Ước gì...
Các em viết - Ngày đăng : 07:42, 17/04/2010
Nhật ký ngày... "Ngoài trời đang mưa rất to, nhưng không thấm vào đâu so với cơn mưa trong lòng mình lúc này. Ước gì, ước gì, lại ước, bao nhiêu điều ước cũng không thể làm mình thấy khá hơn lúc này, đơn giản vì đã nhận được kết quả thi của học kỳ vừa rồi".
Bước chân vào trường chuyên của tỉnh với điểm số cao chót vót, lại xinh xắn, hoà đồng với bạn bè, nó là tâm điểm chú ý của mọi người trong lớp. Nó có nhiều bạn bè mới, và tất nhiên đi kèm với chuyện đó là những lời mời mọc, rủ đi chơi. Lúc đầu, nó cũng ngại, nhưng dần dần, khi bạn bè bảo nó "xinh xắn thế này mà cứ ở nhà mãi không thấy chán sao" nó cũng xiêu lòng. Tự nhủ với sự thông minh của nó, thì đi chơi một chút cũng chẳng sao. Như hồi nó ôn thi cấp ba đấy, nó cũng nơm nớp sợ trượt, nên đã học đêm học ngày. Thực ra thì nó học cũng khá, theo nhận xét của nhiều thầy cô thì nó thông minh, sáng tạo. Nhưng tâm lý đi thi ai chẳng lo lắng, lại còn bao nhiêu là áp lực, thầy cô, gia đình, bạn bè... Cuối cùng, nó đỗ thủ khoa của cả trường. Bao nhiêu lời khen ngợi, niềm tự hào của bố mẹ, dòng họ, sự ngưỡng mộ của bạn bè khi biết nó là thủ khoa... Tất cả những điều ấy làm nó tin chắc rằng không có gì làm nó có thể học kém đi cả, vì nó vốn giỏi thế cơ mà. Học kỳ một trôi qua mà không có gì đáng phàn nàn, tuy không giành được học bổng như gia đình mong đợi nhưng nó vẫn học khá, luôn nằm trong "tốp năm" của lớp. Hôm biết kết quả học kỳ một, nó hơi buồn một chút, tự nhủ kỳ hai sẽ cố gắng hơn. Nhưng kỳ hai đến, bao nhiêu lời mời mọc, rủ đi sinh nhật, đi chơi vẫn cứ bám lấy nó, và nó lại xiêu lòng, lại tự nhủ chỉ cần cuối kỳ cố gắng hơn một chút là kết quả học tập vẫn cao. Kỳ thi cuối kỳ đến, nó vội vã học hành, thức đêm để bù lại khoảng thời gian đã mất. Bố mẹ thấy nó chăm chỉ còn khuyên "dù cố gắng học vẫn phải bảo đảm sức khoẻ con nhé, đừng cố gắng quá mà ốm đấy". Nghe những lời an ủi động viên của bố mẹ mà nó càng thấy có lỗi. Cả học kỳ vừa qua, việc nó có cố gắng hay không thì nó là người biết rõ nhất và thấy xấu hổ với chính mình vì điều ấy. Dĩ nhiên, dù có cố gắng đến mấy, thì việc học vội học vàng trong vài ngày cuối cùng cũng không đủ để nó bù lại được lượng kiến thức đã bị rỗng quá nhiều. Và khi nhận được kết quả thi kỳ hai, nó sững sờ, không tin được là nó lại nhận được kết quả kém như thế. Từ "tốp năm" người học giỏi nhất lớp, kỳ hai này, điểm số của nó đã rớt xuống năm người học kém nhất lớp, kết quả nó là một học sinh trung bình. Mấy ngày cuối năm nó luôn cảm thấy hối hận. Giờ thì nó đã biết nó không giỏi giang, thông minh như nó vẫn tưởng, kết quả tốt trước kia có được là nhờ sự chăm chỉ luyện rèn chứ không phải là nhờ sự thông minh xuất sắc, học đêm học ngày trong một hai ngày mà bù lại được. Nó còn không biết đối diện với bố mẹ nó thế nào. Bố mẹ đã hết lòng lo lắng, tin tưởng và tự hào về nó. Càng nghĩ, nước mắt nó càng tuôn rơi, bố mẹ sẽ nghĩ thế nào nếu biết nó là một trong những học sinh kém nhất lớp. Chắc bố mẹ không thể tin được rằng chỉ vì ham chơi mà nó đã đánh mất danh hiệu học sinh giỏi. Có thể họ sẽ cho rằng tại càng học thì chương trình học càng khó, áp lực học tập càng nhiều nên cũng chẳng nỡ trách nó. Họ sẽ thông cảm và động viên nó nhiều hơn. Đối diện với sự khoan dung, tin tưởng của bố mẹ mới chính là điều khó khăn nhất với nó. Nó đã phụ lòng tin của bố mẹ dành cho mình.
Nó đã lấy hết can đảm nhận lỗi với bố mẹ và hứa từ nay sẽ chăm chỉ cố gắng để đạt được mục đích đỗ vào đại học. Bố mẹ nó cũng tha lỗi cho nó và khuyên nó chăm chỉ cố gắng nhiều hơn nữa. Dù khó khăn, nhưng, với quyết tâm cao độ, nó đã học lại được hết kiến thức bị rỗng trong thời gian qua. Thấy khuôn mặt rạng ngời của bố sau đi họp phụ huynh về, nó thấy rất vui và quyết tâm chăm chỉ hơn nữa. Lật lại trang nhật ký ngày nào, nó thêm quyết tâm phấn đấu. Nhất định kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 sẽ có kết quả tốt và kỳ thi đại học cũng vậy... Bố mẹ hãy tin tưởng ở con.
NGUYỄN THỊ VIỆT QUỲNH
(Khu 3, phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương)