Mở rộng dân chủ trong Đảng

Tin tức - Ngày đăng : 06:08, 15/04/2010

Qua 24 đảng bộ đã thực hiện thí điểm, có thể khẳng định, chủ trương của Đảng bước đầu đã đi vào cuộc sống.


Đảng viên dự Đại hội Đảng bộ xã Duy Tân (Kinh Môn) bỏ phiếu bầu Ban Thường vụ Đảng ủy khóa mới. Ảnh: Hạnh Duyên
Chủ trương thí điểm đại hội bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua 24 đảng bộ đã thực hiện thí điểm, có thể khẳng định, chủ trương của Đảng bước đầu đã đi vào cuộc sống.Tại Đảng bộ xã An Lâm (Nam Sách), đơn vị đầu tiên tổ chức đại hội, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vũ Huy Công cho biết: Để chuẩn bị cho đại hội, ngay từ cuối năm 2009, đảng ủy đã tiến hành các bước chuẩn bị theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong đó công tác nhân sự được đặc biệt chú ý. Ngoài việc xây dựng đề án nhân sự đủ về số lượng, cơ cấu, bảo đảm tỷ lệ đảng viên trẻ, đảng viên nữ tham gia ban chấp hành (BCH) khóa mới, đảng ủy tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, ý kiến đóng góp của đảng viên tại các chi bộ, tại các hội nghị BCH đảng bộ về nhân sự được giới thiệu... Đảng viên Mạc Đức Bình, ở Chi bộ thôn An Lương, nhận xét: "Đại hội trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư và Phó Bí thư cấp ủy đã thực sự mở rộng dân chủ trong Đảng, lớp đảng viên cao tuổi như chúng tôi rất phấn khởi, đặt niềm tin vào lớp cán bộ mới do chúng tôi bầu ra".

Để tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu tham dự đại hội nắm chắc tiểu sử nhân sự trong danh sách bầu cử, theo dõi diễn biến kết quả bầu cử, các mục tiêu chủ yếu trong dự thảo nghị quyết đại hội, Đảng bộ xã Kim Khê (Kim Thành) sử dụng thêm hệ thống trình chiếu trên màn ảnh rộng. Đại hội đã bầu được BCH, Ban Thường vụ, Bí thư và Phó Bí thư cấp ủy với số phiếu tập trung cao. Đảng viên Nguyễn Văn Sơn năm nay 40 tuổi Đảng nói: "Với việc bầu trực tiếp như thế này, đảng viên dự đại hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước lá phiếu của  mình".

Không chỉ đảng viên dự đại hội cho rằng mình cần có trách nhiệm hơn khi lựa chọn người lãnh đạo cấp ủy khóa mới, bản thân các Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy khóa mới khi trúng cử cũng nhận rõ vinh dự và trách nhiệm của mình trước sự tín nhiệm của đảng viên. Đồng chí Tăng Bá Công, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lang (Thanh Hà) vừa được bầu cho biết: "Đã nhiều lần tham dự Đại hội Đảng bộ xã, được bầu giữ nhiều chức vụ khác nhau, song đây là lần đầu tiên được đại hội trực tiếp bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy nên sau khi trúng cử, tôi thấy trách nhiệm của mình với công việc cao hơn trước, phải luôn cố gắng hết sức để không phụ lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân".

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, công tác nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư khóa mới tại các đại hội thực hiện thí điểm được chỉ đạo chặt chẽ, chuẩn bị công phu, theo đúng hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy. Việc bầu cử cấp ủy, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư tại các đại hội được thực hiện theo đúng quy chế bầu cử trong Đảng; tôn trọng quyền ứng cử, đề cử của đảng viên; danh sách bầu cử BCH, Ban Thường vụ bảo đảm số dư theo quy định. Hầu hết các đại hội chỉ bầu một lần là đủ số lượng ủy viên BCH, Ban Thường vụ và bầu được Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy với số phiếu tập trung cao.

Qua 24 đại hội thực hiện thí điểm, có 277 đồng chí đã được đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới, trong đó 195 đồng chí tái cử, chiếm 70,4%, 82 đồng chí tham gia lần đầu, chiếm 29,6%; có 35 cấp ủy viên là nữ, chiếm 12,6%; 12 cấp ủy viên tuổi dưới 30, chiếm 4,3%. Đã bầu được 75 đồng chí vào Ban Thường vụ khóa mới, trong đó có 62 đồng chí tái cử, 13 đồng chí tham gia lần đầu. Các đại hội đã bầu được 36 Phó Bí thư, 24 Bí thư cấp ủy khóa mới. Nhìn chung, các đồng chí trúng cử và tái cử vào Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Bí thư theo hình thức bầu trực tiếp tại đại hội đều rất phấn khởi. Các đảng viên dù phải thực hiện nhiều lần bầu cử để bầu ra BCH Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư nhưng cũng rất phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương mới của Đảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được tại các Đại hội Đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm chủ trương trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy cơ sở, cũng bộc lộ những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm. Đó là công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy trước đại hội ở một số cơ sở chưa tốt. Một số đơn vị chuẩn bị nhân sự các bước trước khi BCH biểu quyết danh sách nhân sự BCH, Ban Thường vụ chỉ đủ với dự kiến số lượng cấp ủy khóa mới, không có số dư. Có nơi còn có biểu hiện gò ép, đưa người không đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm chưa cao vào danh sách chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới; hoặc đánh giá cán bộ chưa đúng, chưa nắm chắc diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong đảng bộ. Trong việc chuẩn bị cơ cấu nhân sự chưa dự liệu được  các tình huống xảy ra trong đại hội. Kết quả bầu cử của một số đại hội chưa tốt, còn có đơn vị bầu thiếu số lượng cấp ủy. Một số nơi tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ tuổi trong cấp ủy khóa mới chưa bảo đảm. Có đơn vị phân bổ đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên chưa mang tính đại diện và bảo đảm cơ cấu. Một số nơi, phần điều hành bầu cử của Đoàn chủ tịch đại hội chưa khoa học, không theo văn bản đã chuẩn bị hoặc chuẩn bị không kỹ dẫn đến nhầm lẫn, lúng túng. Có đảng bộ chuẩn bị phiếu bầu sai với Quy chế bầu cử trong Đảng, phải bầu lại như Đảng bộ xã An Lâm (Nam Sách); khi bầu cử còn để đảng viên dự bị tham gia bỏ phiếu như Đảng bộ Khối chính quyền huyện Cẩm Giàng...

Qua 24 đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm còn cho thấy, trong bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, nhất là ở các đảng bộ xã, đã xuất hiện việc một số đồng chí có trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, được tín nhiệm cao nhưng vẫn không trúng cử vào Ban Thường vụ khi bầu trực tiếp. Trong khi có đồng chí trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức hạn chế nhưng vẫn trúng cử mà nguyên nhân trúng cử chủ yếu là do số đảng viên trong dòng họ của đồng chí đó chiếm tỷ lệ cao trong đảng bộ. Đây chính là một khó khăn, trở ngại không nhỏ trong việc bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư ở các đảng bộ xã.

VŨ ÚY- THANH MAI