Ngày của đàn bà
Truyện ngắn - Ngày đăng : 06:06, 06/03/2010
Minh họa: Phùng Anh Bản |
Hôm nay mồng tám tháng ba
Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi
Tôi phần bà một đĩa xôi
Sợ bà xấu bụng, tôi xơi hộ bà
Bà Hạnh nằm trong giường thở dài thườn thượt, quay mặt vào tường, khẽ kéo chăn lau nước mắt. Bà hay tủi thân lắm, mà cứ tủi thân là bà lại khóc. Cũng là phụ nữ sao người ta sướng thế mà cái thân bà lại khốn nạn thế này không biết nữa. Người ta thì được chồng mua cho cái này cái nọ, ừ thì không phải lúc nào cũng được chiều chuộng nhưng ít nhất một năm cũng được một lần. Xã hội bây giờ cũng phát triển nhiều rồi, sinh ra các hội, các ngành để chị em phụ nữ ở nông thôn cả tháng bận tối tăm mặt mũi cũng có một ngày thơm tho quần áo, gọn gàng tóc tai đến mà ngồi mà nghe người ta phổ biến những điều hay lẽ phải, rồi còn bao nhiêu sự tiến bộ mang lại lợi ích cho người phụ nữ nữa chứ. Phụ nữ có hội, chị em phổ biến với nhau rằng có ngày "mồng tám tháng ba", đàn ông cũng có đủ các ngành hội họp thế sao các bố không biết bảo nhau rằng hôm nay là ngày của chị em phụ nữ. Hay là nhà người ta chồng cũng vào bếp nấu cơm, thậm chí còn chợ búa từ sáng sớm. Trưa về thì giặt giũ, lợn gà để chị em có một ngày thảnh thơi không ngồi lê hút thuốc lào như các bố thì cũng rảnh chân xem bộ phim chiếu vào cái giờ mà hằng ngày vẫn cắm mặt xuống đồng. Chỉ có cái ông nhà này là thế thôi, rượu chè suốt ngày, cứ hở con trâu, cái cuốc ra là lại rượu. Bà Hạnh càng nghĩ càng tủi thân, nước mắt cứ tự nó chảy ra không kìm lại được. Già rồi mà vẫn mau nước mắt.
Ông Hân đã mò mẫm vào đến nhà, vứt cái áo hôi như tổ cú xuống ghế, ông bật điện bắn một hơi thuốc lào nghêu ngao hát một lúc nữa rồi mới xuống bếp lục nồi. Ông chẳng mảy may ngó ngàng gì đến bà cả, đối với ông một năm có một ngày đi chăng nữa hay mười năm mới có một ngày thì cũng đến thế mà thôi. Ông chẳng nhớ gì hết dù vừa chiều nay hội “bù khú” của ông đã được một trận cười xung quanh “Ngày của các bà”.
* * *
Cuộc rượu chiều nay như đã hẹn ở nhà ông Hưng cuối xóm, tụ tập ở đấy cho đỡ bị các bà làm phiền, các bà có việc gì cũng ngại xa chẳng muốn đi gọi nữa. Ông Hân vừa xách chai rượu đến thì đã thấy các chiến hữu dọn mâm đâu vào đấy cả rồi. Một đĩa cua rang vàng ngậy chắc là chiến lợi phẩm buổi chiều đi thăm đồng của bố nào đấy, một bát canh cá nấu chua, một đĩa lòng xào. Chưa kể các món phụ, đúng là toàn món khoái khẩu cả, chả trách gì vợ ông Hưng được coi là đảm đang nhất xóm. Mâm đã tươm tất nhưng người thì vẫn thiếu, điểm đi điểm lại vẫn thiếu ông Thà, hỏi nhau lý do có bố thì bảo:
- Thằng cha này có khi hôm nay đi họp cựu chiến binh, lâu rồi chưa họp còn gì nữa. Có khi được chén thịt chó rồi cũng nên. Tao vừa đi thăm đồng thấy mấy thằng thanh niên đi xin rơm chở ra nhà văn hoá.
- Xin rơm cho đám cưới. Cái ông này chả biết gì lại còn bàn, tôi quả quyết là hôm nay không họp cựu chiến binh. Thằng cha này có khi sáng đi ăn cỗ đám cưới về say rượu ngủ quên mất cuộc “Hội nghị Diên Hồng” của chúng ta rồi cũng nên. Đề nghị chúng ta cứ vào mâm, ông này lúc nào đến kiểm điểm sau.
Nói là nói thế nhưng mọi người vẫn không ai thoả mãn được lý do mà ông bạn rượu của mình vắng mặt. Bình thường thì thằng cha này vẫn đến sớm nhất, đôi khi còn tham gia tay thớt tay dao với gia chủ rất nhiệt tình. Cả bọn đã định nâng cốc lên nhưng bụng dạ cứ bồn chồn mãi không yên nên ông Hưng chủ nhà quyết định ra "thánh chỉ":
- Thằng Mạnh đâu ra đây bố bảo.
