Kinh Môn phát triển đàn lợn nái
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:48, 15/01/2010
Nếu giá thức ăn chăn nuôi ổn định, giá bán lợn sữa xuất chuồng giữ ở mức như những ngày đầu năm 2010 (tăng thêm từ 2.000-3.000 đồng/kg) thì đàn lợn nái ở Kinh Môn có thể phát triển lên hơn 17 nghìn con, tương đương mức “đỉnh” năm 2006.
Đàn lợn sữa từ mẹ thuần nội tại xã Minh Hòa (Kinh Môn) |
Xã Minh Hoà, nơi có đàn lợn nái 1.800 con, cao nhất huyện, trong đó có 1.500 con nái nội, chiếm 83%. Theo anh Nguyễn Văn Thuấn, một chủ trang trại trong xã đang nuôi 25 con lợn nái (10 con nái lai), thì chọn lợn nái lai F1 phải tôn trọng hướng dẫn của cán bộ thú y, đó là chọn con cái từ đàn lợn thụ tinh nhân tạo bằng liều tinh được tỉnh hỗ trợ. Nếu chọn để gây nuôi lợn nái từ đàn lợn sữa sinh ra bởi phối giống trực tiếp giữa lợn đực chưa rõ nguồn gốc với lợn thuần nội thì rất khó có lợn nái chất lượng. Nhiều người trong xã, thấy lợn cái trong những đàn lợn phối giống trực tiếp có dáng đẹp đã chọn gây nuôi lợn nái, tỷ lệ loại thải rất cao. Lợn nái lai F1, có nhiều máu ngoại, tỷ lệ nạc cao, con sinh ra khoẻ mạnh, mau lớn, chi phí thức ăn tiết kiệm hơn so với lợn sinh ra từ lợn mẹ thuần nội. Anh Nguyễn Văn Thi, chủ trang trại ở xã Lạc Long, thường xuyên nuôi 5 con lợn nái lai và hơn 60 con lợn thịt, hạch toán : Theo giá thức ăn chăn nuôi năm 2009, muốn tăng trọng 1 kg lợn hơi cần ít nhất 3 kg thức ăn, tức là chi phí từ 25,5 nghìn đồng đến 36 nghìn đồng. Trong khi, giá thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ bán được từ 24 nghìn đồng đến 26 nghìn đồng/kg. Riêng lợn sữa xuất chuồng, mẹ thuần nội, phối giống trực tiếp bán giá 26 nghìn đồng/kg, lợn thụ tinh nhân tạo bán được giá 28 nghìn đồng/kg. Để tăng trọng 1 kg lợn sữa được thụ tinh nhân tạo, thì chỉ cần 2,5 kg thức ăn, tương đương chi phí từ 21 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng. Từ cách hạch toán trên, người chăn nuôi ở Kinh Môn đã duy trì tổng đàn lợn nái ở mức cao. Thêm vào đó, từ cách đây 2 năm, huyện đã trích ngân sách hơn 200 triệu đồng hỗ trợ phát triển thêm lợn nái mới, trong đó tỷ lệ hỗ trợ lợn nái lai F1 cao hơn. Người nuôi lợn nái còn được tỉnh cấp không thu tiền liều tinh thụ tinh nhân tạo, vừa tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, vừa tăng được giá bán lợn sữa xuất chuồng so với lợn sữa phối giống trực tiếp. Ba năm trở lại đây, đàn lợn nái của huyện không có dịch bệnh xảy ra do 100% số lợn nái được tiêm phòng các loại vắc-xin theo quy định. Trong năm 2009, huyện đã thực hiện 4 đợt phun hoá chất tiêu độc, khử trùng tập trung, với gần 1.600 lít hoá chất, chưa kể lượng hoá chất của các chủ trang trại mua để phun tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Kỹ sư Vũ Tuấn Dương, Trạm trưởng Trạm thú y Kinh Môn cho biết: “Nhờ được tỉnh cấp liều tinh không thu tiền, nên năm 2009, người chăn nuôi trong huyện đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 33.663 con lợn nái, đạt tỷ lệ 89,6%, mức cao nhất từ trước đến nay”. Kết quả trên là nguyên nhân tích cực hạn chế lây lan dịch bệnh do phối giống trực tiếp, đối phó có hiệu quả với những nguy cơ rủi ro cao trong chăn nuôi. Quan trọng hơn, xu hướng áp dụng thụ tinh nhân tạo đang được người chăn nuôi lợn nái ở Kinh Môn lựa chọn để duy trì sản xuất trong những năm tới đây, vì vừa tiết kiệm chi phí, vừa bán lợn xuất chuồng được giá cao hơn.
Những ngày đầu năm 2010, giá lợn sữa xuất chuồng tăng thêm từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg nên người chăn nuôi trong huyện phấn khởi hơn, tiếp tục lựa chọn lợn cái lai để gây nuôi lợn nái sinh sản. Nếu giá thức ăn chăn nuôi ổn định, giá bán lợn xuất chuồng tiếp tục tăng thì đàn lợn nái ở Kinh Môn có thể đạt hơn 17 nghìn con, tương đương mức “đỉnh” năm 2006. Tuy nhiên, huyện cần có biện pháp đào tạo và sử dụng tốt đội ngũ thú y cơ sở. Cần khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng công nghệ chăn nuôi sạch, xây dựng nhiều hơn các hầm bi-ô-ga để xử lý rác thải chăn nuôi, vừa tạo thêm nguồn nhiên liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường, phát tán mầm bệnh, vừa tiết kiệm chi phí để tăng lợi nhuận, tạo thuận lợi cho người nuôi lợn nái yên tâm phát triển quy mô đàn.
CÔNG ĐẠO