Những vướng mắc cần tháo gỡ

Thị trường - Ngày đăng : 06:13, 16/03/2010

Sau hơn 6 tháng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi, các thương nhân ở vùng khó khăn vẫn chưa được vay vốn. Thủ tục vay cũng còn một số điểm chưa hợp lý, cần xem xét điều chỉnh.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lai ở xã Hưng Đạo (Chí Linh) được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất vật liệu xây dựng

Sau hơn 6 tháng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chí Linh hiện vẫn chưa giải ngân được món vay nào cho các đối tượng có nhu cầu. Trong quá trình thực hiện chương trình, đã phát sinh nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.


Anh Lê Bình, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Chí Linh cho biết: Chí Linh có 5 xã được công nhận là vùng khó khăn gồm Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Kênh Giang, Văn Đức và Hưng Đạo. Trước đây, các xã này đã có 2 chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai thông qua Ngân hàng CSXH là cho vay hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn và chương trình cho vay dân tộc vùng thiểu số. Từ tháng 9 - 2009, Nhà nước chủ trương hỗ trợ thương nhân đang hoạt động tại vùng khó khăn vay vốn SXKD. Thương nhân được vay vốn phải là thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn. Mức vốn cho vay đối với thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế tối đa là 30 triệu đồng. Những thương nhân thực hiện mở sổ sách kế toán và kê khai nộp các loại thuế theo quy định được vay tối đa 100 triệu đồng. Thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp được vay tối đa 500 triệu đồng. Lãi suất cho vay bằng mức lãi suất cho vay đối với hộ SXKD tại vùng khó khăn và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay tối đa không quá 5 năm… Ngay sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Việt Nam và tỉnh về việc triển khai thực hiện chương trình, phòng giao dịch huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chương trình đến các xã vùng khó khăn; tập huấn nghiệp vụ cho các tổ tiết kiệm vay vốn, lãnh đạo các xã cách lập sổ sách theo dõi nợ, quản lý nợ… Đến hết tháng 12 - 2009, đã có khoảng 40 hộ đăng ký vay 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chương trình triển khai gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Mặc dù kế hoạch giải ngân nguồn vốn đã được duyệt, các thủ tục cần thiết để giải ngân nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng đã hoàn tất, song đến nay vẫn chưa có vốn điều chuyển từ Trung ương về để giải ngân. Chính vì vậy, sau khi hoàn tất thủ tục, các hộ phải chờ đợi trong khi không ít cơ hội làm ăn đã qua đi. Đặc biệt, các đối tượng không thực hiện mở sổ sách kế toán nhưng thực hiện nộp thuế khoán theo quy định của Nhà nước cũng có thể vay từ chương trình cho vay vốn vùng khó khăn, mức vay tương tự, thủ tục lại đơn giản hơn (không cần có đăng ký kinh doanh, chỉ cần có dự án, nhu cầu…). Vì vậy, người dân không thấy mặn mà với chương trình. Đối với mức vay dưới 100 triệu đồng, các hộ SXKD trong vùng khó khăn có mở sổ sách, nhưng sổ sách, chứng từ còn sơ sài, dự án không mang tính khả thi. Các hộ SXKD chưa biết lập kế hoạch cũng như triển khai dự án một cách tốt nhất… Vì vậy, dẫn đến tình trạng có rất nhiều hộ có nhu cầu vay mức 100 triệu đồng nhưng do không bảo đảm các điều kiện của ngân hàng nên khó tiếp cận được vốn. Đối với mức vay tối đa là 500 triệu đồng cho các tổ chức kinh tế là doanh nghiệp, HTX... được thành lập hợp pháp thì trên thực tế, hầu như các xã vùng khó khăn  chưa có doanh nghiệp nào được thành lập, mặc dù có xã như Kênh Giang có rất nhiều tàu vận tải trị giá hàng trăm triệu đồng, doanh thu vận tải hằng năm lên tới 100-200 triệu đồng. Bác Phùng Văn Hà, ở thôn Nam Hải (xã Kênh Giang) năm 2007 được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH Chí Linh theo chương trình vay vốn hộ SXKD vùng khó khăn. Cùng với nguồn vốn tự có và vay người thân, bác đã đầu tư mua một chiếc tàu chuyên chở vật liệu xây dựng. Năm 2009, doanh thu của gia đình đạt khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 4  lao động. Do nhu cầu mở rộng kinh doanh và mở thêm một xưởng sửa chữa cơ khí, bác đang muốn vay khoảng 300 triệu đồng. Được biết chương trình tín dụng ưu đãi dành cho thương nhân hoạt động vùng khó khăn có mức cho vay tối đa là 500 triệu đồng, bác đã tìm đến các tổ chức hội địa phương để tiếp cận chương trình nhưng do không có đăng ký thành lập doanh nghiệp, không có sổ sách, kế toán nên không thể tiếp cận được nguồn vốn... Nhiều hộ khác cũng như vậy, cho nên đến thời điểm này không có hộ, doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay các mức 100 triệu, 500 triệu đồng.

Chương trình ưu đãi tín dụng đối với thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn được xem là đòn đẩy kích thích sự phát triển của nền kinh tế tại những vùng khó khăn của đất nước, nhất là những vùng núi, vùng sâu, xa. Tuy nhiên, để chương trình thực sự có hiệu quả giải quyết những khó khăn cho thương nhân vay vốn SXKD, Ngân hàng CSXH Việt Nam cần bảo đảm giải ngân nguồn vốn theo đúng kế hoạch đã được duyệt, tránh để tình trạng người dân sau khi hoàn tất các thủ tục phải chờ đợi nguồn vốn. Đồng thời, cần điều chỉnh điều kiện vay vốn, tạo điều kiện để thương nhân vùng khó khăn được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình.

HÀ VY