Chú bé bán hương
Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:05, 17/04/2010
Minh họa: Phùng Anh Bản |
Dân phố thấy chú bé đến, nhà nhiều nhà ít đều mua hương của chú, kể cả không phải mồng một tuần rằm. Vì hương của chú bé rất thơm, vừa đậm đà vừa ngào ngạt mà các loại hương khác không bì được. Hơn thế, người ta mua hương còn vì có cảm tình với chú bé, thương chú đang tuổi ăn tuổi học mà đã phải bươn chải kiếm sống, trong khi nhiều đứa trẻ khác cùng trang lứa được đến trường, được sống trong no đủ... Đôi lần, chú bé bán hương đi qua một toà biệt thự nằm ở giữa phố nọ, nhưng toà nhà ấy ngày đêm kín cổng cao tường. Không chỉ chú bé, đến dân phố cũng chẳng ai biết trong toà nhà ấy có bao nhiêu người, thi thoảng người ta chỉ thấy một người phụ nữ tuổi ngoại tứ tuần, hẳn là bà chủ nhà, khi nghe tiếng chuông kêu thì gọi người giúp việc ra mở cổng, còn bà ta thì đứng im, không tỏ ra vồ vập để đón một người đàn ông vừa bấm chuông, chắc là ông chủ. Khi chiếc xe con của ông chủ vào lọt trong sân là cánh cổng sắt hàn tôn đóng sập lại ngay. Giao dịch hằng ngày với bên ngoài chỉ có người đàn bà giúp việc đã luống tuổi, còn đánh tiếng báo động có người lạ và bảo vệ toà nhà là một chú chó béc-giê gớm ghiếc như một con hổ đói.
Một hôm, nghe tiếng chó sủa oang oang mãi không thôi, bà giúp việc vội mở cái lỗ tròn nhỏ như miệng bát ăn cơm khoét trên cánh cổng sắt nhòm ra ngoài, nhìn thấy chú bé bán hương. Chú bé chìa một thẻ hương mời: “Bà mua giúp con”. Bà giúp việc khẽ nói: “Cháu đi đi, kẻo chó nó sủa mãi thì ...”. Chú bé vẫn vật nài : “Bà ơi, mua cho con một thẻ thôi mà”. Bà giúp việc chưa kịp đáp thì đã thấy bà chủ đứng đằng sau từ bao giờ. Bà chờ nghe tiếng gắt “ồn quá” của bà chủ như mọi khi có người lạ gọi cổng và chó sủa vang, nhưng lần này bà chủ gạt bà ra và cũng nhìn qua lỗ khoét trên cổng. Bà chú ý quan sát chú bé hồi lâu và bảo chú bán cho một thẻ hương. Bà chủ đem hương vào nhà, rút một nén châm lửa đốt. Bà không cắm hương vào bát hương trên ban thờ mà gài ngay ở bàn trang điểm trong phòng ngủ. Chỉ một lát, mùi hương thơm lan toả khắp phòng. Mùi hương dường như làm bà lặng đi. Bà khẽ thở dài, khoé mắt tự nhiên rơm rớm lệ...
Bẵng đi vài hôm, tưởng bà chủ đã quên cái chuyện mua hương, bà giúp việc không ngờ lại được dặn nếu chú bé bán hương đến thì báo ngay cho bà ta biết. Vài hôm sau, chú bé đến thật. Lần này, tự bà chủ ra mở cổng, gọi chú bé vào. Nhưng dường như lạ lẫm trước toà nhà sang trọng, thâm nghiêm, chú bé ngần ngại chỉ đứng ngoài cổng. Bà chủ lại ngắm nhìn chú bé lâu hơn lần trước rồi hỏi chú tên là gì, quê ở đâu, sống với ai, nhà có nghề làm hương hay chỉ buôn bán... Với bấy nhiêu câu hỏi, song chú bé chỉ ậm ừ, hình như không muốn trả lời. Chú nói nếu bà chủ không mua hương thì để chú đi sang nhà khác. Không thể nhận được thông tin gì, bà chủ đành thôi không gặng hỏi nữa. Nhìn theo cho đến khi chú bé đi khuất, bà lại thở dài...
