Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tai xanh ở Tứ Kỳ
Tin tức - Ngày đăng : 06:28, 27/04/2010
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến yêu cầu huyện Tứ Kỳ phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, chỉ đạo quyết liệt và thực hiện tốt việc dập dịch tai xanh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến kiểm tra tại trang trại nuôi lợn của ông Bùi Văn Nhiên ở xã Văn Tố. |
Huyện Tứ Kỳ hiện có 10 trong tổng số 27 xã, thị trấn xuất hiện dịch tai xanh ở lợn, khiến 2.914 con nhiễm bệnh. Đến 25-4, toàn huyện có 1.304 con đã chết, buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng 50 tấn, ước trị giá 1,1 tỷ đồng. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp bao vây, dập dịch nên 7 ngày qua không có thêm xã xuất hiện dịch. Tuy nhiên, lợn mắc bệnh trước đó vẫn tiếp tục bị chết, phải tiêu hủy từ 50 đến 70 con/ ngày.
Làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, UBND và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Tứ Kỳ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến biểu dương những nỗ lực của huyện trong việc khoanh vùng, dập dịch, kịp thời ứng trước kinh phí cho những xã khó khăn, đặc biệt không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết bừa bãi. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Dịch tai xanh còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong tháng 5, tháng 6 tới, nếu không có biện pháp chủ động, bao vây, dập dịch kịp thời và hiệu quả. Do chăn nuôi theo quy mô hộ, việc tiêm phòng cho lợn đạt tỷ lệ thấp nên số lợn nhiễm tai xanh, mất khả năng kháng bệnh, dẫn đến bị chết rất cao. Mặt khác, một số chính quyền cơ sở, và nhiều người dân còn lơ là, chủ quan trước diễn biến của dịch nên dịch lây lan nhanh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành thú y cần rà soát lại mạng lưới, kiểm điểm rõ trách nhiệm và đánh giá đúng thực chất hiệu quả hoạt động của ngành. Đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở phải chuyên nghiệp hơn và phải tham mưu tốt cho các cấp chính quyền trong việc tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi, vì đây là giải pháp cốt lõi nhất để hạn chế và dập tắt tận gốc nguồn lây lan dịch bệnh; đề xuất với tỉnh cơ chế hỗ trợ tiêm phòng bắt buộc, hỗ trợ cho người bị thiệt hại bởi dịch tai xanh và cơ chế liên quan khôi phục đàn lợn sau dập dịch. Huyện Tứ Kỳ cần phát huy hơn nữa hiệu quả bước đầu công tác bao vây, dập dịch tai xanh; phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, chỉ đạo quyết liệt và thực hiện tốt việc dập dịch tai xanh. Từ thực tế của huyện, Tứ Kỳ cần có chính sách khôi phục đàn lợn nái, tạo nguồn cung ứng giống phục vụ chăn nuôi lợn thương phẩm, nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục và phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến cũng đã kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh tai xanh tại các trang trại của ông Bùi Huy Hạnh, ở xã Tái Sơn và Bùi Văn Nhiên, ở xã Văn Tố.
* Trạm thú y Thanh Miện cho biết, dịch bệnh tai xanh đã xuất hiện trên đàn lợn trong trang trại của chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn, ở thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền. Từ ngày 16-4 đàn lợn của chị Nhạn có biểu hiện ốm. Gia đình đã chữa trị nhưng không khỏi. Đến ngày 23-4, có 15 con trong đàn bị chết. Sau khi kiểm tra, Chi cục Thú y tỉnh đã kết luận: đàn lợn nhiễm dịch bệnh tai xanh. Xã Ngô Quyền đã thành lập chốt kiểm dịch ở hai đầu thôn Phạm Lý, rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng chuồng trại các hộ chăn nuôi trong thôn và toàn bộ đường làng, ngõ xóm. Ngoài ra, xã còn thành lập đội kiểm tra lưu động, cấm toàn bộ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn.
Như vậy, dịch tai xanh đã lan rộng ra 6 huyện: Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Thanh Hà và Thanh Miện.
CÔNG ĐẠO - VỊ THỦY