Tình yêu không nói lời yêu
Truyện ngắn - Ngày đăng : 06:04, 10/04/2010
Về đến nhà, vừa mở cửa tôi thấy chồng tôi, anh Quý, đang cầm tập bản thảo của tôi đọc với vẻ không hài lòng. Tôi chột dạ hỏi: "Bài viết có được không anh?". Quý đặt bản thảo xuống bàn nhìn tôi chăm chú: "Em áp đặt quan điểm chủ quan cho người xưa là không đúng". Chờ đợi sự phản ứng của tôi nhưng có lẽ thấy tôi trợn tròn mắt lên, Quý nói tiếp: "Đây nhé! Đoạn này em viết: Ngày xưa tục lệ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nên hai người sống với nhau theo nghĩa vợ chồng chứ hoàn toàn không có tình yêu, không có hạnh phúc. Có đúng vậy không hả thạc sĩ Nguyễn Lệ Hoa?". Không chần chừ chút nào, tôi đáp luôn: "Đúng. Điều này em đã được học gần như thuộc lòng. Và chính em từng giảng giải cho các học trò của mình như thế. Các sách giáo khoa khi đề cập đến vấn đề này đều khẳng định như vậy". Ngừng lại lấy hơi, tôi nói như khoe: "Giáo sư K đã đọc trước rồi. Ông bảo nếu em phát triển tốt và mở rộng bài viết này có thể nâng tầm bảo vệ luận án tiến sĩ được". Quý gật gù có vẻ như tán thành. Được thể tôi nói tiếp: "Tại sao em kết luận như thế? Bởi vì trước kia trong gia đình, người chồng thường độc đoán, gia trưởng và đối xử rất bất bình đẳng với người vợ. Còn người phụ nữ chỉ biết phục tùng và chịu đựng. Trong hoàn cảnh ấy tình yêu không thể tồn tại". Quý bật cười. Tôi hơi bực: "Anh cười cái gì?". "Anh cười em nói như con vẹt, đọc vanh vách những điều đã học, đã đọc. Chả có chút thực tế nào. Đành rằng nhận định của em chỉ là cá nhân. Nhưng anh khuyên em đừng mang ý nghĩ chủ quan của mình tuyên truyền cho người khác. Nhất là các bạn thanh niên". Tôi cố cãi: "Một hòn đá được đặt đúng chỗ có thể làm chuyển hướng cả dòng sông". Quý nhẹ nhàng nói: "Anh không phản đối quan điểm ấy. Nhưng anh vẫn thấy ở đây có điều gì day dứt, chưa ổn thỏa. Anh biết trong mỗi mái nhà mà ta thường gọi là gia đình kia, nhất là ở làng quê, là cả một tấm màn bí mật. Và không một thành viên nào trong cái gia đình ấy muốn vén lên cho người khác xem". Nghe Quý nói tôi mới chợt nhớ ra. Vâng, tôi, một cô gái nông thôn chính hiệu. Ông bà nội tôi, thày u tôi đều là nông dân. Bản thân tôi lớn lên từ đồng quê. Tôi biết rất rõ về mọi người. Tôi có chồng có con nên cái nhìn cũng có phần khác người thành phố. Có lẽ vì vậy, tôi cảm thấy vô cùng phân vân.
Ông nội tôi vốn là một lực điền, cộng thêm cái tính lãng tử của nghề đóng cối xay thóc. Ngày tháng nông nhàn ông đi đây đi đó đóng cối thuê. Có đợt ông đi cả tháng. Bạn bè của ông trong vùng và các tổng lân cận rất đông. Họ thường qua lại thăm hỏi lẫn nhau mỗi khi nhà có việc. Năm thầy tôi đến tuổi dựng vợ, ông nội tôi bèn chọn một cô con gái người bạn về làm dâu. Trước lúc dạm hỏi, ông nội tôi có đưa thầy tôi sang bên nhà gái để nhận mặt u tôi. Cũng là để bên nhà gái biết thầy tôi. Sau đó là đám cưới. U tôi ngoan ngoãn về làm dâu với cái bị quần áo toòng teng trên tay. Ông nội tôi bảo: "Y như bà nội mày ngày xưa". Thầy tôi kế tục nghề nông của ông nội tôi. Tức là lại đánh vật với mảnh đất còi cọc để làm ra hạt thóc. Riêng nghề đóng cối xay thóc thì bỏ hẳn. Lý do rất đơn giản: U tôi không thích để thầy tôi đi lang thang.
