Đình cổ Vạn Niên- đặc trưng lối kiến trúc thế kỷ 17- 18
Di tích - Ngày đăng : 16:20, 19/04/2010
Đình cổ Vạn Niên (thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách) đặc trưng của của lối kiến trúc đình thế kỷ 17-18 với kiểu: tiền nhất, hậu đinh, quy mô lớn và đồng bộ từ tam quan,giải vũ, tiền bái và hậu cung.
Cổng đình Vạn Niên. Ảnh T.H |
Đình Vạn Niên thờ Nguyễn Quý Minh, người có công giữ nước thời Lê Thánh Tông.
Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, trùng tu vào năm Tự Đức thế kỷ XIX (1866). Kiến trúc đền theo kiểu tiền nhất, hậu đinh, quy mô lớn và đồng bộ từ tam quan, giải vũ, tiền bái và hậu cung. Mặt tiền nhìn về hướng tây. Tuy bị xuống cấp và sửa chữa nhiều lần nhưng quy mô kiến trúc còn khá đồng bộ.
Đình không còn cột đồng trụ, tam quan được xây dựng vào thế kỷ XX, khá lớn, dài 11,5 m, rộng 3,5m, cao 7m. Cửa xây cuốn. Từ tam quan vào tền tế qua một sân rộng tới 200 mét vuông. Tả hữu có giải vũ, mỗi cái 5 gian (11m x 3m).
Tiền tế có 5 gian, hạ xối, kiểu 4 mái dài 19,2m, rộng 8,8m tính từ chân cột quân, 8 cột cái cao 3,8 m, đường kính 36,6 cm. Cột quân 16 cái, cao 3m, đường kính 27cm. Các vì làm theo kiểu con chồng đấu sen, chạm rồng và hoa lá cách điệu, nét chạm sâu khỏe khoắn. Bờ nóc có đắp hoa chanh, các đao quột mềm mại kiểu rồng chầu, phượng mớm.
Cách tiền tế 2m về phía đông là trung đình, có chiều dài như tiền tế nhưng lòng rộng hơn10,4m, cột cái đường kính 42,6m, cột quân cao 2,7m. Đình trung cũng hạ xối, tạo dáng 4 mái cong, phong cách kiến trúc tương tự như tiền tế nhưng còn giữ được nhiều mảnh điêu khắc thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Các hình tứ linh đều có đao hỏa. Trước đây, trần gian giữa ghép ván, sơn son, vẽ mây tản, hai gian kế tiếp có sàn nhưng đã bị hư hại trong kháng chiến chống Pháp.
Tiếp nối trung đình là hậu cung 2 gian với kiến trúc con chồng, cánh sen giản dị nhưng vững chắc. Tại đây dặt ngai thờ Thành hoàng và bài trí nhiều đồ tế tự có giá trị, tiêu biểu là 2 bộ cửa võng sơn son thiếp vàng. Đình tiếp tục được trùng tu vào các năng 1997-2000.
Lễ hội hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng. Hội có nhiều trò vui dân gian, trong đó có trò " xông hệ", một hình thức tái hiện chiến công của Thành hoàng.
Đình được xếp hạng di tích vào năm 1992.
(Theo Địa chí Hải Dương)