Đưa nghề mới tới nông dân

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:15, 30/04/2010

Những năm qua, Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) tích cực khôi phục và phát triển nhiều nghề truyền thống, đưa thêm nhiều nghề mới vào các địa phương, nhằm tạo ra nhiều việc làm cho nông dân.


Cơ sở sản xuất mây tre đan của gia đình ông Nguyễn Thành Xuân, ở xãThanh Giang (Thanh Miện) tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động,với mức thu nhập hơn 1 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện chủ trương "Ly nông bất ly hương", những năm qua, Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) tích cực khôi phục và phát triển nhiều nghề truyền thống, đưa thêm nhiều nghề mới vào các địa phương, nhằm tạo ra nhiều việc làm cho nông dân.

Thêu là nghề mới được đưa vào thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Chị Nguyễn Thị Hương, một người được học nghề cho biết: Trước đây, chị em trong thôn An Dương thường sang xã Nhật Quang (Phù Cừ, Hưng Yên) học nghề thêu và làm thuê, chi phí ăn ở, đi lại tốn xém nên lợi nhuận thu được ít. Đầu năm 2008, Trung tâm Khuyến công mở một lớp dạy nghề thêu tại địa phương, chị cùng đông đảo chị em trong thôn đã tham gia. Tham gia lớp học, chị không chỉ được học nghề, các kỹ năng cần thiết để làm ra sản phẩm bền, đẹp mà còn được hỗ trợ nguyên vật liệu trong thời gian học nghề. Sau 3 tháng học, tay nghề của chị được nâng lên. Sản phẩm làm ra mịn hơn, có độ bóng, ít lỗi. Nghề này không cần bỏ vốn mà thu nhập cũng khá, lại làm được mọi lúc, trẻ con cũng làm được, nên thu hút khá nhiều người. Từ nguồn thu nhập thêm, nhiều chị đã cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình. Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam, cho biết: Thêu hiện đang là nghề chính của chị em thôn An Dương lúc nông nhàn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện sản phẩm thêu nơi đây đã xuất ra cả nước ngoài. Cuối năm 2008, An Dương được công nhận là làng nghề.

Thôn Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành (Kim Thành) vốn có nghề làm hương truyền thống. Trước đây, các hộ làm nhỏ lẻ, kỹ thuật thủ công. Tháng 9-2009, Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) mở lớp nâng cao tay nghề cho 50 lao động. Khóa học kéo dài trong 2 tháng. Kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ học nghề. Ông Vũ Văn Sai, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành, cho biết: Việc Trung tâm Khuyến công tỉnh mở lớp học ở Phúc Thành đã tạo thuận lợi cho người dân được nâng cao tay nghề, nhiều kỹ thuật mới được đưa vào giúp cho người dân làm nhanh hơn, nén hương có mùi thơm nồng, độ bền của hương giữ được lâu hơn. Nghề làm hương đã giải quyết việc làm cho 150 lao động địa phương với thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Nhân dân đóng góp xây dựng các công trình đường, điện, trường học, nhà văn hóa... Các tệ nạn xã hội cũng được đẩy lùi. Cũng trong năm 2009, Trung tâm Khuyến công tỉnh còn kết hợp với Công ty TNHH TBT (Thanh Hà) tuyển chọn và  mở lớp đào tạo nghề may cho 150 học viên là người địa phương chưa biết nghề may. Hầu hết các em đều tốt nghiệp THPT, ở nhà chưa có việc làm. Sau 3 tháng đào tạo, các em được nhận vào làm việc ngay tại công ty.

Những năm qua, dạy nghề được coi là nhiệm vụ quan trọng trong công tác khuyến công. Để việc dạy nghề đạt hiệu quả cao, trước khi tổ chức lớp học, cán bộ của trung tâm phải tìm hiểu điều kiện thực tế địa phương, nhu cầu học nghề của người dân, điều kiện phát triển nghề... Với đặc thù của trung tâm là ít cán bộ nên công tác dạy nghề đã có cải tiến cho phù hợp. Giáo viên là những người có tay nghề cao tại địa phương, trung tâm hỗ trợ phần kinh phí, nguyên vật liệu. Cùng với học lý thuyết, các học viên được thực hành trên sản phẩm. Giáo viên dạy theo hình thức "cầm tay chỉ việc" nên những vướng mắc trong quá trình học đều được giải quyết nhanh chóng. Kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ học nghề. Thông qua những lớp học này, nhiều địa phương không có nghề thì được đưa nghề mới vào, nghề đang mất dần thì được khôi phục. Nhiều nơi đã trở thành làng nghề như nghề mộc ở Bình Xuyên (Bình Giang), nghề làm chiếu cói thôn Nhan Bầu, xã Thanh Hồng (Thanh Hà). Mỗi năm, trung tâm giúp từ 5 đến 7 làng được công nhận là làng nghề.

Trong năm 2009, Trung tâm Khuyến công đã triển khai 24 đề án với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Trong đó có 19 đề án khuyến công địa phương được tổ chức thực hiện tại 17 xã của 11 huyện trong tỉnh với 28 lớp được mở, 1.300 lao động được đào tạo nghề như chế biến nông sản, may, mộc mỹ nghệ, thêu, ren... 5 đề án khuyến công quốc gia với 30 lớp học được mở chủ yếu dạy may công nghiệp và dệt len xuất khẩu, đào tạo nghề cho 1.500 lao động nông thôn tập trung ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Thanh Miện.

Đạt được kết quả trên là do những năm qua, công tác khuyến công đã chú trọng đầu tư chiều sâu, tích cực tìm kiếm những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động và thực tế địa phương nên các nghề mới tồn tại và phát triển được.

NGỌC THỦY