Hải Dương mở rộng quy mô sản xuất cây vụ đông
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:05, 02/02/2010
Nông dân xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc thu hoạch cải bắp. |
Những năm gần đây, diện tích, năng suất và chất lượng cây vụ đông ởtỉnh Hải Dương mỗi năm một tăng. Ở nhiều huyện, thu nhập từ cây vụ đôngđã trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân. Làm thế nào Hải Dươngphát triển cây vụ đông một cách ổn định và vững chắc như vậy?
Chỉ đạo và điều hành đồng bộ
Ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu việc mở rộng và thâm canh cây vụ đông. Với 70 nghìn ha đất canh tác, những năm gần đây, diện tích cây vụ đông ở Hải Dương luôn ở mức hơn 20 nghìn ha. Vụ đông này, cả tỉnh gieo trồng 24.715 ha, chiếm 35,3% diện tích đất canh tác, vượt 105 ha so với kế hoạch và tăng 16% so với vụ đông năm ngoái. Ðể đạt được kết quả này là do cây vụ đông đang hấp dẫn nông dân chuyển dịch cây trồng, chuyển đổi mùa vụ. Các huyện có diện tích gieo trồng cây vụ đông lớn như Gia Lộc, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Nam Sách, Kim Thành... đã tăng cường gieo cấy trà lúa mùa sớm bằng các giống lúa lai ngắn ngày. Vì vậy, đến cuối tháng 9-2009, các vùng trồng cây vụ đông đã thu hoạch xong lúa mùa, làm đất và bắt đầu gieo trồng cây vụ đông. Ðến giữa tháng 10, những lứa rau, củ đầu tiên đã cho thu hoạch, tiêu thụ nhanh và được giá.
Qua nhiều năm sản xuất vụ đông, các huyện đã xác định được các loại rau, màu, củ, quả phù hợp chất đất, điều kiện và tập quán canh tác ở từng xã, các loại cây trồng đã hình thành từng vùng chuyên canh lớn và cũng là thế mạnh của từng huyện trong tỉnh như: vùng hành, tỏi ở Kinh Môn, Nam Sách; vùng rau, củ, quả ở Gia Lộc, Kim Thành; vùng cà-rốt ở Cẩm Giàng... Những vùng chuyên canh từng loại rau, củ, quả đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật của ngành nông nghiệp; phục vụ tưới, tiêu nước của các công ty, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi. Mặt khác, người nông dân có điều kiện để học tập và tích lũy kinh nghiệm trong kỹ thuật canh tác, thâm canh tăng năng suất cây trồng; khối lượng nông sản hàng hóa lớn, tập trung đã tạo điều kiện cho khâu ký kết hợp đồng vận chuyển, bao tiêu sản phẩm.
Huyện Gia Lộc, nơi có tỷ lệ diện tích cây vụ đông lớn nhất trong tỉnh thì việc chỉ đạo, điều hành sản xuất càng giữ vị trí quan trọng. Vụ đông năm nay, các xã trong huyện đã gieo trồng 4.238 ha rau, màu các loại, chiếm tới 65% diện tích đất canh tác. Vụ mùa vừa qua, cả huyện gieo cấy 5.029 ha lúa. Huyện chỉ đạo 100% diện tích lúa mùa là các giống ngắn ngày, gieo cấy trà sớm; trong đó giống lúa chất lượng và lúa lai chiếm 54,3% diện tích. Năng suất lúa mùa trung bình trong huyện đạt 60,5 tạ/ha. Do điều kiện thời tiết vụ mùa tương đối thuận lợi, đến cuối tháng 9, huyện căn bản hoàn thành việc thu hoạch lúa mùa, tiến hành sản xuất vụ đông. Trước khi bước vào sản xuất vụ đông, huyện tổ chức hội nghị triển khai phương án sản xuất, biểu dương các tập thể, các hộ sản xuất giỏi, thu gom, tiêu thụ tốt nông sản của vụ đông năm ngoái, phân công cán bộ kỹ thuật xuống các xã hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho từng loại rau, củ, quả. Phương án sản xuất của huyện là mở rộng diện tích cây vụ đông sớm; mở rộng diện tích các loại cây có giá trị kinh tế cao, bao tiêu sản phẩm thuận lợi và thị trường tiêu thụ ổn định; mở rộng diện tích các loại cây trồng phù hợp đồng đất và tập quán canh tác ở từng xã. Mục tiêu của huyện đề ra là phấn đấu trong vụ đông năm nay, trung bình mỗi ha đạt giá trị thu nhập 65 triệu đồng.
Mở rộng quy mô sản xuất tập trung
Ðể khuyến khích mở rộng sản xuất chuyên canh các loại cây trồng có quy mô lớn, vụ đông này Hải Dương có chính sách hỗ trợ 50% giá giống cho các loại cây gieo trồng tập trung với diện tích từ 10 ha trở lên. Mục đích là tạo ra những vùng chuyên canh có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thuận lợi cho việc thu gom, tiêu thụ sản phẩm và các khâu dịch vụ kỹ thuật trong canh tác, bảo vệ và thu hoạch cây trồng. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cải bắp, súp lơ, cà chua, ớt, dưa hấu, cà-rốt... đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất với quy mô lớn. Ở hai xã Ðức Chính, Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng) những năm trước đây chủ yếu trồng cà-rốt ở vùng đất bãi sông Ðuống có diện tích hơn 300 ha. Từ vụ đông năm 2008 đến nay, do đạt hiệu quả cao, người mua đã trả bảy triệu đồng/sào Bắc Bộ (360 m2), cho nên nhiều hộ đã chở đất phù sa từ bãi sông vào đồng để trồng cà rốt. Vụ đông này, hai xã Ðức Chính, Cẩm Văn mỗi xã đã tăng thêm hơn 100 ha cà-rốt trồng trong đồng mà năng suất cũng không thấp hơn vùng đất bãi là bao. Huyện Gia Lộc cũng hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có quy mô từ 50 ha trở lên, như cải bắp ở các xã Gia Xuyên, Hoàng Diệu, Lê Lợi; vùng su hào ở các xã Phạm Chấn, Ðoàn Thượng, Ðồng Quang; bí xanh ở xã Quang Minh; ngô giống ở các xã Ðoàn Thượng, Lê Lợi...
Có thể nhận định rằng, với 35% diện tích canh tác đưa vào sản xuất rau, màu vụ đông như ở Hải Dương là tỷ lệ khá cao, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn thuận lợi và giá trị lợi nhuận thu được trên cây vụ đông vẫn cao hơn nhiều so với cây lúa. Theo nhận định của lãnh đạo huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, năm nay giá rau, màu, củ, quả cây trồng vụ đông không cao nhưng tiêu thụ tốt và mức giá tương đối ổn định. Lợi nhuận các loại cây trồng vụ đông khác nhau, nhưng tính bình quân, mỗi ha vẫn có thể thu lãi 15-20 triệu đồng.
Theo đồng chí Nguyễn Quang Ðồng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương thì thị trường tiêu thụ sản phẩm rau vụ đông rất lớn, nhất là các tỉnh miền trung và Nam Bộ. Nếu chỉ đạo, điều hành tốt sản xuất, nâng cấp được hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tổ chức tốt việc thu gom, vận chuyển và bao tiêu sản phẩm, chắc chắn còn có thể mở rộng diện tích, nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả từ vụ đông còn cao hơn nhiều.
(Theo Nhân dân)