Đảng bộ phường Ngọc Châu: 60 năm xây dựng và trưởng thành

Tin tức - Ngày đăng : 07:16, 26/02/2010

60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng bộ phường Ngọc Châu lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.


Cầu Phú Lương (cũ) ghi lại nhiều chiến công của Đảng bộ và nhân dân Ngọc Châu trong các cuộc kháng chiến. Ảnh: Anh Tuấn
Nguyên là một xã thuộc huyện Nam Sách, đến đầu năm 1950, Ngọc Châu có chính quyền cách mạng. Xã được thành lập với 3 thôn: Ngọc Uyên, Nhị Châu và Kim Lai, song chưa có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo. Để đáp ứng cho hoạt động cách mạng, tỉnh đã cắt chuyển xã Ngọc Châu về trực thuộc thị xã Hải Dương. Thường vụ Thị ủy đã thành lập chi bộ đầu tiên ở Nhị Châu ngày 1-3-1950. Chi bộ có 2 đảng viên chính thức. Tiếp đó, ngày 1-4-1950, Thị ủy Hải Dương đã quyết định thành lập Chi bộ Ngọc Uyên gồm 3 đảng viên. Đến 10-1951, Thị ủy Hải Dương đã quyết định hợp nhất 2 chi bộ thành chi bộ Ngọc Châu.

Ngọc Châu là địa bàn trọng điểm nên giặc chiếm đóng ngay từ những ngày đầu kháng chiến, đồn bốt giặc dày đặc ở đầu cầu Phú Lương và cả 3 thôn Ngọc Uyên, Nhị Châu và Kim Lai, xung quanh đồn bốt là vành đai trắng. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Ngọc Châu vẫn gan góc bám trụ, chống càn nuôi giấu cán bộ, bộ đội, vận chuyển vũ khí, đạn dược qua sông. Hàng trăm thanh niên trong xã hăng hái tình nguyện tòng quân đánh giặc. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), 2 trung đội dân quân ở Ngọc Châu đã tham gia cùng bộ đội chủ lực tấn công bốt đầu cầu Phú Lương và tham gia cùng các đơn vị bạn chặn đánh các đoàn tàu địch vận chuyển trên sông. Nhân dân trong xã bí mật đóng góp lương thực cho kháng chiến, dân quân du kích hoạt động ngày đêm diệt ác, phá tề, biến chính quyền địch thành chính quyền hoạt động cho ta; phối hợp cùng bộ đội chiến đấu 13 trận, diệt hơn 100 tên địch, gọi hàng 16 lính Âu Phi và 6.000 lính ngụy...

Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, vì có cầu Phú Lương và quốc lộ 5, Ngọc Châu trở thành tuyến đầu của tỉnh chống trả máy bay địch. Địch đã đánh vào cầu Phú Lương và Ngọc Châu 168 trận (có trận tới 50 máy bay), ném xuống vùng đất này 700 quả bom phá, hơn 3 vạn trái bom bi, gần 6.000 quả tên lửa và rốc két, bình quân mỗi người dân phải hứng chịu 15 quả bom các loại. Sau mỗi trận đánh là nhà sập, nhà cháy, cây cối đổ nát hoang tàn. Trong bom đạn ác liệt, quân và dân Ngọc Châu vẫn chiến đấu kiên cường. Hai đại đội dân quân trực chiến tại 6 ụ súng 14,5ly, trung liên, súng trường ngày đêm canh giữ bầu trời, cùng bộ đội cao xạ và tên lửa đánh trả kịp thời các trận tập kích của địch.

Với sự hiệp đồng chặt chẽ trong chiến đấu, quân và dân Ngọc Châu đã góp phần vào thành tích của bộ đội trên địa bàn bắn rơi 14 máy bay địch trên bầu trời cầu Phú Lương. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, quân và dân Ngọc Châu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, hạng Ba.

Trong kháng chiến, bà con Kim Lai và HTX thuyền buồm đã tham gia 12 chiến dịch vận chuyển hàng vạn tấn hàng quân sự vào khu 4 và miền Nam. Vừa chiến đấu, Đảng bộ Ngọc Châu chỉ đạo bà con sản xuất tốt, chi viện sức người sức của cho các chiến trường, đã giao nộp cho nhà nước 6.000 tấn lương thực, gần 1.000 tấn thực phẩm. Số dân thường xuyên chưa đến 3.000 người, nhưng có tới 600 thanh niên lên đường tòng quân, trong đó 162 người đã hy sinh, 102 thương binh và 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngọc Châu luôn là đơn vị dẫn đầu công tác tuyển quân của thị xã Hải Dương những năm 1970- 1975.

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Ngọc Châu luôn vững vàng, kiên trì vận dụng  các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự nghiệp đổi mới đi vào đời sống của mỗi chi bộ, đảng viên và nhân dân trong phường. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng và nhanh. Tốc độ phát triển kinh tế (GDP) các năm 2004-2009 bình quân tăng 13%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2005-2010. Thu nhập bình quân một người năm 2009 đạt 11 triệu đồng. 5 năm qua, kinh tế của phường có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo xu hướng đó. Trong 5 năm qua, tổng đầu tư vào các công trình phúc lợi công cộng lên tới trên 16 tỷ đồng. Phường đã có 4 trường học đạt chuẩn quốc gia, hằng năm các trường đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong công tác xây dựng Đảng, sau 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đến cuối năm 2009, Đảng bộ phường Ngọc Châu có 889 đảng viên, sinh hoạt ở 32 chi bộ, số dân trên 20 nghìn người với 21 khu dân cư. Đảng bộ nhiều năm liền được công nhận trong sạch, vững mạnh. Trong quá khứ, lực lượng vũ trang phường Ngọc Châu đã anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tập trung sản xuất, quên mình cho chiến trường. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Ngọc Châu đã xây dựng phường vững mạnh toàn diện, vì vậy năm 1997 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Do sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của đảng bộ phường và phù hợp quá trình phát triển của đô thị mới, ngày 23-9-2009, Chính phủ đã có nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường, thành lập phường Nhị Châu trên cơ sở điều chỉnh 318 ha diện tích tự nhiên và 6.824 nhân khẩu của phường Ngọc Châu, thực hiện từ 1-1-2010. Như vậy, đến nay, phường Ngọc Châu còn 316 ha diện tích tự nhiên và 12.652 nhân khẩu. Đảng bộ phường hiện có 629 đảng viên, sinh hoạt ở 25 chi bộ, trong đó có 15 chi bộ dân cư và 10 chi bộ khối cơ quan, trường họcn

LÊ VĂN TẢO
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ngọc Châu