Thanh Miện bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:19, 19/01/2010
Trong những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế, vấn đề vệ sinh môi trường được đặt ra cấp bách đối với Thanh Miện. Nhờ có nhiều biện pháp tích cực nên môi trường nông thôn ở đây cơ bản được bảo đảm.
Tổ thu gom rác thôn Hữu Chung (xã Hồng Quang) hoạt động tốt, giữ cho đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ |
Thời gian gần đây, kinh tế nông nghiệp của huyện Thanh Miện chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá. Diện tích rau màu tăng lên. Ngành chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Trong quá trình phát triển, huyện đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường nông thôn.
Đoàn Tùng là xã có kinh tế tiểu, thủ công nghiệp phát triển khá mạnh. Xã có 1 làng nghề truyền thống với 170 hộ chuyên sản xuất bánh đa. Gần 100 hộ chuyên nấu rượu, làm nước mắm, mộc và sản xuất áo mưa, túi ni-lông. Sản xuất tiểu, thủ công nghiệp góp phần làm thay đổi diện mạo của xã. Đoàn Tùng còn có chợ Thông là chợ đầu mối lớn trong vùng. Vì thế, vấn đề vệ sinh môi trường ở Đoàn Tùng được đặt ra cấp thiết. Ông Trương Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ năm 2005, các thôn, khu dân cư (KDC) trong xã đã thành lập các tổ thu gom rác thải. Những tổ này được UBND xã hỗ trợ kinh phí mua sắm phương tiện làm việc. Vừa qua, xã đầu tư 125 triệu đồng xây dựng 3 bãi rác ở 3 thôn. Những bãi rác này phải bảo đảm xa KDC, xa nguồn nước sinh hoạt. Xã đưa vấn đề vệ sinh môi trường thành tiêu chí để đánh giá chất lượng làng, KDC văn hoá hằng năm. Đối với những hộ sản xuất, kinh doanh, UBND xã yêu cầu phải có biện pháp tránh gây ô nhiễm môi trường. Hộ sản xuất bánh đa phải xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Vừa qua, làng nghề Đầu Lâm được đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo dự án môi trường các làng nghề của tỉnh. UBND xã cũng quy định: Những hộ chăn nuôi không được xả trực tiếp chất thải ra môi trường, mỗi hộ phải có khu xử lý riêng. Trang trại chăn nuôi nào nằm trong KDC, nếu không kiểm soát được chất thải, xã kiên quyết không cho tiếp tục hoạt động. Đối với chất thải rắn trong sản xuất nông nghiệp như vỏ chai, túi đựng thuốc trừ sâu... đều được thu gom chứa trong những bể nổi bằng xi-măng xây ở mỗi cánh đồng. Sau đó, các thôn sẽ tiến hành tiêu huỷ bằng cách đốt hoặc chôn lấp ở nơi quy định.
Về xã Chi Lăng Nam thời gian này, không khí lao động sản xuất đang rất khẩn trương. Mọi người đều tập trung cho việc lấy nước đổ ải, chuẩn bị gieo cấy vụ chiêm xuân, nhưng không vì thế mà công tác vệ sinh môi trường bị sao nhãng. Đội thu gom rác của các thôn vẫn hoạt động đều đặn mỗi tuần 3 lần. Ông Nguyễn Văn Trạm, Trưởng ban Văn hoá - Thể thao xã, cho biết: Các tổ thu gom rác ở các thôn được thành lập từ năm 2006. Khi đó, xã tiếp nhận dự án “Năng suất xanh” của Sở Khoa học và Công nghệ. Ban đầu, dự án triển khai ở thôn Hội Yên, nơi có nghề truyền thống làm bánh đa. Một bãi xử lý rác thải theo công nghệ mới được xây dựng. Mỗi bãi rác chia làm 4 phần. Rác thải trước khi đưa vào bãi đã được xử lý, phân loại. Chất thải rắn, độc hại, khó tiêu huỷ như chai nhựa, túi ni-lông, chai đựng thuốc trừ sâu... được xử lý riêng. Rác thải hữu cơ được đem chôn lấp. Khi phần 1 đã lấp đầy, các cán bộ kỹ thuật sử dụng hỗn hợp chứa vi sinh vật để phân huỷ, sau đó dùng bùn lấp kín. Sau 4 tháng rác sẽ phân huỷ thành phân bón. Hiện nay, cả ba thôn của Chi Lăng Nam đã triển khai mô hình mới này. Tại khu du lịch sinh thái Đảo Cò, đường làng, ngõ xóm luôn luôn sạch đẹp. Xã vừa tiếp nhận dự án “Quỹ môi trường toàn cầu”, nhằm bảo đảm môi trường cho khu du lịch. Quỹ này sẽ cung cấp phương tiện vận chuyển và thu gom rác cho các tổ thu gom ở các thôn; cấp kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh của nhân dân địa phương. Hiện nay, thôn Hội Yên đang thực hiện dự án xử lý nước thải công nghiệp do Phòng Công thương huyện triển khai. Dự án này xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải làng nghề, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn trước khi thải ra môi trường.
79 trong tổng số 94 thôn, KDC ở Thanh Miện đã lập tổ thu gom rác. Các tổ này do Hội Phụ nữ đảm nhiệm. Kinh phí hoạt động do người dân tự đóng góp. Mức đóng góp tuỳ từng nơi, trung bình 3.000 đồng/khẩu/tháng. Đây là số tiền không lớn, nên được nhân dân đồng tình. Thanh Miện cũng đã quy hoạch được 78 bãi rác, trong đó có 61 bãi rác đã đưa vào sử dụng.
Thời gian tới, Thanh Miện tập trung khắc phục một số khó khăn về quy hoạch các bãi rác. Do kinh phí hạn hẹp, nên nhiều bãi rác chưa được xây dựng theo đúng quy trình kỹ thuật. Các bãi rác chưa có hệ thống chống thấm, nước thải vẫn rò rỉ ra môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Do thiếu đất, nên diện tích các bãi rác thường nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu trong thời gian dài. Có bãi rác gần KDC như bãi rác của xã Phạm Kha. Một số xã như Tiền Phong, Diên Hồng do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên chưa thành lập được các tổ thu gom rác.
VỊ THỦY