“Siêu” khuyến mại di động: Ai được, ai mất?

Thị trường - Ngày đăng : 15:03, 06/05/2010

Cuộc đua giữa các nhà mạng di động bắt đầu nóng bỏngvới các chiêu thức lần đầu tiên được sử dụng. Khi yếu tố cạnh tranh dần trởnên khốc liệt hơn thì khách hàng là người đầu tiên được hưởng lợi.


Cuộc đua sinh tử

Trên lý thuyết, hiện trong nước đang có tới 8 mạng di động nhưng đủ tầm cạnh tranh “sinh tử” với nhau thì chỉ có 2 “ông lớn” VNPT (gồm Mobifone và VinaPhone) và Viettel. Trong nhiều năm qua, hai đối thủ truyền kiếp này luôn hằm hè nhau từng % thị phần trong lĩnh vực di động. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính tới hết quý I/2010, VNPT đang có 53,8 triệu thuê bao di động, còn Viettel đứng thứ hai với 47,5 triệu thuê bao. Phần còn lại (khoảng 17 triệu thuê bao di động) là do các mạng di động nhỏ khác chiếm giữ.

Trong bất cứ cuộc đua cạnh tranh nào thì chiêu thức giảm giá khuyến mại luôn được các đối thủ tận dụng tối đa. Và điều này lại càng đúng với mảng di động hiện nay. Các “ông lớn” tung ra khuyến mại thì là một nhẽ, nhưng ngay cả những mạng mới, nhỏ hơn và yếu hơn cũng không hề tỏ ra kém cạnh. Có lẽ đã xác định trước tâm lý không cạnh tranh “khủng” thì không xong, nên ngay từ ngày đầu xuất hiện Beeline đã nổi danh với gói cước “gọi quên ngày tháng” Big Zero. Đây là phát súng khơi mào đầu tiên cho cái gọi là “siêu cạnh tranh” mà tác dụng của nó cho tới giờ mới trở nên rõ nét.

Khi thấy đối thủ tung chiêu thì ngay lập tức các nhà mạng cũng có động thái đáp lễ không thể kém hơn. Cuối tháng 4 vừa qua, cả Mobifone và VinaPhone đều tuyên bố triển khai đợt “siêu khuyến mại”, theo đó khách hàng hòa mạng trả sau trong thời gian 20/4 đến 20/5 sẽ được miễn phí các cuộc gọi nội mạng (cả di động lẫn cố định) trong vòng 12 tháng.

Ngay sau động thái này, Viettel cũng công chương trình siêu khuyến mãi cho phép khách hàng chỉ phải trả 1.000 đồng mỗi ngày. Cụ thể là từ nay đến hết 31-5, khách hàng hòa mạng mới các gói cước trả sau sẽ được miễn phí hòa mạng 119.000 đồng hoặc phí chuyển đổi từ thuê bao trả trước sang trả sau 50.000 đồng để gọi miễn phí nội mạng trong 12 tháng liên tiếp.

Rõ ràng đây là mức khuyến mại lớn nhất từ trước tới nay của các nhà mạng, tất nhiên là của VNPT và Viettel, còn các nhà mạng nhỏ khác thì vẫn im hơi lặng tiếng. Với các mạng lớn thì việc liên tục khuyến mại không phải trở ngại quá lớn, nhưng với các mạng nhỏ thì lại khác. Họ không thể “yếu lại ra gió” để rồi lặn không sủi tăm trong thời gian dài.

Trong bất cứ hoạt động sản xuất kinh doanh nào, cạnh tranh luôn được coi là công cụ để chống độc quyền nhằm mang lại chất lượng sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng. Thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng nhưng không phải vì thế mà “dễ xơi”. Nếu không có tiềm lực lớn, cơ sở hạ tầng đủ mạnh, và không có đầu óc sáng tạo trong kinh doanh thì một nhà mạng dù mạnh tới đâu cũng dần bị đối thủ lấn lướt.

Với chiến dịch khuyến mại “bom tấn” mới, những cái tên như Beeline, Vietnammobile, EVN Telecom… dần tỏ ra yếu thế, ít nhất là cho tới nay họ vẫn chưa có bất cứ động thái nào. Chính vì thế cuộc đua trở nên bớt sôi động hơn nhưng không phải vì thế mà người dùng di động bớt đi sự hào hứng. Có lẽ không cần nói cũng biết đằng sau đợt khuyến mại giảm giá lớn này, các “ông lớn” di động muốn hút thêm lượng khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ. Khi mà chất lượng dịch vụ của các nhà mạng dần trở nên ngang bằng thì sức hút mới sẽ chính là giảm giá dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Có nên hạn chế khuyến mại?

Ngay sau đợt “siêu” khuyến mại của 3 đại gia Mobifone, Vinaphone và Viettel, đã có một số ý kiến cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm giết chết “cá bé”. Tuy nhiên, đứng từ phía góc độ người dùng, nhờ có những đợt khuyến mại kiểu này thì họ mới được hưởng lợi. Trước đây, các “Thượng Đế” này không được chăm sóc đúng nghĩa mặc dù chính họ là nguồn sống nuôi dưỡng các nhà mạng. Vậy tại sao khi người dùng được hưởng lợi thì lại có ý kiến phản đối cho rằng “nguồn lợi” đó là quá nhiều, và cần giảm bớt đi? Đó là vì những lo ngại các “ông lớn” sau khi giết chết “cá bé” thì sẽ quay trở lại độc quyền.

Theo nhận định của ông Phạm Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT-TT thì hoạt động khuyến mại của các nhà mạng từ đầu năm tới giờ đã trở dần trở nên… quá đà, phá giá và có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh để “cá lớn nuốt cá bé”. Ông Hải cũng cho rằng người dùng đừng nên ham lợi trước mắt mà chạy theo các nhà mạng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc cạnh tranh là chuyện đương nhiên trong lĩnh vực di động. Nếu các “ông bé” không thể tự mình đứng lên, không thể cung cấp các gói cước có lợi hơn cho người dùng thì sao cứ phải bắt các “ông lớn” phải ngồi yên, để rồi người dùng vẫn phải sử dụng giá dịch vụ cao hơn mức đáng ra họ được hưởng lợi. Trong kinh doanh, trước hết là phải vì quyền lợi khách hàng để rồi từ đó doanh nghiệp mới được hưởng lợi.

Với lập luận “siêu” cạnh tranh là thiếu lành mạnh, nhất là khi chỉ có sự tham gia của các nhà mạng lớn, Bộ TT-TT dự kiến sẽ cho ban hành Dự thảo Thông tư về quản lý khuyến mãi trong lĩnh vực di động vào ngày 15-5 tới đây, và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Theo đó, các mạng di động chỉ được khuyến mãi không quá 90 ngày/năm và mỗi lần khuyến mãi không quá 45 ngày đối với các dịch vụ di động trả trước và trả sau (cả toàn quốc và nội vùng). Bên cạnh đó, dự thảo thông tư này quy định các mạng di động không được khuyến mãi vượt quá 50% giá trị hàng hóa trước thời điểm khuyến mãi.

(Theo VnMedia)