Công nhân lo Tết
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:01, 10/02/2010
Cuộc sống của công nhân ngày thường vốn đã vất vả nhưng những ngày Tết còn cộng thêm nhiều nỗi lo, đặc biệt đối với những người xa quê cả năm đi làm ăn mong muốn biếu gia đình gói quà Tết hay một khoản tiền nhỏ nhưng không phải ai cũng làm được.
Công nhân trọ ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) chuẩn bị đồ đạc về quê ăn Tết |
Công nhân nào cũng vậy, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền nên việc sắm Tết là điều ít người dám mơ tới. Ngô Thị Nhung, quê ở Thanh Hóa, mới vào làm công nhân ở khu công nghiệp Tân Trường nửa năm nay. Nhung cho biết: “Em không thi đỗ đại học nên theo các chị cùng quê ra đây làm việc, lần đầu tiên đi làm xa, em cũng có ý định tiết kiệm tiền từ mấy tháng trước để đến Tết thì sắm đồ và mua quà về biếu gia đình nhưng giáp Tết rồi nghe chừng…”. Câu nói bỏ lửng cùng cái thở dài của cô bé 19 tuổi cũng là nỗi lo chung của nhiều công nhân khi ngày Tết đã cận kề. Số tiền thưởng Tết của Nhung còn ít hơn những công nhân khác. Nhung nhẩm tính: “Em mới vào làm việc được 6 tháng nên mức thưởng chỉ được khoảng 500 nghìn đồng, trừ vài ngày nghỉ nên chỉ còn khoảng 300 nghìn đồng, cộng với lương tháng 1, trừ chi phí sinh hoạt may ra em còn được 1 triệu đồng cho cái Tết năm nay”. Tết này, Nhung đã định sẵn sẽ mua một ít bánh đậu xanh làm quà, số tiền còn lại cũng chỉ đủ phòng thân khi đi cả một chặng đường dài về quê ăn Tết.
Rời khu nhà trọ ở thôn Phú Xá, chúng tôi tới khu nhà trọ ở thôn Tràng Kỹ cũng thuộc xã Tân Trường. Khu nhà trọ có 30 phòng trọ san sát nhau. Cô Nguyễn Thị Chiên, chủ nhà trọ cho biết: “Ở đây có khoảng 100 công nhân đang thuê, hầu hết các phòng đều có 2- 3 người ở, có phòng tới 5 người ở để tiết kiệm tiền”. Cô cho biết thêm: “Cuộc sống của công nhân ở đây quá kham khổ, họ rất tiết kiệm trong sinh hoạt, bữa cơm chủ yếu có đậu và rau, không bao giờ họ mua những thứ như bánh trái, hoa quả ”. Trong khu trọ, có duy nhất một gia đình công nhân, đó là gia đình anh Hoàng Văn Việt. Hai vợ chồng đều làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Trường và đang nuôi con nhỏ. Nếu công việc ổn định, thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng cộng lại cũng được gần 4 triệu đồng nhưng có tháng chỉ được khoảng 3 triệu đồng. Lương đã bấp bênh nhưng tháng nào cũng có hàng trăm thứ phải chi tiêu nên cuộc sống gia đình anh thường xuyên gặp khó khăn. Trong "tổ ấm" rộng 12m2, mọi đồ dùng sinh hoạt cũng đơn giản tối đa, chiếc giường đã chiếm gần nửa căn phòng, còn lại một góc dành cho bếp, góc nhỏ để đồ dùng gia đình. Riêng việc nuôi con nhỏ đã tiêu tốn gần nửa tháng lương của hai vợ chồng nên thu nhập tháng nào hết tháng đó, không hề có khoản tiết kiệm nào. Tết đang cận kề, hai vợ chồng chuẩn bị về quê, dự kiến chỉ mua chút quà đơn giản về biếu Tết ông bà nội ngoại, còn mọi thứ khác về quê sẽ sắm dần. Anh chị Việt cho biết: “Về quê ăn Tết cùng bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn là khi hai vợ chồng ở riêng, Tết ở quê đơn giản nên bố mẹ cũng lo đầy đủ cả”.
Cuộc sống của công nhân ngày thường vốn đã vất vả nhưng những ngày Tết còn cộng thêm nhiều nỗi lo, đặc biệt đối với những người xa quê cả năm đi làm ăn mong muốn biếu gia đình gói quà Tết hay một khoản tiền nhỏ nhưng không phải ai cũng làm được. Năm nào cũng vậy, nỗi lo của họ cứ quẩn quanh mà không tìm ra lối thoát, bởi với đồng lương ít ỏi đó cộng thêm gánh nặng của cuộc sống gia đình nơi quê xa thì Tết đối với họ cũng chỉ “đơn giản” như ngày thường. Hy vọng khi trở về với gia đình, hưởng niềm vui sum vầy cùng không khí Tết nơi quê nhà sẽ bù đắp những thiếu thốn mà cả năm họ phải gánh chịu.
MINH HẠNH