Đồng đội cũ

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:06, 24/04/2010


Mấy hôm nay bà Hòa bực mình ra mặt. Tự dưng có một ông lão lù lù dẫn xác đến nhà, giới thiệu là bạn ông Phác nhà bà, lặn lội từ tận Lâm Đồng ra. Ban đầu, bà cũng đon đả, cũng ngọt ngào. Bạn bè của chồng, hàng năm hàng đời mới lại chơi có mấy ngày, chẳng lẽ lại nọ kia. Bà đâu phải là người hẹp bụng. Nhưng cái ông bạn này xuất hiện, tự dưng lại làm cho chồng bà cuống lên. Thoạt tiên là rối rít tít mù ôm nhau, là cười cười, khóc khóc, sờ nắn chân tay nhau. Rồi sau đó là hỏi han, câu nọ chen câu kia, chẳng biết đâu mà lần. Khách ngồi chưa ấm chỗ, bà chưa hỏi han được câu gì cho phải phép, mới pha được ấm trà, gọt được đĩa hoa quả mang lên, ông Phác đã cuống cuồng ôm điện thoại, gọi đi những đẩu những đâu, rồi dong xe máy ra, lôi tuột ông bạn đi mất. Bà chỉ loáng thoáng nghe thấy ông bảo tớ phải đưa cậu đến gặp tay ấy, tay nọ… Chúng tớ vẫn nhắc cậu suốt. May thế, tự dưng có dịp gặp nhau thế này…

Ông Phác đi, không phải một chốc một lát mà về. Ông đi biệt ba ngày, chỉ điện về cho bà, bảo chưa về được. Anh em bè bạn lâu ngày gặp nhau vui quá. Ban đầu thì bà thông cảm, thậm chí vui lây với niềm vui của chồng. Nhưng rồi đến ngày thứ 2 thì sốt ruột vô kể. Đã khi nào ông ấy “quên điều độ” như thế đâu. Gặp bạn bè, đi miết thế, rồi kiểu gì mà chẳng rượu chè, bia bọt. Ông ấy vừa tim mạch, vừa cao huyết áp, phải kiêng từng tí một, bà nhắc suốt. Bây giờ vui bạn vui bè, không khéo công chữa bệnh bao năm thành công cốc, rồi khổ vợ khổ con. Cái tính hào hứng với bạn bè của ông ấy, bà lạ gì.

Đã thế, thằng con trai út lại thỉnh thoảng buông một câu làm bà thêm bực mình:
- Cái ông bạn bố buồn cười nhỉ mẹ nhỉ!
Bà Hòa gắt:
- Buồn cười cái gì mà buồn cười!
- Thì trông ông ấy cứ… cũ cũ người thế nào ấy! Vừa đến nhà mình, chưa kịp biết tên ông ấy là gì, đã lại biến mất cùng với chủ nhà!

Bà Hòa lặng im. Chẳng nhẽ lại để con nó biết rằng mình đang bực bội quá chừng. Vài phút sau, đã thấy ông Phác gọi điện về, lần này thì nói năng thì thào chứ không hào hứng oang oang như lần trước gọi về thông báo vui bạn vui bè chưa về được.
- Bà này, bà chuẩn bị sẵn cho tôi ít tiền nhé!
- Tiền gì? Bà Hòa gần như gào lên. Tiền để làm gì? Bao nhiêu?
Ông Phác vẫn thì thào như sợ ai nghe mất:
- Thì chừng dăm bảy triệu gì đó. Lát nữa tôi về, tôi sẽ nói sau. Bà cứ chuẩn bị ngay đi nhé!

Không kìm giữ được nữa, bà Hòa cáu um lên với thằng con trai út, dù nó chẳng phải nguyên nhân gây ra chuyện này. Đi mải đi miết mấy ngày mới về, rồi tự nhiên lại bắt chuẩn bị tiền. Tiền để ông ấy làm cái gì không biết. Năm bảy triệu chứ có ít đâu. Cứ làm như tiền là vỏ hến, nếu cần thì ra bờ sông lấy rổ mà xúc không bằng. Thằng con ngồi ngẩn mặt, rồi đoán:
- Hay là để bố cho cái ông bạn từ trên giời rơi xuống ấy? Đúng rồi, trông ông ấy nghe chừng cũng “hoàn cảnh” lắm… Có khi thế thật mẹ ạ!

Nghe con nói thế, bà Hòa càng khó chịu. Đến anh em còn “kiến giả nhất phận” nữa là bạn bè. Cho vay cũng cứ phải về bàn bạc với bà, hỏi  bà cái đã, chưa nói gì đến chuyện biếu nhau hẳn ngần ấy tiền. Đã thế, bà cứ ngồi ỳ ra đây, không chuẩn bị chuẩn  biếc gì , xem ông ấy bảo sao. Nếu cần, bà sẽ nói. Hai vợ chồng già về hưu, lương được mấy đồng mà ông ấy sĩ diện bạn bè!

