Đảng bộ xã An Lâm Tự tin bước vào nhiệm kỳ mới

Tin tức - Ngày đăng : 06:18, 25/01/2010

Đảng bộ An Lâm quyết tâm lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu mức tăng trưởng GDP hằng năm từ 11-12%; nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người lên 12 triệu đồng/năm vào cuối nhiệm kỳ...


Bộ mặt nông thôn An Lâm (Nam Sách) ngày càng khang trang

Đảng bộ xã An Lâm (Nam Sách) là một trong 27 đảng bộ cơ sở được chọn làm điểm bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy và là địa phương đầu tiên của tỉnh tiến hành Đại hội Đảng.

Xã An Lâm nằm ở vị trí cửa ngõ của thị trấn Nam Sách, có diện tích tự nhiên hơn 590 ha, dân số trên 6.400 người, phân bố tại 10 thôn. Đảng bộ xã có 272 đảng viên, sinh hoạt tại 14 chi bộ, gồm 10 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ nhà trường và 1 chi bộ dân quân thường trực. Thành công nổi bật của đảng bộ xã trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 là đã tập trung lãnh đạo nhân dân đoàn kết, khắc phục khó khăn phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Các đề án thuộc chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã An Lâm lần thứ 26 đã căn cứ từ tình hình thực tiễn của địa phương, đề ra nhiều giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy lợi thế của xã có 359 ha đất nông nghiệp, An Lâm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích. Xã vận động nông dân thay đổi phương thức gieo cấy, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất lao động. An Lâm tạo điều kiện để các hộ chuyển đổi diện tích bãi trũng cấy lúa bấp bênh sang lập vườn, phát triển mô hình kinh tế VAC.  Đến hết nhiệm kỳ, diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao của xã được mở rộng lên 31% diện tích gieo cấy. Năng suất lúa tăng từ 120 tạ/ha năm 2005 lên 124 tạ/ha năm 2009. Chăn nuôi phát triển. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 56,6 triệu đồng vượt chỉ tiêu đề ra gần 5 triệu đồng/ha.

Vừa quan tâm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã An Lâm vừa coi trọng lãnh đạo nhân dân phát triển tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ. An Lâm có nghề làm bún (thôn Lang Khê) khá nổi tiếng, nghề nặn tò he và một số nghề thủ công mới du nhập như mộc, gò, hàn... Giá trị sản xuất tiểu, thủ công nghiệp của xã bình quân mỗi năm tăng 23,2%, chiếm  39,4% tổng sản phẩm trong xã.

Kinh tế phát triển, An Lâm quy hoạch nông thôn mới đồng bộ và hiện đại, tận dụng nguồn lực từ việc chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, ưu tiên cho các công trình phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm. Đến nay, 100% số đường giao thông thôn xóm ở An Lâm đã được nhựa hóa và bê-tông hóa; trường mầm non, tiểu học và THCS đều đã được xây dựng kiên cố cao tầng; 4 trạm biến thế và lưới điện đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt cho nhân dân. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ bản của xã 5 năm qua là hơn 21 tỷ đồng, trong đó có đóng góp của nhân dân và ngân sách địa phương.

Đảng bộ xã An Lâm cũng luôn quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội và đẩy mạnh hoạt động của các đoàn thể nhân dân. Bài học kinh nghiệm mà An Lâm rút ra từ nhiệm kỳ vừa qua là muốn phát triển trước hết phải dựa vào dân, mà nòng cốt là các đoàn thể quần chúng như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong nhiệm kỳ vừa qua, An Lâm đã có thêm 5 thôn  được công nhận là làng văn hóa, nâng tổng số lên 7 làng văn hóa. Hằng năm, số gia đình được công nhận là gia đình văn hóa luôn chiếm từ 80- 85% số hộ đã đăng ký. Nhiều năm An Lâm giữ vững danh hiệu xã giáo dục tiên tiến, 2 trường tiểu học và THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia; xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác quân sự địa phương được giữ vững, hằng năm xã hoàn thành tốt công tác tuyển quân và huấn luyện dân quân thường trực, 5 năm liền được tặng giấy khen về phong trào thi đua quyết thắng.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ An Lâm chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn... Nhờ chọn thời gian, địa điểm sinh hoạt phù hợp nên tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ cao (từ 80% trở lên); nội dung sinh hoạt tuy ngắn gọn, nhưng thiết thực, các vấn đề được đưa ra thảo luận phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên huy động tốt trí tuệ tập thể  trong việc đóng góp ý kiến cho đường lối lãnh đạo của đảng bộ. Hằng năm có từ  90% số chi bộ trở lên đạt trong sạch, vững mạnh (TSVM); 95% số đảng viên trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ xã 3 năm 2005 - 2007 là đảng bộ TSVM.

Được chọn thí điểm thực hiện chủ trương trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư tại Đại hội Đảng bộ cơ sở, từ cuối năm 2009, các đảng viên trong đảng bộ đã phấn khởi chuẩn bị cho  một đại hội với quyền dân chủ được mở rộng. Ngay tại Đại hội các chi bộ, đảng viên đã sáng suốt lựa chọn những người có năng lực, trách nhiệm với công việc tham gia các Ban Chi ủy. Sau Đại hội Chi bộ, các tiểu ban phục vụ đã tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ xã. Đảng ủy xã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy trên tinh thần dân chủ, theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Đề án nhân sự cho cấp ủy mới được xây dựng theo hướng  mở rộng số lượng cấp ủy viên từ 13 lên 15 đồng chí, trong đó lực lượng trẻ chiếm 29,4% và có 20% là nữ.

Đảng bộ An Lâm tự tin bước vào nhiệm kỳ mới, với quyết tâm lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu mức tăng trưởng GDP hằng năm từ 11-12%; nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 8 triệu đồng/năm 2009 lên 12 triệu đồng/năm vào cuối nhiệm kỳ; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; giữ vững thành tích về công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng bộ TSVM; phấn đấu trong tương lai không xa An Lâm là một trong những xã dẫn đầu huyện Nam Sách về mọi mặt.

THANH MAI