Nét đẹp Tết thầy
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:12, 10/02/2010
Việt Nam là nước trọng lễ nghĩa, phong tục. Từ bao đời nay, ngày Tết trước hết phải nhớ đến ông bà, cha mẹ, liền sau đó là nhớ đến thầy. Vì thế mà có câu: "Mồng một là Tết nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy".
Dù thời đi học đã xa, dù ngày nay chỉ là bác nông dân chân lấm tay bùn hay "ông nọ, bà kia", dù vẫn ở giữa làng quê hay đã muôn dặm hải hồ..., những người học trò chân chính đều thấy có nghĩa vụ phải đi chúc Tết thầy.
Ngày trước, đi Tết thầy, nếu còn nhỏ thì có cha mẹ đi cùng, nếu đã trưởng thành thì đi một mình hoặc với đồng môn, tức là bạn học. Đến nhà thầy phải khăn áo chỉnh tề, nói năng nghiêm trang, lễ phép. Thầy sai đi đun nước, pha trà thì trò coi đó là một vinh dự, một phần thưởng vì vẫn được thầy coi mình là học trò cũ như ngày nào... Càng có học vị, có quyền cao chức trọng, người học trò càng phải khiêm nhường, lễ phép. Có ông quan làm đến thượng thư, tể tướng, râu tóc hoa râm, nhưng đi Tết thầy thường bỏ cáng võng ở đầu làng mà đi bộ vào nhà thầy. Thầy râu tóc như bông cước ra tận cửa đón trò, đầy hỉ hả... Có những người thầy buồn bã vì anh học trò hư hỏng, thiếu nhân cách, bất hiếu, bất trung; thầy không nhận đó là học trò của mình nữa và dù có Tết thầy bao nhiêu thì thầy cũng quay mặt đi, từ chối.
Tết thầy trở thành nếp sống đẹp. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức, từ học trò đến cha mẹ học trò. Người xưa nói "Lễ bạc tâm thành" là thế. Không cần vàng bạc châu báu, chỉ cần lòng chân thành, nhất là nhân cách của một con người sống trong trời đất (nói như Nguyễn Công Trứ).
Gần đây, trong xã hội ta có nhiều giá trị văn hóa, tinh thần bị đảo lộn, trong đó có tình thầy trò thiêng liêng. Tết đến, người ta lo "trả nợ" nhau là chính, nhất là trả ơn riêng với người nâng đỡ mình, bằng nhiều cách. Không ít người sao lãng tình thầy trò.
Nhắc lại tục Tết thầy, một thuần phong mỹ tục của dân tộc, có lẽ không phải là vô ích.
TRẦN THÔNG