Ông Phác về, không  phải chỉ cùng ông bạn “cũ cũ người” mà còn thêm năm ông nữa. Năm ông này thì bà Hòa biết. Toàn bạn đồng ngũ với ông Phác ngày xưa, giờ ở ngay trong thành phố này. Bảy ông già cười nói ầm nhà, cứ như bọn thanh niên. Ông Phác trịnh trọng kéo ông bạn Lâm Đồng đến trước mặt vợ:
- Tôi xin lỗi bà vì mải đi suốt mấy ngày, chưa giới thiệu cho ra đầu ra đũa. Bà thông cảm nhé, vì tôi mừng quá. Đây là bác Ngũ…

Ông Phác mới chỉ kịp nói đến đấy, bà Hòa đã trố mắt, ớ người, nhìn chằm chằm vào cái ông bạn “cũ cũ người” của chồng. Ông Ngũ à? Hơn ba chục năm nay, ông Phác nhắc về ông Ngũ không biết bao nhiêu lần. Ông Ngũ là đồng đội cũ của chồng bà. Hai người cùng tiểu đội, vào sinh ra tử với nhau bốn năm ròng tại chiến trường miền Nam. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông Ngũ luôn khao khát một mái ấm gia đình, khao khát tình yêu thương. Vào bộ đội, ông sống hết lòng với đồng đội. Nhóm đồng hương Hải Dương kết nghĩa anh em ngày ấy có chín người.  Hai người đã hy sinh, còn bảy. Ông Phác cứ kể đi kể lại với vợ con những ngày đói kém, giặc càn ác quá, không thể đi lấy lương thực, ông Ngũ nhường cả suất ăn ít ỏi của mình cho bạn. Hồi ấy ông Phác mới bị  thương, người yếu. Ông Ngũ toàn giả vờ đã kiếm được cái ăn trong rừng để nhường mấy mảnh lương khô cho ông Phác. Rồi một lần, sau trận đánh, hai người lạc đơn vị, gặp máy bay của địch oanh tạc, ông Phác đã được ông Ngũ xô vào hốc đá, lấy thân của mình che bên ngoài. Ông Ngũ dính mảnh bom, gãy ba dẻ xương sườn. Ông Phác khóc, hỏi tại sao làm thế. Đã là anh em đồng đội thì vinh quang cùng hưởng,  bom đạn cùng chia cơ mà. Ông Ngũ thều thào bảo: Mày còn gia đình, còn bố mẹ già với người yêu ở quê. Mày phải sống, phải trở về. Còn tao, tứ cố vô thân, không ai mong đợi, có mệnh gì hệ cũng chỉ chết một mình tao, chẳng ai phải đau khổ… Sau đận ấy, hai người phải chia tay nhau. Ông Ngũ về tuyến sau chữa vết thương. Thế rồi mất liên lạc. Hòa bình, ông Phác và đồng đội tìm nhưng chẳng biết ông Ngũ ở đâu. Về tận quê ông ấy cũng không thấy. Chắc ông Ngũ đã định cư ở nơi nào đó, vì quê hương bản quán cũng chẳng còn ai thân thích…

- Ôi giời ơi, bác là bác Ngũ thật đấy à? Thế bao nhiêu năm nay bác ở đâu, làm ông ấy nhà em cứ khắc khoải mãi- Bà Hòa bật lên.
Ông Ngũ cười hiền lành:
- Hết chiến tranh, tôi ở lại Tây Nguyên, lấy vợ rồi lập nghiệp luôn trong ấy. Nghĩ về quê cũng chẳng còn ai… Với lại, ngày ấy tôi yếu lắm. Đầy mình bom đạn…
Thằng con trai út của bà Hòa từ nãy đến giờ đứng yên trong góc nhà quan sát “cánh già”, giờ cũng lên tiếng:
- Bác đúng là bác Ngũ ngày xưa che bom cho bố cháu phải không?

Bà Hòa sai con vù ra chợ mua lấy ít đồ nhắm để “bố mày với các bác liên hoan. Không có bác Ngũ đây  che bom cho bố mày thì cũng chẳng có mày đâu con ạ”. Ông Ngũ kêu: "Suốt ba ngày nay chúng tôi liên hoan rồi chị ạ. "Bà  Hòa bảo": Kệ! Mấy khi anh em đồng đội gặp nhau". Thằng con vù xe đi, bà lại xoắn xuýt hỏi han ông Ngũ về gia cảnh. Đến khi biết được cả hai con ông Ngũ đều bị di chứng chất độc màu da cam thì bà khóc. Phụ nữ vốn mau nước mắt.
Ông Ngũ lại cười hiền:
- Không sao đâu, ngày xưa bom đạn bời bời còn chịu được, nữa là bây giờ, hai ông bà già chỉ phải chăm có hai đứa con. Chúng nó bệnh tật nhưng được cái hiền lành, không la hét, đập phá gì. Cũng vì lẽ phải ở nhà chăm chúng suốt ngày nên bao nhiêu năm nay tôi không về quê, không liên lạc gì với bạn bè. Giờ, nghĩ mình cũng gần đất xa trời, gặp được nhau thế này là mừng rồi. Chỉ thương những người nằm lại chiến trường…

Đến khi các ông tàn tiệc, bà Hòa đã chuẩn bị xong quà cáp, tiền nong. Ông Phác chỉ dặn năm bảy triệu, nhưng bà đếm lấy đủ mười triệu. “Xương máu bác ấy còn chẳng tiếc, mạng sống bác ấy còn chẳng tiếc để cứu cái ông Phác cà tẩm nhà này. Mấy đồng bạc gọi là  giúp bác ấy tàu xe, bõ gì”, bà Hòa cứ vừa lục cục gói ghém đồ đạc vừa nghĩ. Ngoài nhà, mấy ông đồng đội cũ nhắc lại kỷ niệm chiến trường rồi lại ôm nhau khóc như trẻ nhỏ.

Truyện ngắn củaTHẢO PHƯƠNG