Ninh Giang chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen và đạo ôn hại lúa
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:03, 05/04/2010
Trước tình trạng nhiều ruộng ngô bị bệnh lùn sọc đen và một số diện tích lúa bị bệnh đạo ôn nặng, ngành chức năng và nông dân Ninh Giang đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh kịp thời.
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật Ninh Giang kiểm tra ruộng lúa bị bệnh lùn sọc đen ở xã Tân Phong |
Vừa qua, một số ruộng lúa ở hai xã Tân Phong và Hồng Thái xuất hiện những triệu chứng giống với bệnh LSĐ: cây lúa lùn đi, phát đốt, lá lúa xanh lại, xoăn nõn và có gợn. Mẫu lúa nhiễm bệnh đã được gửi tới Cục BVTV để xét nghiệm. Kết quả, lúa ở thôn Tân Thành (xã Tân Phong) bị nhiễm bệnh LSĐ, diện tích lúa bị nhiễm bệnh khoảng 50m2 ở hai ruộng cấy giống 13/2 đang trong giai đoạn làm đòng của gia đình anh Phạm Văn Diên và Phạm Thị Bích. Đây là nơi đã bị bệnh LSĐ hại ngô vụ đông 2009-2010. Ruộng lúa bị bệnh LSĐ, nhưng mức độ hại không đồng đều, chỗ bị nặng, chỗ bị nhẹ. Trong một khóm lúa cũng có nhánh bị nhiễm bệnh, nhánh khác lại không. Sau khi phát hiện bệnh, huyện đã chỉ đạo chủ ruộng lúa phun thuốc hóa học để diệt trừ các loại rầy và phun thuốc điều hòa sinh trưởng cho lúa. Đối với diện tích bị bệnh nặng, không còn khả năng phục hồi thì nhổ bỏ, tránh lây lan nguồn bệnh. Ông Phạm Nguyễn Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo: Bệnh LSĐ là loại bệnh chỉ có thể lây lan từ cây lúa này sang cây lúa khác khi có rầy lưng trắng là vật trung gian truyền bệnh… vì vậy phải diệt trừ triệt để các loại rầy. Những diện tích lúa bị bệnh nặng đã nhổ bỏ, thì phải tiêu hủy bằng nhiều cách như: đào hố chôn chặt xuống đất, vùi sâu xuống ruộng. Những khóm lúa chỉ có ít nhánh bị bệnh cũng phải nhổ bỏ, vùi xuống ruộng. Những diện tích lúa không bị nhiễm bệnh cần tiếp tục chăm sóc bình thường.
Bên cạnh việc đối phó với bệnh LSĐ, huyện Ninh Giang cũng khuyến cáo nông dân chủ động phát hiện và phòng, trừ bệnh đạo ôn lá. Những ngày vừa qua, trời âm u, xuất hiện mưa phùn, độ ẩm không khí cao là nhân tố thuận lợi để bệnh đạo ôn lá phát sinh, gây hại. Gần hai mẫu lúa ở các xã Nghĩa An và Vĩnh Hòa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng, với tỷ lệ 30-40%. Bệnh này đặc biệt lây lan nhanh trên các giống dễ nhiễm như: Q5, BC15. Trạm BVTV huyện khuyến cáo: Nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện bệnh từ sớm và kịp thời phòng, trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Filia 525SE, Bump 650WP, Katana 5SC, Benlazon 75WP…
NINH TUÂN