông đã tiên tri và biết trước các sự việc nhân tình thế thái, thời cuộc xảy ra "năm trăm năm sau". Thực, hư thế nào, còn là vấn đề cần phải nghiên cứu khẳng định hay phủ định của các nhà học giả Việt Nam sau này để trả lại giá trị xứng đáng cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đương nhiên, một điều cần khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm thật sự là nhà học giả "thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự" (trên trời hiểu thiên văn, dưới đất tường địa lý, ở giữa hiểu con người).
Tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại) và hai tập: Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm) ông để lại cho hậu thế đã chứa đựng những triết lý sâu xa của thời cuộc. Thơ ông phê phán gay gắt bọn tham quan ô lại hút máu, hút mủ của dân. Thơ ông còn truyền đạt cho đời một đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Vì thế khi về ở ẩn, ông vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo cho đời những tài năng "kinh bang tế thế".
Học trò của ông cũng có người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền...
Có thể nói ở thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn của Việt Nam. Tư tưởng triết học của ông không bận tâm đi vào xu hướng duy lý... đi tìm khái niệm bản thể luận như Lão Tử, như triết học Phật giáo hay cái phóng nhiệm nhiều lúc đến ngụy biện của Trang Tử. Ông hiểu sâu sắc triết học Tống Nho nhưng không đi vào sự câu nệ vụn vặt, không lý giải quá sâu cái lý, có khi rắc rối, hoặc chẻ sợi tóc làm tư để tìm hiểu, biện giải nhiều thứ mơ hồ rối rắm trong những khái niệm hỗn tạp đó. Triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là triết học đã được sống dậy, biểu hiện trong thơ như sự gợi ý mách bảo của cuộc sống thực tiễn. Ông chắt lọc từ trong nhận thức triết học mà mình thu lượm được, phép biện chứng nhìn bên ngoài có vẻ như thô sơ để giải đáp nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội nảy sinh ở quanh mình. Vì lẽ đó, ông rất hay dùng đến những cặp phạm trù đối lập như: đen - trắng, tốt - xấu, đầy - vơi, sinh - diệt, vuông - tròn, để giãi bày quan niệm triết lý nhân sinh của mình.
Nhìn lại toàn bộ tiến trình lịch sử và con người thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng là "cây đại thụ", nhà học giả, nhà triết gia, nhà quân sự và cũng là nhà sư phạm mẫu mực của thế kỷ.
(Tổng hợp)