Đóng gần trăm triệu đồng ra nước ngoài... nhặt rác

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 14:25, 29/03/2010

18 lao động đến từ các vùng quê nghèo của Hải Dương, HàNội... đã tập trung tại 347 Đội Cấn (Hà Nội) yêu cầu Công ty Petromanningphải hoàn trả lại tiền chi phí sang Rumani lao động và tiền lương 3tháng làm việc tại trời Âu.


Người lao động từ Rumani trở về tập trung yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi.

Theo lời kể của 18 lao động này, ngày 22-11-2009, Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning) đã làm thủ tục cho họ bay sang Rumani làm việc theo hợp đồng đã ký là công nhân xây dựng với thời hạn 5 năm. Thế nhưng, họ đã phải làm công việc là phân loại phế phẩm ở bãi rác. Chính vì vậy, ngày 19-3-2010 họ đã yêu cầu đại diện Công ty Petromanning đưa về nước.

Anh Liêu Văn Lý, một trong 18 lao động trở về nước cho biết, trước khi sang Rumani làm việc các anh phải trải qua thi tuyển ngoại ngữ, tay nghề tại Trường Cao đẳng Xây dựng đô thị, đóng tại Dốc Vân, Hà Nội. Để được đi xuất khẩu lao động với mức lương như thỏa  thuận là 1,85 Euro/giờ làm việc, ngày làm 8 giờ, mỗi lao động phải đóng cho công ty số tiền chi phí là 99.070.000đồng. Ngoài ra trong quá trình làm việc còn bị trừ dần vào lương trong khoảng 10 tháng với số tiền 1.500 Euro.

Tuy nhiên, ở Rumani số lao động này chỉ được bố trí một số việc như sửa chữa một số nơi hỏng hóc của khu nhà chung cư. Không những thế, công việc này lại không đều, trong 3 tháng chỉ làm việc được khoảng 15 ngày, còn lại là nghỉ vì không có việc. Khi lao động thắc mắc thì chủ trả lời, do thời tiết mùa đông nên chưa tìm được việc làm ổn định. Trong khi hợp đồng ghi rõ, trường hợp không có việc làm do thời tiết, lao động được chủ trả 15 Euro/ngày thì trên thực tế, không những khoản tiền này mà tiền công những ngày làm việc bình thường cũng không được trả.

Do không có tiền  để trả tiền thuê nhà, ngày 3-3-2010, các lao động đã bị chủ nhà đuổi không cho vào ở. Sau khi bị phản ứng, công ty đối tác đã có ý định chuyển người lao động sang phân loại phế thải, mà thực chất là đi... nhặt rác. Đa số người lao động không đồng ý nhưng họ không có quyền lựa chọn. Không chấp nhận việc bỏ ra cả trăm triệu đồng để ra nước ngoài nhặt rác nên họ buộc Petromanning phải đưa về nước.

Trong khi nhiều lao động ở Rumani không có việc làm đúng hợp đồng, phải về nước, thì một số lao động đã nộp tiền đặt cọc đi xuất khẩu lao động tại Rumani cũng tìm đến Công ty xin rút hồ sơ và tiền đặt cọc, cũng đã không được Petromanning giải quyết với lý do phá vỡ hợp đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại điểm 7.4.1 Điều 7 của bản hợp đồng lao động được ký kết giữa Petromanning (bên A) và người lao động (bên B) thì trong trường hợp chủ sử dụng lao động thu hẹp công trình hoặc phá sản sẽ xảy ra thì bên A sẽ kết hợp với chủ sử dụng làm thủ tục chuyển bên B sang làm việc tại một đơn vị tiếp nhận khác với các điều kiện làm việc và chế độ lương phù hợp với quy định của Cộng hòa Rumani.

Trong trường này, bên B phải hoàn toàn chấp hành sự sắp xếp của bên A. Nếu bên B có ý muốn về nước trước thời hạn, bên B sẽ phải chịu toàn bộ các chi phí liên quan đến việc về nước như (vé máy bay, phí làm thủ tục và các chi phí phát sinh khác), đồng thời bên B sẽ không được nhận lại bất kỳ khoản tiền nào trong số tiền bên B đã nộp cho bên A trước khi xuất cảnh. Nếu theo như hợp đồng lao động ký kết thì người lao động sẽ mất trắng vì họ đã sắp xếp công việc khác cho người lao động.

Ông Tống Hải Nam, Trưởng phòng Thị trường lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) xác nhận, công ty Petromaining có đăng ký hợp đồng đưa lao động Rumani làm việc trong ngành xây dựng với mức lương cơ bản là 390 Euro/tháng. Theo ông Nam, nghề nhặt rác không có trong danh mục các nghề cấm đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng cơ quan quản lý không khuyến khích đưa lao động ra nước ngoài làm nghề này.

Về việc ký hợp đồng đưa lao động đi làm việc trong ngành xây dựng nhưng lại chuyển lao động sang làm nghề nhặt rác, ông Nam khẳng định: “Doanh nghiệp đã sai vì chưa được phép chuyển chủ, chuyển nghề cho người lao động”. Hiện tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu Công ty Petromaining báo cáo phương án xử lý vụ việc, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm của công ty này.

(Theo Thời báo Kinh tế VN)