"Lính 30-4" giỏi làm kinh tế

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:35, 29/04/2010

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm nhưng những “người lính 30-4” vẫn phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đi đầu trên “mặt trận” làm kinh tế, trở thành những tấm gương sáng trong xóa đói giảm nghèo.

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm nhưng những “người lính 30-4” vẫn phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đi đầu trên “mặt trận” làm kinh tế, trở thành những tấm gương sáng trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Cựu chiến binh (CCB) Vũ Ngọc Khánh, ở phường Bình Hàn, hiện đang thuê đất làm trang trại ở phường Việt Hòa (đều thuộc TP Hải Dương). Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, bác cùng đơn vị tham gia phục vụ chiến đấu tại tỉnh Quảng Trị. Bác bị thương và được chuyển ra điều trị tại các viện điều dưỡng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Sau nhiều năm điều dưỡng, năm 1990, bác trở về quê hương, là thương binh hạng 1/4, hỏng 1 mắt, mất 85% sức lao động. Khi đó, đời sống gia đình bác gặp rất nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, bác tìm cách làm ăn. Năm 2000, chính quyền thành phố tạo điều kiện cho gia đình bác thuê lại 10 nghìn m2 đất của trại thực phẩm thuộc Công ty Thực phẩm Hải Dương tại phường Việt Hòa. Vay mượn anh em, bạn bè, cộng với vốn tự có của gia đình được khoảng 70 triệu đồng, bác đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chuồng trại, mua lợn giống và cây cảnh giống các loại. Ban đầu, do không đủ vốn để làm ăn lớn nên bác áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, lấy công làm lãi. Để có thêm kinh nghiệm sản xuất, bác tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật do Hội CCB các cấp tổ chức; đi tham quan các mô hình trang trại và làm cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao của thành phố và các huyện lân cận; tìm đọc các tài liệu, sách báo hướng dẫn cách nuôi, chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho đàn lợn; cách trồng, chăm sóc, tạo dáng cây cảnh. Có kiến thức, có kinh nghiệm, bác mạnh dạn đầu tư, cải tạo chuồng trại, mua cây, con, giống tốt và tìm đầu ra cho sản phẩm nên việc làm ăn của gia đình ngày càng phát triển. Hiện nay, trang trại của bác có 30 ngăn chuồng nuôi lợn thịt, với tổng diện tích trên 400 m2. Bác thường xuyên tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên không để xảy ra dịch bệnh. Trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 200 con lợn thịt. Bình quân, một năm bác xuất 4 lứa lợn, thu lãi gần 100 triệu đồng. Trong vườn nhà bác hiện có gần 1.000 cây cảnh các loại, gồm: sanh, đa, lộc vừng… trị giá khoảng 500 triệu đồng. Trang trại của bác tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng.


Bác Đức kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất bán
Năm 1968, bác Ngô Quý Đức, ở xã Gia Khánh (Gia Lộc) tình nguyện lên đường nhập ngũ, rồi được cử vào đơn vị cơ yếu thuộc Bộ Tư lệnh mặt trận B3 (mặt trận Tây Nguyên), làm nhiệm vụ nhận, dịch và chuyển các bức điện mật mã của Bộ Tư lệnh và Bộ Chỉ huy các chiến dịch. Bác cùng đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh. Xuất ngũ về quê hương, do đời sống khó khăn, năm 1987, hai vợ chồng bác chuyển lên thị trấn Gia Lộc mở cửa hàng buôn bán phân đạm. Không đủ tiền mua nhà, bác phải đi thuê nhà, thuê cửa hàng nên lời lãi không đáng là bao. Năm 1990, bác chuyển sang nghề xay xát, chế biến lương thực. Vay mượn anh em, họ hàng được 30 triệu đồng, bác đầu tư mua 1 máy xát gạo và mua lại quỹ thóc của các HTX về xay xát, chế biến rồi xuất bán. Làm ăn có lãi, nên 3 năm sau, bác đã trả hết nợ và mua  đất, xây nhà, cửa hàng ở thị trấn Gia Lộc. Bác liên hệ với một số chủ vựa thóc gạo lớn ở miền Nam để mua gạo về đánh bóng lại rồi xuất đi các tỉnh. Do luôn giữ chữ tín, cung cấp gạo bảo đảm chất lượng, đúng chủng loại, đủ số lượng nên cơ sở làm ăn của bác ngày càng được khách hàng tín nhiệm. Hiện nay, bình quân mỗi tháng bác xuất bán 300 - 500 tấn gạo các loại đi các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, thu lãi 30 - 50 triệu đồng. Cơ sở của bác tạo việc làm cho 13 lao động, với mức thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 15.960 CCB từng tham gia các chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Hầu hết các CCB đều tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “CCB gương mẫu”; tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; gương mẫu đi đầu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Các cấp Hội CCB trong tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa như giúp nhau vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; biểu dương cán bộ, hội viên CCB làm kinh tế giỏi… Nhờ đó, những người “lính 30-4” có điều kiện để phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế, trở thành những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

HẠNH DUYÊN