Nghĩa tình quân dân nơi biên giới
Việc tử tế - Ngày đăng : 08:32, 07/04/2010
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 767 hướng dẫn đồng bào M’nông xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức kỹ thuật chăm sóc cây tiêu. |
Tôi đã nhiều lần đến xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức, là một trong bảyxã biên giới còn gặp nhiều khó khăn và có đông đồng bào dân tộc thiểusố (DTTS) sinh sống của tỉnh Đác Nông. Cứ mỗi lần đến, tôi lại đượcnghe đồng bào kể về những việc làm thắm đượm nghĩa tình quân dân củacán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tuy Đức 767 đối với bà con nơi đây.
Ngoài nhiệm vụ vững chắc tay súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn khắc phục mọi khó khăn về địa hình, thời tiết khắc nghiệt, ngày đêm âm thầm lặng lẽ giúp nhân dân lao động sản xuất, xây dựng buôn làng no ấm, bình yên. Trên khắp vùng biên ải cực nam của Tây Nguyên này, không nơi nào là không có dấu chân người lính biên phòng.
Lần này, chúng tôi đến xã Đác Búc So vào những ngày cuối tháng 2, Tây Nguyên đang vào thời kỳ cao điểm của mùa khô nên thời tiết ở đây khá nóng bức. Đường ra biên giới hôm nay tuy không còn vượt đèo, lội suối, băng rừng như trước đây, nhưng vẫn còn gập ghềnh, xóc nảy. Trên những triền đồi, men theo những cánh rừng dọc đường ra biên giới, những cánh hoa sim, hoa mua, hoa bằng lăng đua nhau nở tím biếc, nhưng vẫn không làm giảm bớt không khí nóng bức, ngột ngạt nơi biên ải.
Càng gần đến trưa, trời càng nắng gắt. Dưới cái nắng cháy da thịt, từ xa chúng tôi đã thấy thoáng màu áo xanh đang giúp dân trên đồng ruộng xã Đác Búc So. Khi chúng tôi đến nơi, trung úy Phạm Văn Bình, Đội phó đội vận động quần chúng Đồn biên phòng 767 dừng tay, lau những dòng mồ hôi chảy dài trên khuông mặt rám nắng, cho biết: “Hôm nay, cán bộ, chiến sĩ của đội giúp gia đình anh Điểu Brích, trưởng buôn Bu Boong làm cỏ lúa vụ đông xuân. Đây là công việc thường ngày của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Mặc dù đồng bào M’nông ở đây đã biết làm lúa nước trong nhiều năm nay, nhưng việc chăm sóc lúa như làm cỏ, dặm lúa, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh… vẫn chưa đúng kỹ thuật, nên anh em trong đội phải bám đồng ruộng hướng dẫn và cùng làm với bà con”.
Còn anh Điểu Brích thì hồ hởi nói: “Hàng chục năm nay, gia đình nào trong buôn, trong xã cũng được bộ đội Đồn 767 giúp đỡ từ việc làm ruộng nước đến trồng, chăm sóc cà-phê, tiêu hay gần đây là trồng khoai lang Nhật Bản, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao”.
Được sự hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 767
nên đồng bào M’nông ở xã Đác Búc So đã biết làm lúa nước.
Theo lời anh Điểu Brích, gia đình anh làm được hai sào lúa nước, trước đây năm nào cũng bỏ ra nhiều công sức, nhưng năng suất chỉ đạt 5 tạ/sào/vụ, thế nhưng từ khi được bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng đúng thời vụ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, điều tiết nước phù hợp… nên năng suất lúa đã tăng lên 8 tạ/sào.
Không riêng gì gia đình anh, mà tất cả bà con trong buôn khi được bộ đội biên phòng hướng dẫn năng suất lúa đều đạt 6-7 tạ/sào/vụ. Vì vậy, bà con trong buôn ai cũng phấn khởi, sau mỗi vụ thu hoạch lúa là cùng nhau tổ chức lễ hội mừng mùa, uống rượu cần và mời bộ đội đến chung vui. Cứ như thế, mỗi mùa rẫy đi qua nghĩa tình quân dân ở đây càng trở nên thắm thiết.
Đồn biên phòng Tuy Đức 767 đứng chân trên địa bàn xã biên giới Đác Búc So, nằm ở độ cao 700 m so với mặt nước biển. Vì vậy, thời tiết ở đây khá khắc nghiệt, mùa nắng thì nóng như thêu như đốt, còn mùa mưa thì mưa dầm dề đến thối đất. Thế nhưng, trong nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng 767
luôn thực hiện tốt phương châm “3 bám”, “4 cùng”.
Trung tá Nguyễn Văn Thọ, Đồn trưởng đồn biên phòng 767 cho biết: đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý 11 km đường biên giới giáp với nước bạn Cam-pu-chia và phụ trách địa bàn xã Đác Búc So, xã có diện tích rộng, dân số đông. Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cấp uỷ, ban chỉ huy đơn vị luôn xác định cùng với việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân. Địa bàn ở đây rộng và địa hình bị chia cắt mạnh, dân cư chủ yếu là đồng bào DTTS sống phân tán, rải rác, trình độ dân trí thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, các phong tục tập quán cũ, lạc hậu còn phổ biến…
Bên cạnh đó, hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương còn nhiều hạn chế, không quản lý được nhân dân. Lợi dụng vào những khó khăn đó, bọn người xâu lén lút về các buôn làng dụ dỗ, xúi giục, kích động, mua chuộc một số đồng bào nhẹ dạ, cả tin gây rối an ninh trật tự, vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia… Do đó, một mặt đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và củng cố tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, buôn vững mạnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân. Mặt khác, đơn vị đã thành lập đội vận động quần chúng gồm sáu cán bộ, chiến sĩ thường xuyên bám sát địa bàn làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và tổ chức giúp dân hàng chục năm nay. Bình quân mỗi năm, đơn vị tổ chức giúp nhân dân được hàng nghìn ngày công lao động, từ việc tổ chức sản xuất, làm đường giao thông, sửa chữa nhà cửa đến mở lớp xóa mù chữ, khám chữa bệnh… Thông qua những việc làm, lời nói cụ thể, thiết thực của các cán bộ, chiến sĩ mà nghĩa tình quân dân ở đây luôn bền chặt.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 767
trên đường tuần tra biên giới.
Trung uý Phạm Văn Bình, đội phó đội vận động quần chúng, người đã gắn bó với vùng đất biên giới Đác Búc So này từ năm 1996 đến nay, nên anh hiểu rõ đồng bào cần giúp đỡ những gì. Vì vậy, trên khắp các buôn làng gần xa trên nẻo đất biên cương này không nơi nào là không có dấu chân anh và đồng đội.
Anh Bình cho biết, để làm tốt công tác vận động quần chúng, cán bộ, chiến sĩ trong đội thường xuyên thực hiện ba bám, bốn cùng với bà con. Thông qua chương trình “ba bám”, “bốn cùng” các cán bộ, chiến sĩ trong đội nắm bắt tình hình, tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế khu vực biên giới và các quy định của địa phương; động viên bà con chăm lo làm ăn, không nghe và làm theo lời xúi giục, kích động của kẻ xấu. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã tạo được lòng tin cho đồng bào địa phương nơi đơn vị đóng quân. Đáp lại những tình cảm của người lính biên phòng, đồng bào các dân tộc trong xã luôn chung tay cùng với bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Già làng Điểu Gay ở buôn N’Drung năm nay đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trông già vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Dẫn chúng tôi đến cuối buôn, chỉ tay về phía cánh đồng lúa nước xanh mơn mởn nằm sát biên giới rồi nói: “Đây là thành quả biết bao mồ hôi, công sức của cả chính quyền, lực lượng bộ đội biên phòng và người dân khai hoang. Trước đây đồng bào M'nông ở vùng biên giới Đác Búc So chỉ biết làm lúa rẫy, nên mỗi năm thiếu đói đến vài tháng phải vào rừng đào củ mài về ăn, còn chục năm nay nhờ cánh đồng này bà con không còn sợ đói nữa. Cuộc sống từng bước ổn định, bà con bảo nhau phải chung tay cùng với bộ đội biên phòng giữ gìn an ninh biên giới, có như thế an ninh buôn làng mới được bảo vệ, bà con mới yên tâm lao động sản xuất”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó bí thư Đảng uỷ xã Đác Búc So Vũ Văn Khê khẳng định: Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tuy Đức 767 không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mà còn phối hợp, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh. Đặc biệt cán bộ, chiến sĩ của đồn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể để tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng mạng lưới bảo vệ an ninh biên giới, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương. Ngoài ra, còn tích cực vận động, hướng dẫn nhân dân xây dựng đời sống văn hoá, đưa các loại giống cây, con có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình… Nhờ đó, số hộ nghèo của xã giảm nhanh chóng, đến cuối năm 2009 toàn xã chỉ còn 5% hộ nghèo, không còn hộ đói, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững.
Khi chúng tôi rời xã Đác Búc So, trời đã chập choạng tối, thời tiết vẫn còn nóng bức, nhưng trên đường tuần tra biên giới dưới những tán rừng khộp đang vào mùa thay lá vẫn xào sạc bước chân người lính biên phòng Đồn 767 đang tuần tra, canh giữ biên giới. Dưới các buôn làng, các cán bộ, chiến sĩ trong đội vận động quần chúng vẫn âm thầm, lặng lẽ đến từng nhà thăm hỏi, động viên, gia đình nào gặp khó khăn gì thì giúp đỡ. Nghĩa tình quân dân ở Đác Búc So thật đầm ấm và bền chặt.
(Theo Nhân dân)