Tăng cường kiểm soát giá một số mặt hàng thiết yếu
Thị trường - Ngày đăng : 06:09, 11/03/2010
Đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có thể có hiện tượng đầu cơ, tranh thủ tâm lý người tiêu dùng để tăng giá bất hợp lý đối với một số nhóm hàng hóa, nhất là hàng vật tư xây dựng thiết yếu.
Giá sắt xây dựng đã tăng khoảng 1.500 đồng/kg so với trước Tết. Ảnh: Thành Chung |
Trên địa bàn tỉnh, do ảnh hưởng từ biến động giá các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2010 đã tăng 3,17%. Theo dự báo, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 tăng (so với tháng 2) khoảng 1,2 - 1,5% do tác động từ việc tăng giá điện, giá xăng và một số nhóm hàng hóa nhập khẩu khác. Vì vậy, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm 2010 nhiều khả năng sẽ dao động 3,8-4,2%. Đây là con số đáng quan tâm, vì nó sẽ tác động đáng kể đến mức độ tăng của chỉ số giá cả năm.
Trong 2 tháng đầu năm, bên cạnh nguyên nhân tăng giá do tính chất tiêu dùng tập trung dịp Tết cổ truyền của dân tộc; còn một số nhóm hàng hóa khác có mức giá tăng khá cao; trong đó tiềm ẩn dấu hiệu đầu cơ, lợi dụng tính thời vụ để tăng giá bán. Nổi bật là nhóm hàng sắt xây dựng và xi-măng. Trong đó, giá sắt xây dựng đã tăng khoảng 10-12%; giá xi-măng tăng khoảng 5-6% so với trước Tết. Trong ngày 8-3, giá sắt xây dựng dao động trong khoảng 13.300 - 13.400 đồng/kg (so với trước Tết là khoảng 11.900 đồng/kg) và giá xi-măng Hoàng Thạch dao động 1.000 - 1.010 đồng/kg (so với trước tết là 960 đồng/kg). Giải thích cho sự tăng giá của nhóm hàng này; nhiều cửa hàng bán xi-măng, sắt xây dựng cho là do tăng giá điện, giá than, giá xăng và quyết định điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, sự biện minh đó đều không xuất phát từ lý do chính đáng. Cụ thể:
Thứ nhất, giá than chỉ tăng đối với khối lượng than bán cho sản xuất điện nhằm mục tiêu tiệm cận giá than bán cho sản xuất điện với giá than trên thị trường. Qua đó, giá điện có tăng nhưng chỉ tăng kể từ ngày 1-3-2010. Như vậy, việc tăng giá than, giá điện chưa thể có tác động đến sản phẩm sắt xây dựng và sản phẩm xi-măng ngay từ dịp cuối tháng 2-2010.
Thứ hai, việc điều chỉnh giá xăng tăng thêm 590 đồng/lít kể từ ngày 21-2-2010 có những tác động nhất định đến chi phí vận chuyển hàng hóa nói chung. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng xi-măng, sắt xây dựng chủ yếu do xe chuyên dùng sử dụng nhiên liệu dầu đi-ê-den. Mà giá dầu đi-ê-den luôn được giữ ổn định từ trước, trong và sau Tết; chưa kể việc tính từ ngày 3-3-2010 giá dầu đi-ê-den đã giảm 300 đồng/lít. Như vậy, việc giải thích tăng giá hàng hóa do tăng chi phí vận chuyển nhóm hàng xi-măng và sắt xây dựng là chưa thỏa đáng.Thứ ba, quyết định điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD của Ngân hàng Nhà nước có ảnh hưởng đáng kể đến hàng hóa nhập khẩu nói chung, trong đó có hàng phôi thép nói riêng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá đó chỉ được áp dụng kể từ ngày 11-2-2010. Như vậy, nhóm hàng bị tác động tăng giá do điều chỉnh tỷ giá cần phải có "độ trễ" nhất định mới ra được thị trường nội địa...
Tóm lại, có nhiều dấu hiệu cho thấy có thể có hiện tượng đầu cơ, tranh thủ tâm lý người tiêu dùng để tăng giá bất hợp lý đối với một số nhóm hàng hóa, nhất là hàng vật tư xây dựng thiết yếu trong dịp đầu năm 2010.
Để góp phần kiểm soát lạm phát tại Việt Nam trong năm 2010, bên cạnh thực thi tốt chính sách tài chính - tiền tệ, kiểm soát nhập siêu trên phạm vi toàn quốc, ở phạm vi cấp tỉnh cần phải triển khai các giải pháp trọng tâm như:
Tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đầu tư của Nhà nước, nhằm nâng cao năng lực sản xuất của toàn xã hội, giảm giá thành sản phẩm. Qua đó, tăng nguồn cung hàng hóa trên thị trường, thỏa mãn nhu cầu cho tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.
Tăng cường công tác thông tin, dự báo biến động của thị trường. Trong đó, cần bám sát, cập nhật và đưa ra các cảnh báo cần thiết về các biến động khách quan của thị trường trong nước và quốc tế thông qua việc xây dựng hệ thống số liệu và dữ liệu thông tin chuyên ngành trực tiếp phục vụ cho các hoạt động dự báo, điều hành kinh tế ở các cấp. Khắc phục tình trạng các thông tin kinh tế thường bị phân tán, chia cắt, rời rạc, thiếu chuẩn hoá. Chính sách quản lý của Nhà nước cần minh bạch, đầy đủ, cập nhật và thuận lợi trên cơ sở bám sát các nguyên tắc của thị trường, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế để điều hành sát với thực tế phát sinh.
Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường; kiểm soát chặt chẽ các yếu tố cấu thành giá cả hàng hóa nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, lợi dụng tâm lý và tính thời vụ để tăng giá bất hợp lý. Qua đó, góp phần kiềm chế lạm phát trên phạm vi cấp tỉnh cũng như trên quy mô toàn quốc theo mục tiêu đã được Quốc hội thông qua.
NGUYỄN VĂN QUANG
(Sở Công Thương)