Không hái lộc đầu xuân bằng hình thức bẻ, phá cây xanh

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:13, 10/02/2010

Trong niềm vui đón mừng năm mới, mọi người càng phải giữ gìnnhững nét đẹp văn hóa truyền thống và quan tâm tới việc bảo vệ môitrường, tuyệt đối không hái lộc bằng hình thức bẻ, hoặc chặt phá câyxanh.


Ảnh minh họa: internet
Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết có từ xa xưa ở nước ta. Hiểu theo đúng nghĩa, "lộc" là một chồi cây mới nhú ra từ thân cây, "lộc" còn có thể hiểu là bổng lộc. Vì vậy trong ngày đầu xuân, người dân thường đến đình, chùa, tới các cây cổ thụ hái 1 nhánh non đem về đặt trên bàn thờ để hy vọng mang nhiều điều tốt lành về cho gia đình.

Tuy nhiên, hiện có tình trạng đua nhau hái lộc mà thực chất là bẻ cây mang về nhà. Nhiều người cứ nghĩ bẻ được nhiều loại lộc, được cành to, đẹp thì năm tới bản thân và gia đình có nhiều lộc. Thậm chí, việc hái lộc đầu xuân đã trở thành hành vi tàn phá môi trường. Hậu quả là sau đêm giao thừa có nhiều cây bị bẻ, bị chặt trở nên tàn tạ, nhiều cây non chết, cây còn sống thì cả năm sau cũng không mọc lại được. Nhiều nơi, nhất là ở đình, chùa, miếu mạo, nhà văn hóa... đã ra sức tuyên truyền trước Tết, trong đêm giao thừa đã cử lực lượng bảo vệ các cây quý, cây thấp, cây non mới trồng. Nhưng do tâm lý đầu năm không muốn nhắc nhở và bị nhắc nhở, cộng với các mối quan hệ quen thân ràng buộc thành ra nể nang, ngại va chạm.

Ngày xuân, trong niềm vui đón mừng năm mới, mọi người càng phải giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống và quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, tuyệt đối không hái lộc bằng hình thức bẻ, hoặc chặt phá cây xanh.

T.G - BÙI VĂN MẠNH