Những cử chỉ của bà chủ không qua được mắt bà giúp việc. Trong chuyện này hẳn có gì ẩn khuất đây. Về làm “ô- sin” cho nhà này đã hơn năm năm, bà thường thấy bà chủ trầm lặng, ủ rũ nhưng chưa khi nào có biểu hiện phiền muộn như thế. Bà chủ rất kín tiếng, chưa bao giờ thổ lộ về thân phận của mình. Ngay cả với ông chủ, mặc dầu thi thoảng mới về thăm và tỏ ra săn đón, chiều chuộng nhưng bà lại không mấy vồn vã, trò chuyện cũng khá kiệm lời. Nhiều lần ông chủ muốn đưa bà chủ đi thăm thú, du lịch đó đây nhưng bà đều từ chối. Bà cũng có ít bạn bè, hiếm khi mới thấy một, hai bà bạn đến thăm và cũng chỉ ngồi chơi trong chốc lát. Tuy sống trong toà biệt thự đầy đủ tiện nghi, tự do tự tại, nhưng bà chủ không tỏ ra đài các, thỉnh thoảng mới dùng đến son phấn và ít khi ra ngoài. Bà giúp việc có cảm giác bà chủ sống khép kín và tâm tư cũng kín như bưng. Từ sau hôm mua hương và gặp chú bé, tâm tính bà chủ thêm nặng trĩu. Lần thứ ba sau khi chú bé bán hương đến, bà chủ nhờ bà bí mật bám theo, dặn đi dặn lại không được để chú bé nhìn thấy.
Hôm đó bán hết hương sớm, chú bé khấp khởi về nhà, không biết có người theo sau. Ra khỏi thành phố, chú nhảy chân sáo trên con đường rải đá dài hơn một cây số, rẽ vào một xóm nhỏ ven bờ sông Lương. Vượt qua mấy gian nhà tranh nghèo nàn, vắng vẻ ở cuối xóm, có lẽ chủ nhà đã đi làm hết, chú bé chạy ù vào một căn nhà xiêu vẹo. Chưa vào đến sân, chú đã gọi dồn:
- Bà ơi! Bà ơi! Cháu bán hết hương, về sớm hơn mọi ngày!
- Ừ. Sớm thật, cháu bà giỏi quá.
Chú bé mở túi, lấy ra một cái bánh chưng, bóc lá rồi đưa mời bà bằng hai tay rất lễ phép:
- Bà ăn đi ạ!
Chỉ đến lúc ấy, lúc bà cụ đưa một tay quờ quạng cầm phong bánh, huơ tay kia lần tìm xoa đầu cháu, bà giúp việc đứng nấp ở chái nhà nhìn vào qua khe vách tường mới nhận ra bà cụ bị mù và suýt kêu lên. Chao ơi, bà cụ chắc phải ngoài tuổi bảy mươi với thân thể gầy gò, yếu ớt thế kia mà trước mặt lại có một cái bàn làm hương, cạnh đó là những que hương vừa se xong để gọn gàng. Trong chiếc sân nhỏ, cũng có mấy cái mẹt phơi hương thành phẩm bó xoè ra như những đoá hoa. Hoá ra bà cụ bị mù, không nhìn được nhưng lại biết làm hương và làm rất khéo... Chợt bà cụ lắng nghe rồi đột nhiên hỏi cháu:
- Khôi ơi, ai về cùng cháu thế?
Biết là bị lộ, không để chú bé kịp trả lời và sợ lỡ việc, bà giúp việc vội bước vào nhà cất tiếng chào bà cụ, nói là đến mua hương. Chú bé cũng nhận ra bà, ấp úng hỏi không ra lời...
- Hương của cụ làm tốt lắm, để lâu không bở, không mốc mà mùi cũng thơm hơn hẳn hương của người khác - Bà giúp việc kiếm cớ bắt chuyện.
- Cảm ơn bà quá khen. Bà cụ móm mém cười đáp lễ - Tôi thì tâm niệm rằng, hương dùng để thắp lên cúng bái tổ tiên, kêu cầu trời phật, dẫn lối cho linh hồn người đã khuất không sa vào địa ngục nên phải làm cho thật cẩn thận, không chỉ bằng tay nghề khéo mà còn bằng cả tấm lòng thành kính, trong sạch của mình. Vì thế mà đốt hương lên là tâm động.
- Nhà cụ chỉ còn hai bà cháu thôi à?
Bà cụ trầm ngâm một lúc, một giọt lệ lăn ra từ khoé mắt bất động, nhăn nheo :
- Chẳng giấu gì bà, tôi cũng có một đứa con gái, chẳng biết nó trôi dạt phương nào, còn sống hay đã chết. Mỗi lần thắp hương tôi lại khấn nguyện, nếu nó còn sống thì ngửi mùi hương cũng sẽ động lòng.
- Đây là quê cụ?- Bà giúp việc hỏi.
- Không phải. Mấy năm trước bà cháu tôi bỏ quê đi lang thang nay đây mai đó, vừa làm nghề để kiếm ăn, vừa mong tìm được mẹ nó. Bây giờ thì tuyệt vọng rồi.
- Lang bạt như thế, chắc cháu cụ không thể học hành.
Bà cụ thẫn thờ đáp:
- Vâng, vì hoàn cảnh mà cháu tôi phải chịu thiệt thòi. Nhưng cũng may, bà cháu tôi dắt díu nhau đến đây đúng lúc tôi kiệt sức, được chính quyền và bà con thương tình cho ở lại, còn gom góp làm cho căn nhà này che mưa nắng. Bà cháu tôi ở đây đã hơn một năm, có lẽ “đất lành chim đậu”, không muốn đi đâu nữa. An cư để cháu nó còn được kiếm cái chữ.
Thằng Khôi nhanh nhảu khoe:
- Những lúc ở nhà, cháu vừa giúp bà làm hương, vừa được bà dạy học thuộc lòng, viết chữ, làm tính đấy!
Dọc đường về, bà giúp việc cứ bị ám ảnh bởi bà cụ già cả mà triết lý về hương thật sâu sắc, về chuyện đời éo le của bà cháu thằng Khôi - tên chú bé bán hương. Bà cụ vốn quê ở tỉnh khác, có nghề làm hương gia truyền. Bà cụ và cô con gái duy nhất nhờ nghề này mà cuộc sống cũng tươm tất. Rồi con gái bà đi lấy chồng. Chàng rể của bà là một người biết thương vợ và chịu khó làm lụng, khi sinh được thằng Khôi thì càng yêu quý vợ con. Có con cháu khoẻ mạnh, gia đình ấm êm, bà cụ tưởng hạnh phúc không gì bằng, nào ngờ lúc thằng Khôi vừa đầy tuổi thì tai hoạ ập đến. Bố nó bị tai nạn lao động và chết khi đang làm thợ xây ở một công trường xây dựng. Quá sức chịu đựng, mẹ nó suy sụp cả thể xác lẫn tâm tình, rồi như dở câm, dở điếc. Đã thế còn bị người nhà chồng ghẻ lạnh. Sống chẳng được, con gái bà bế con về ở cùng, tiếp tục nghề làm hương và đem hương đi bán để nuôi nhau. Nhưng khi thằng Khôi chưa đầy ba tuổi, mẹ nó bỏ hai bà cháu đi đâu biệt tích...
Nghe bà giúp việc kể lại chuyện bà cháu chú bé bán hương, bà chủ ngồi yên không tỏ thái độ gì, chỉ lẩm nhẩm nhắc đi nhắc lại “Khôi, Khôi à” và hỏi đường đến nơi hai bà cháu ở. Không một ai có thể biết sóng trong lòng bà đang cuộn lên, kể cả bà giúp việc đã như hình bóng với bà từ mấy năm nay, kể cả ông chồng rất mực thương yêu bà. Bà còn nhớ như in cái ngày khủng khiếp ấy. Bà đem hương đi bán dạo. Đến một làng nọ, không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà bà lại rẽ vào ngôi nhà “khỉ đột” đó. Ngôi nhà vắng vẻ, chỉ có một người đàn ông mặt mũi đỏ văng, đang líu lưỡi lè nhè bên đĩa lòng lợn ăn dở, chai rượu uống dở và một con dao bầu thái lòng lợn còn dính tiết. Gã gọi mua hương và bắt bà phải đốt cả một thẻ hương cho hắn kiểm mùi. Biết là gã đang say, bà nhẹ nhàng bảo gã : “Ông ơi, chỉ cần đốt một thẻ cũng đủ biết hương thơm như thế nào rồi”. Gã trợn mắt, nhìn xung quanh, huơ dao bầu gí vào cổ bà, bắt bà vào trong nhà... Rồi chuyện tồi tệ nhất đã xảy ra, bà yếu ớt không chống cự được. Nhục nhã làm bà không thiết sống nữa. Rồi cũng do quỷ ma sai khiến mà bà trốn nhà tìm ra bờ sông để tự giải thoát. Nhưng khi bà lao mình xuống nước thì ông ấy đã kịp cứu, sau đó cưu mang bà. Rồi bà làm vợ không hôn thú của ông ấy mấy năm nay, sống nhàn cư, ẩn mình trong toà biệt thự này cách ly với bên ngoài. Bà muốn như vậy để yên thân, để lánh xa bể khổ cuộc đời nhiều hơn là để tránh đòn ghen của bà vợ ông ấy. Nhưng trong một góc sâu thẳm của tâm hồn, ký ức vẫn ùa về đánh thức bà hằng đêm, khiến cho chiếc gối ướt đầm nước mắt. Chiếc bóng cô đơn, đôi lúc bà muốn rời bỏ nơi này, rời xa ông ấy, song phận bà đã như kẻ sa xuống địa ngục, không quê hương, không thân thích, biết đi đâu, về đâu...
Vậy là chú bé bán hương quen bà giúp việc. Hầu như mỗi lần đi qua đây, chú lại khẽ đập cổng, và khi bà giúp việc hé miếng tôn bịt cái lỗ khoét trên cánh cổng nhìn ra, chú lại đưa vào cho bà một thẻ hương nhưng không bao giờ nhận tiền. Con chó béc-giê hình như cũng bén hơi chú. Dù không nhìn thấy chú đứng ngoài cổng, nó vẫn quẫy đuôi và sủa vài tiếng có vẻ thân thiện. Chỉ có bà chủ nhà là cố tỏ ra bình thản. Nhưng càng làm ra vẻ bình thản, cử chỉ và lời ăn tiếng nói của bà càng gượng gạo. Đến một buổi sáng, bà dặn bà giúp việc trông nom nhà cửa cẩn thận để bà đi thăm bạn. Đó là một việc chưa từng có kể từ khi bà chủ về sống trong toà biệt thự này, nhưng bà giúp việc đã đoán biết bà chủ đi đâu nên ngoảnh mặt giấu nụ cười. Bấy giờ chú bé Khôi đi bán hương chưa về. Đến gần căn nhà liêu xiêu ấy, bà bước thật khẽ, cố không để phát ra một tiếng động nhỏ. Lại thêm những cơn gió thổi hun hút, khua như khua mõ vài thứ đồ dùng trong nhà, như khoả lấp đi sự có mặt kín đáo của bà. Quả nhiên, bà cụ đang se hương chợt dừng tay, ngẩng mặt, đưa đôi tròng mắt bất động nhìn quanh một lúc, chừng như lần này đôi tai thính không giúp gì được nên cụ lại cúi xuống cái bàn se hương... Trong khi đó, bà chủ toà biệt thự đứng như trời trồng, trân trân nhìn bà cụ. Trời ơi! Đôi mắt ấy, gương mặt ấy làm trỗi dậy trong lòng bà biết bao hoài niệm. Chỉ thiếu một chút nữa, nếu trong lòng không bất chợt nhói lên sự mặc cảm tội lỗi ngăn trở, bà đã lao vào trong nhà...
Bẵng đi hơn một tháng trời vắng bóng, hôm nay chú bé bán hương lại đến. Vẻ bơ phờ, đờ đẫn lộ rõ trên khuôn mặt chú bé khiến bà giúp việc phải hỏi:
- Cháu làm sao thế? Cháu ốm à? Ốm thì nghỉ, đừng đi lại nhiều...
- Cháu không ốm mà là bà cháu, bà cháu...- Chú bé nấc lên, đáp.
Bà giúp việc vội hỏi:
- Bà cháu làm sao?
Dường như không dám nói đến việc bà đã mất, chú bé chỉ nói đứt đoạn giữa những tiếng nức nở rằng mấy ngày cuối cùng, ngày nào bà cháu... cũng đốt hương, khấn vái... mong mẹ cháu về... hương thơm là thế... mà sao chẳng thấy... mẹ cháu động lòng... quay về với cháu. Bà giúp việc chợt hiểu ra có việc chẳng lành, nhưng sao bà cụ ra đi nhanh như vậy, mới hôm nào... Bà vội chạy vào nhà gọi bà chủ, chân ríu lại. Đến lượt bà chủ sững sờ, tin dữ đến quá đột ngột. Từ ngày gặp chú bé bán hương và biết tên chú là Khôi, bà đã ngờ ngợ nhưng không dám chắc. Bởi quê bà cách nơi này gần hai trăm cây số. Và mẹ bà sáng mắt, ánh mắt đôn hậu lúc nào cũng như cười với con, với cháu. Chỉ sau khi tự mình đi xác minh, bà mới tin chắc bà cụ làm hương bị mù chính là mẹ mình, hẳn là do cặm cụi suốt đêm ngày bên bàn se hương, hoặc là khóc thương nhiều lắm cho cuộc đời bất hạnh của cháu con mà đâm ra thế, còn thằng Khôi là con trai mình. Nhưng sự mặc cảm tội lỗi vì bỏ rơi hai bà cháu, chưa báo hiếu được gì mà chỉ làm khổ mẹ đã khiến bà không dám bước vào căn nhà lụp sụp ấy. Bà định bụng, chờ sau khi lấy lại can đảm sẽ đến tạ tội với mẹ. Nhưng bây giờ... Bà chỉ kịp bật ra mấy tiếng “Mẹ ơi! Khôi con ơi!” trước khi ngã ngất.
Vài ngày sau, người dân xóm nghèo ven sông thu nhận một thành viên mới. Bà chủ toà biệt thự nhất quyết từ bỏ cuộc sống no đủ, từ bỏ sự tù túng cô đơn để về sống với chú bé bán hương trong căn nhà của bà cụ mù loà vừa mới mất. Và những bó hương đều tăm tắp lại xoè ra trên chiếc sân nhỏ trông như những đoá hoa.
Truyện ngắn củaTRẦN PHONG SƠN