Suy nghĩ về việc xây dựng gia đình văn hóa

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 06:40, 19/04/2010

Xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiếnbộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, góp phần tạo nên thuần phong mỹtục, là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh.<!--Session data-->

Xây dựng gia đình văn hóa là nhu cầu rất cần thiết đối với mỗi người và mỗi gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, như Bác Hồ đã dạy: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành một xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn".

Gia đình có chức năng duy trì nòi giống, nuôi dạy con cái, lao động sản xuất tạo ra cuộc sống. Nhưng chức năng quan trọng nhất của gia đình là giáo dục con người, hình thành nhân cách và cung cấp những công dân có ích cho xã hội. Thực tế cho thấy việc xây dựng gia đình văn hóa đã được hình thành từ xa xưa, đây là nét gia phong trong mỗi gia đình. Đó là nếp sống, tôn ti trật tự "trên ra trên, dưới ra dưới", "kính già yêu trẻ", "kính lão đắc thọ", "uống nước nhớ nguồn"…

Điều quan trọng trước hết là việc thờ cúng tổ tiên, chăm sóc ông bà, cha mẹ, đây là điều không thể thiếu được trong mỗi gia đình Việt Nam. Đây cũng là nét đẹp văn hóa bởi một lẽ: Cây có cội, nước có nguồn, "ăn quả nhớ người trồng cây". Có tổ tiên, có ông bà, cha mẹ thì mới có mình. Chính vì vậy, việc giáo dục con người ở đây rất quan trọng, mà khâu giáo dục đó trước hết là ở gia đình vì con người từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành thì thời gian gắn liền với gia đình là chính, vì vậy chịu ảnh hưởng rất lớn của sự giáo dục trong gia đình. Con người ta tốt hay xấu phần lớn là do sự giáo dục của gia đình. Vì thế mới có câu: "Con người là sản phẩm của hoàn cảnh", "Cây xanh từ gốc", "Nước trong từ nguồn"… Qua đó ta mới thấy hết vai trò quan trọng của gia đình. Bác Hồ đã viết:
"Hiền dữ phải đâu là tính sẵnPhần nhiều do giáo dục mà nên"

Một trong những tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa là: "Ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu hiếu thảo". Có thể nói đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong gia đình, là cái gốc, là nền tảng của một gia đình văn hóa. Ông bà, cha mẹ phải luôn luôn là tấm gương sáng cho con cái noi theo. Trong tâm thức của con cái thì ông bà, cha mẹ có uy tín rất lớn. Người cha, người mẹ, không có đạo đức thì không thể nào giáo dục được con cái thành người có đạo đức được. Cha mẹ đối xử với ông bà thế nào thì con cái cũng sẽ đối xử lại như thế. Con cháu phải biết nghe lời ông bà, cha mẹ, anh chị em phải đoàn kết thương yêu nhau, "trong ấm ngoài êm", không làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật để ông bà, cha mẹ phải buồn phiền. Ngoài ra, phải biết chăm lo học hành tấn tới, yêu lao động để ông bà, cha mẹ vui lòng. Đây là tính nhân văn trong mỗi con người.

Việc xây dựng gia đình văn hóa ở đây không phải bó khuôn trong gia đình mà nó là hòa chung vào dòng họ, tình làng nghĩa xóm, cộng đồng xã hội, mọi người phải có trách nhiệm với nhau theo đúng nghĩa đồng bào. Đó là nếp sống văn hóa, là tính nhân văn.

Xây dựng gia đình văn hóa còn là việc mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các quy định, các hương ước của làng, xã... Xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, góp phần tạo nên thuần phong mỹ tục, là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh.

ĐỖ XUÂN THẢO