Thằng bé đang nghịch ngợm lem luốc ngoài vườn vội chạy vào:
- Muối mắm hay rau sống hả bố?
- Không! Có việc đặc biệt quan trọng cho mày đây. Đạp xe sang ngay nhà bác Thà xem bác ấy đi đâu hay làm gì mà vẫn chưa đến.
- Úi giời! Con chạy ù cái là đến việc gì phải đạp xe cho mệt.
Thằng bé nói xong co cẳng chạy ra đến sân thì lại bị gọi:
- Này, nếu thấy bác ấy ở nhà thì nhớ nháy mắt khéo. Đừng để bác gái biết là chết đấy. Nhanh rồi về đây tao thưởng.
Thằng bé vâng dạ qua loa rồi chạy đi. Ông Hân vừa gắp con cua vàng xuộm bỏ vào mồm vừa tấm tắc khen:
- Cái nhà ông này được cả vợ, cả con ngoan. Nhất ông, chả ai bằng được.
Ông Hưng gật gù:
- Tôi thấy cánh đàn ông bọn mình khổ nhất là vợ con không biết nghe lời. Lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ thì khổ lắm. Nhà của mình thật đấy, làm cả ngày lo cho gia đình nhưng có khi cả ngày chả muốn bước chân về.
Ông Quyết râu xồm bây giờ mới chịu lên tiếng:
- Thế theo các vị thì vì sao mà vợ con chúng ta không ngoan ngoãn nhỉ, mình cứ nói một là nó cãi hai mà có khi mình chưa nói được câu nào nó đã sỗ sàng đốp vào mặt rồi?
Không ai bảo ai các ông đều lắc đầu bảo: “Chịu”.
Cuộc chuyện trò đang đến kỳ rôm rả thì thằng bé Mạnh con ông Hưng đã chạy về. Nó ghé sát vào tai bố bảo:
- Lạ lắm bố ạ.
- Làm sao?
- Ý con bảo là bác Thà hôm nay lạ lắm.
Ông Hưng sốt ruột quăng đũa xuống mâm quát con:
- Tao bảo lạ là lạ làm sao? Mày học đâu ra cái thói đàn bà ăn nói dấm dẳng khó chịu thế hả con?
Thằng bé đứng thẳng người, hít một hơi dài nó nói một mạch:
- Con chạy sang đấy, thấy bác gái đang ngồi trong nhà xem phim, con giả vờ vào xin lá trầu cho bà rồi hỏi bác trai đâu…
- Thằng này giỏi, thế bác gái bảo thế nào con?
- Bác gái chỉ con xuống bếp, con chạy xuống đang thấy bác trai vừa nấu cơm vừa băm rau lợn.
Cả bấy nhiêu cái mồm nhìn nhau há hốc, ông Hưng bảo:
- Quái lạ cái ông này mọi ngày có bao giờ làm thế đâu. Công việc ấy là của bác gái chứ nhỉ. Hay là… Hay là…
Ông Hân sốt ruột hỏi:
- Hay là làm sao?
- Hay là bố này đi ăn vụng bị bắt quả tang?
- Vớ vẩn, thằng cha này hơi bị chung thuỷ đấy. Nói phải tội chết, mà đến tai bác gái lại rách chuyện.
Cả bọn ngồi thừ mặt. Như sực nhớ ra ông Hưng lại giục con:
- Rồi thế nào nữa, kể tiếp đi con.
- Con mới ghé tai nói thầm với bác ấy rằng bố và các chú đang đợi bên nhà mình nhưng bố biết không…
Cả mâm lại nhao nhao:
- Sao?
- Bác ấy lắc đầu bảo con về đi, hôm nay bác ấy không sang được.
Thế là từ đấy chủ đề của cuộc rượu cuối tuần chỉ xoay quanh kẻ vắng mặt một cách đáng ngờ. Tranh cãi mãi, đoán già đoán non mãi vẫn không ai nghĩ ra vì sao ông bợm rượu lại từ chối món cua vàng xuộm, giòn tan, món lòng xào dưa vốn là khoái khẩu để ở nhà làm một việc mà theo cả bọn là “dớ dẩn”.
Cuối cùng cả đám bợm rượu đã ra một cuộc thách đố, cá cược như sau:
- Đố ông nào biết được vì sao ông Thà lại tự nhiên ở nhà "bám váy vợ" mà bỏ anh em chúng ta như thế. Ai trả lời được có quyền yêu cầu bất cứ cái gì trong giới hạn cho phép - Ông Hưng chủ nhà dõng dạc tuyên bố.
Thế là 1001 câu trả lời, 1001 sự nghi vấn và ngờ vực. Cứ mỗi ông lên tiếng là mỗi cốc rượu được nâng lên. Thằng cu Mạnh ngồi chầu chực bên cạnh từ nãy đến giờ mà chẳng được cái gì cả. Nó ngóng dài cổ ra phía cổng, bóng tối đã đổ buồn cái dốc ngoằn ngoèo, vài con dơi đã đập cánh đi ăn đêm. Con cộc nằm im ỉm thi thoảng lại ngỏng cổ lên đớp muỗi. Bà Hà ngồi trong buồng bóc nốt chỗ lạc còn thừa, vụ vừa rồi không trồng đến mà ngao ngán. Bà muốn ra dẹp ngay cái mâm rượu chè be bét ấy đi, bà sốt ruột thế nào thì các bà vợ khác cũng thế. Tuần nào cũng tụ tập, đã phải hầu các ông ấy mà cứ ra chợ gặp các bà là lại bị các bà mắng cái tội chứa chấp chồng các bà để các ông ấy bỏ bê việc nhà, chồng con đi đến đêm chả buồn về, mà cứ về là nồng nặc mùi rượu. Có ông đổ đốn về còn đánh vợ, đánh con thâm tím mặt mày. Cùng là phận đàn bà làm sao không thương cho được.
Bà càng sốt ruột bao nhiêu thì các ông ấy càng khề khà bấy nhiêu, chỉ có mỗi cái chuyện ông Thà ở nhà một hôm mà cũng làm như "đại sự quốc gia" không bằng. Bà đi lại loanh quanh trong buồng thương đứa con đói mềm ruột mà chưa được ăn cơm, có bao nhiêu thứ đã bày ra đấy cả rồi. Định nháy con xuống bếp xem có gì thì ăn tạm đi không đói nhưng tính thằng bé vốn sợ bố nhất là khi bố nó đã ngà ngà say.
Mâm rượu đã không còn gì nhưng các ông tướng vẫn ngồi con cà con kê. Câu chuyện vẫn không có gì ngoài việc vì sao ông Thà hôm nay lại ở nhà băm rau lợn mà quên mất cuộc rượu quý báu này. Mỗi người một ý kiến, vẫn không ai chịu ai. Thằng Mạnh ngồi ngoài mâm thấy vậy, nó nghĩ không biết đến bao giờ mới tan cuộc để mẹ con nó còn ăn cơm. Đúng lúc ấy thì ông Hân giục:
- Cái thằng cu con này, thế mày có biết hôm nay là cái ngày gì không?
Chỉ chờ có thế thằng bé đứng phắt dậy trả lời:
- Hôm nay là "ngày mồng tám tháng ba", Ngày Quốc tế phụ nữ ạ.
Cả mâm rượu “ồ” lên:
- Hoá ra là thế, cái thằng này giỏi thật.
- Thế mà chúng tao lại không biết chứ. Hoá ra là cái ông này hôm nay đảm đang tặng vợ đây mà. Ừ! Thế là chúng mình thua lão ta hết.
* * *
Cuộc rượu phải một lúc sau mới kết thúc nhưng nó chưa thực sự kết thúc đối với ông Hân vì trong đầu ông vẫn còn ong ong toàn rượu. Dù đã về lục nồi cho đỡ xót ruột nhưng vẫn cồn cào lắm. Tình trạng như thế này thì ông chưa thể đi ngủ được, ông phải ra ngoài hiên ngồi một lúc cho dã rượu đã, chứ cứ vác cái xác nồng nặc rượu vào giường thể nào bà cũng lẩm bẩm cho mà xem. Nghĩ đến bà tự nhiên ông lại nghĩ đến câu chuyện trong bữa rượu chiều nay, ông lại chợt nhớ ra hôm nay là ngày của chị em phụ nữ, thế mà từ sáng đến giờ thấy vợ ông vẫn đầu tắt mặt tối chẳng được nghỉ ngơi, mà cả ngày hôm nay ông thấy mình chẳng nhớ gì đến bà cả, dù đơn giản chỉ là nhớ đến thôi.
Đã gần cuối xuân rồi mà tiết trời vẫn lạnh, hơi lạnh phả vào mặt khiến ông tỉnh táo hơn nhiều. Ông thở dài lững thững đi vào buồng. Qua ánh sáng lờ mờ của bóng đèn ngủ ông thấy bà nằm quay mặt vào tường. Ông lẩm bẩm “Ngủ cứ nằm co như con tôm, hỏi làm sao mà không khổ”. Ông nhẹ nhàng buông màn rồi nằm ghé bên bà. Từ ngày các con lớn rồi lần lượt đi xa ông cũng ít gần gũi tâm sự với bà hơn, nghe hơi thở đều đều, ngửi mùi mồ hôi quen thuộc bao nhiêu năm trời đầu ấp tay gối ông bỗng trách bản thân nhiều lắm, chả hiểu sao ông lại đi đàn đúm rượu chè với mấy đứa chỉ hơn thằng cả nhà ông vài tuổi. Để một mình bà ở nhà lùi lũi sớm khuya, ông Hân khẽ trở mình, đặt tay lên mái tóc của bà rồi chìm dần vào giấc ngủ. Có một tiếng thở dài nén nhẹ giữa đêm khuya…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG