Những mốc son trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 05:00, 03/02/2010
- Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới.
- Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Hội nghị đã quyết định hợp nhất 3 tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản.
- Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3-2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
- Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp và phát-xít Nhật, xóa bỏ chế độ thực dân và phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
- Những năm 1945-1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề, chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc: xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; bầu cử Quốc hội (6-1-1946); xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (9-11-1946). Tháng 12-1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.
- Ngày 7-5-1954, thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.
Ảnh minh họa: internet |
- Từ 1975 đến 1986, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đảng ta đã tổng kết sáng kiến từ thực tiễn của nhân dân, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, thể hiện qua các mốc sau: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Khóa IV (tháng 8-1979); Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp; Quyết định 25/CP ngày 21-1-1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa V (tháng 6-1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa; Kết luận của Bộ Chính trị (tháng 9-1986) về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới. Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Từ 1986 đến nay, trước bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua hơn hai mươi năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
* Những bài học kinh nghiệm
Một là: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, nòng cốt là liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Ba là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam đối với Nhà nước và hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước cách mạng thật sự của dân, do dân, vì dân.
Bốn là: Nêu cao chủ nghĩa quốc tế trong sáng, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Năm là: Chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.