Đoàn Thượng - trung thần triều Lý
Danh nhân - Ngày đăng : 14:01, 28/04/2010
Đoàn Thượng là dũng tướng hết mức trung thành với triều Lý. Sau khi Lý Chiêu Hoàng thoái vị, nhường ngôi cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông), ông không quy phục nhà Trần, sau đó tương truyền ông bị Trần Thủ Độ sát hại.
Đình Tây An (Gia Lộc, Hải Dương), nơi thờ danh nhân Đoàn Thượng |
Đoàn Thượng, sinh vào cuối thế kỷ XII, quê làng Trung Độ, Hồng Châu, nay thuộc xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc.
Ông là một trung thần và dũng tướng đời Lý Huệ Tông, có sức khoẻ phi thường. Năm Nhâm Thân (1212), trong nước nhiều biến loạn, triều đình cử Đoàn Thượng về Hồng Châu mộ dân đánh giặc, ông có sức khoẻ phi thường, tương truyền, với một ngựa, một đao ông có thể xông vào đánh tan cả một đạo quân. Quân giặc nghe đến tên ông đã đủ sợ hãi.
Sau khi Lý Chiêu Hoàng thoái vị, nhường ngôi cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông), nhà Lý chấm dứt, Đoàn Thượng không quy phục nhà Trần, khước từ mọi bổng lộc và chức tước, chống lại việc sát hại con cháu nhà Lý. Trần Thủ Độ thấy ông là bậc anh hùng, sai người tới dụ, hứa phong vương và gả công chúa cho, ông không màng, quyết giữ đất Hồng Châu, xây thành đắp luỹ, chống lại nhà Trần, mong muốn khôi phục triều Lý, giữ trọn tiết nghĩa. Trần Thủ Độ nhiều lần mang quân đến đánh nhưng không thắng được.
Năm Mậu Tý (1228), trong một trận đánh ở Yên Nhân (nay thuộc Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên), Trần Thủ Độ lập mưu, giả vờ giảng hoà, rồi cho Nguyễn Nộn từ Bắc Giang mang quân đánh úp. Khi kịch chiến, ông bị chém vào cổ bị thương nặng rồi chết.
Về cái chết của Đoàn Thượng có nhiều giai thoại. Truyện kể rằng: khi bị chém vào cổ gần đứt, ông còn quay lại, tướng nhà Trần sợ hãi bỏ chạy. Ông liền cởi dây lưng buộc cổ, rồi phi ngựa về phía đông. Đến Yên Nhân, một cụ già nhìn thấy nói: "Tướng quân trung dũng lắm, thượng đế đã kén ngài làm Thần ở đất này rồi". Đoàn Thượng phi ngựa đến gò đất cụ già chỉ, nằm xuống, một lúc thì chết, không bao lâu sau, mối đùn đất lên, thành mộ. Nơi ấy, nay thuộc thôn Đông Đạo, xã Yên Phú, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Lại có giai thoại: Đoàn Thượng bị quân Nguyễn Nộn chém, đầu rơi ở Bần Yên Nhân, nhưng thân vẫn nằm trên lưng ngựa, đến Mao Điền (nay thuộc huyện Cẩm Giàng) mới rơi, do vậy dân gian mới có câu: đầu Bần, thân Mao. Hai nơi này đều có đền thờ ông. Hằng năm, đến ngày 11-4, các đền hoặc đình làng thờ ông làm Thành hoàng đều mở hội, tổ chức tế lễ trọng thể.
Sau khi qua đời có nhiều nơi thuộc Hồng Châu thờ ông làm Phúc thần với danh hiệu Đông Hải đại vương. Tại Yên Nhân có một ngôi đền lớn thờ Đoàn Thượng.
Nhiều triều đại sau phong ông là Bảo quốc an dân nhất đẳng thần, gia phong nhiều mỹ tự. Hậu duệ của ông ở Hồng Châu, nhiều người thành đạt.
(Theo Địa chí Hải Dương)