Làng tôi kề cận ngay thành phố nên dù muốn hay không vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều. Mọi phong trào của thành phố cứ ào ào đổ về như gió cuốn. Cấp xã, cấp huyện luôn phải chạy theo chỉnh đốn hướng đi cho dân làng. Tôi nhớ một dạo có phong trào "chống nam quyền". Cán bộ xã đến bảo u tôi: "Chị phải đấu tranh với chồng để giành quyền lợi cho mình chứ! Đừng lép vế trước đàn ông". U tôi hết sức ngạc nhiên hỏi lại: "Tại sao lại phải đấu tranh với chồng? Ông ấy có làm gì đâu mà phải đấu? Chẳng lẽ ông ấy quyết định cho con Hoa đi học là có lỗi hay sao?". Ấy là u tôi nhắc lại chuyện xảy ra hôm vừa rồi. Ở quê tôi, bọn con gái cứ học hết cấp 1 là nghỉ hẳn, ở nhà giúp việc gia đình. U tôi quanh năm suốt tháng lợn gà, rau cỏ cơm nước cho cả nhà, chả bao giờ ngơi tay. Thầy tôi thì cày cuốc, phân gio, gặt đập, sửa sang nhà cửa. U tôi muốn tôi ở nhà giúp việc gia đình. U tôi bảo: "Hay cho con Hoa ở nhà. Tôi sẽ dạy cho nó cấy hái, biết chăm sóc cây lúa...". Thầy tôi trừng mắt, nói như quát: "Cô không được làm thế. Phải cho nó đi học. Việc này tôi quyết chứ không phải cô. Hiểu chưa?". Thế là trong lúc lũ bạn gái của tôi phải nghỉ học thì tôi ung dung lên phố học tiếp cấp 2, cấp 3 và đại học. Trong khi tôi ở nhà trọ học tập thì thầy u tôi phải bán không biết bao nhiêu là thóc để nuôi tôi ăn học. Mỗi lần nghỉ hè về quê gặt, cấy giúp gia đình, thầy tôi thường động viên: "Con cố học cho giỏi để khỏi vất vả như u con". Dì tôi mỗi lần gặp đều khen: "Cái Hoa giỏi thật. Việc gì nó cũng làm được". Thầy tôi nói: "Chả khác gì u nó". Không biết những lời khen này có tới được tai u tôi không? Còn u tôi mỗi lần mang gạo, tiền lên phố cho tôi, bao giờ bà cũng vuốt tóc tôi, âu yếm bảo: "Tính con giống hệt tính thầy. Con cố học giỏi cho thầy mừng". Lúc ấy chỉ có hai mẹ con tôi với nhau nên chắc chắn thầy tôi không thể nghe thấy.
Đấy là chuyện về sau, khi tôi lớn. Còn khi ấy u tôi cứ ngỡ ngàng mỗi khi hội phụ nữ khuyên bà phải đấu tranh với chồng. Bà hội trưởng cười buồn: "Chị đúng là người lạc hậu". Rồi luồng gió chống mọi "hủ tục" lại tràn về quê tôi. Quê tôi như cái túi đựng gió bốn phương. U tôi chẳng biết hủ tục là gì, khiến bà hội trưởng gắt lên: "Hủ tục là cờ bạc, rượu chè trai gái lung tung. Có thế mà cũng phải hỏi". U tôi cười hì hì lấy lòng. Tuy vậy bà vẫn sai tôi cầm chai đi mua rượu. Lúc mang về vô tình tôi lại gặp bà hội trưởng kia. Bà ta bỗng nhiên nổi giận như người bị xúc phạm nặng nề. Bà ta giật phắt chai rượu trên tay tôi, dốc ngược chảy lênh láng. Miệng bà ta rít lên: "Mày còn tiếp tay cho thầy mày à? Rồi uống say xỉn là tan cửa nát nhà đấy con ạ. Hay gì cái thói rượu chè". Tôi đem lời mắng chửi ấy về kể với u tôi. U tôi không nói năng gì, chỉ giục tôi mang chai đi mua lần nữa. Đêm nằm cạnh u, tôi thầm thì hỏi: "Tại sao người ta phải làm ghê gớm thế?". U tôi giải thích sang chuyện khác: "Làm ở ngoài đồng rét lắm con ạ. Phải có tí rượu cho ấm người. Rượu chè cũng tùy người. Thầy mày uống được bao nhiêu mà tan cửa nát nhà".
Rõ ràng thầy u tôi là do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Thầy tôi cũng gia trưởng, cũng độc đoán và nhiều khi còn bất bình đẳng nữa. Tóm lại là thầy tôi cũng như bất cứ người đàn ông nhà quê nào. Vừa quần quật chân lấm tay bùn ngoài đồng, vừa là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình. Tôi không dám nói mình biết tất cả về u tôi. Nhưng có một điều chắc chắn là những gì khêu gợi cho bà một hình ảnh xấu về người chồng đều như nước đổ đầu vịt. Lắm khi tôi cứ nghĩ nếu u tôi thích chỉ trích mỗi khi thầy tôi có điều gì sai trái. Hoặc bất cứ điều gì trước khi làm người chồng phải "trao đổi" với vợ để được tiếng bình đẳng, thì chắc hẳn tôi sẽ không bao giờ được như hiện nay. Không khéo có khi lại mỗi người một nơi.
Quý bảo tôi: "Em còn nhớ cái đận mất mùa mà u hay nhắc tới không?". Tôi làm sao quên được cái năm khốc liệt ấy. Nhà tôi hòm thóc sạch nhẵn. U tôi sang xã bên vay thóc của người bạn. Bà ta mắng u tôi té tát. Bà nói cạnh nói khóe nhiếc móc thầy tôi là kẻ lười nhác chẳng chịu làm nên mới ra nông nỗi này. Thầy tôi không biết đi đâu về, chắc được ai đó kể lại. Mặt ông đỏ phừng phừng như người uống nhiều rượu. Ông chạy xộc ngay vào nhà, lôi bao thóc vứt ra sân. Tiếng ông quát tháo ầm ầm: "Giả ngay. Đem giả ngay. Lúc nãy bà ấy chửi câu nào bây giờ tôi cho phép mình chửi lại bấy nhiêu câu. Nghe rõ chưa?". Tôi nhớ lúc ấy nước mắt tôi cứ trào ra. Qua làn nước mắt tôi chăm chú vào bao thóc. Tôi chỉ sợ bao thóc lại "đi" mất. U tôi nói: "Vâng, tôi đem giả ngay đây". Nói xong bà thong thả quay vào nhà lấy chiếc nón chậm rãi bước ra sân. Bà nhìn chồng, từ tốn: "Nhưng thầy nó cũng phải đi kiếm cái gì cho các con nó ăn chứ?". Thầy tôi hất hàm nạt nộ: "Khỏi phải nói. Tôi đi đây". Thầy tôi hầm hầm đi ra cổng. U tôi cất cái nón, vác bao thóc vào buồng kho. Xong xuôi bà xúc thóc đổ vào cối xay rồi nấu cơm cho cả nhà. Tôi lo lắng hỏi: "Thầy về mắng chết. U không sợ à?". U tôi cười: "Tao lạ gì tính thầy mày". Quả nhiên sau đó chả có chuyện gì xảy ra. Thầy tôi về tay trắng. Không vay được hạt gạo nào. Thầy tôi ngồi vào ăn cơm với mấy u con tôi. Ăn xong thầy tôi bảo tôi: "Không có u mày, hôm nay mấy thầy con mình chỉ có nhịn đói". U tôi nhẹ nhàng: "Bác ấy vẫn đong thóc cho nhà mình vay đấy thôi. Bác ấy bao giờ chả vậy. Một người "khẩu xà tâm phật" chả có để bụng". Bây giờ tôi mới nghiệm ra rằng u tôi biết quá rõ những gì thầy tôi hơn người khác và cả những gì thầy tôi còn vụng về, khiếm khuyết.
Vậy thì quan hệ giữa thầy u tôi không thể nói là quan hệ nghĩa vụ vợ chồng. Mà nó phải là cái gì đó cao cả hơn. Nếu không muốn nói đó là tình yêu. Một thứ tình yêu không nói lời yêu. Thì ra ngay từ thời ông A-đam và bà E-va ăn vụng trái cấm trên thiên đàng cho tới mãi mãi về sau này. Loài người còn thì tình yêu vẫn còn. Hay nói cách khác là có tình yêu thì mới tồn tại loài người. Đó là chân lý vĩnh cửu. Cuộc đời tôi có như hôm nay là được thừa hưởng những tính cách của thầy u tôi. Tôi lớn lên không chỉ nhờ miếng cơm manh áo mà còn nhờ một nguồn tình cảm thiêng liêng khác. Điều ấy nếu không phải tình yêu của thầy u tôi thì là cái gì. Tôi mang những điều suy ngẫm trên ra trao đổi với chồng. Quý cười nói: "Như vậy em đã nhận ra vấn đề rồi đấy". Vậy thì tình yêu là thế nào? Như những nụ hôn say đắm bất tận như trên màn ảnh ư? Thầy u tôi hình như chưa bao giờ làm điều đó. Hay thể hiện tình yêu bằng cách nắm tay nhau chạy trốn trên cánh đồng lộng gió tự do? Thầy u tôi cũng chưa từng trải qua những giây phút lãng mạn ấy. Thậm chí câu nói: "Anh yêu em" hay ngược lại "Em yêu anh" cũng hoàn toàn không. Họ chỉ sống bình lặng như trăm ngàn gia đình khác ở làng quê. Họ lầm lũi làm ăn sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng khôn lớn. Nếu không có một tình yêu sâu đậm, lắng đọng vô bờ giữa người đàn ông và người đàn bà trong cùng một mái nhà tranh, trong túp lều nhỏ bé thì liệu những lớp hậu duệ chúng tôi, cả lớp con cháu sau này có trường tồn được trên mảnh đất muôn vàn gian khó này không?
Vậy là bài nói chuyện tôi chuẩn bị rất công phu sẽ phải viết lại. Viết lại từ đầu. Tôi đặt tên cho bài viết này là: Tình yêu không nói lời yêu.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN